Tìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước

Bài 2: Khó khăn bủa vây

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để hình thành một tập đoàn kinh tế trong nền kinh tế thị trường phải hội tụ nhiều điều kiện, qua nhiều bước đi, theo nguyên tắc lấy cạnh tranh làm động lực phát triển. Nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở Việt Nam lại được hình thành từ mệnh lệnh hành chính với “công thức” ghép nhỏ thành lớn. Bởi vậy, khi đối mặt những yếu tố không thuận, cạnh tranh gay gắt và khó khăn, cùng những yếu kém nội tại, một số đơn vị đã thất bại. Những thất bại này đang trở thành thách thức lớn, nếu không muốn nói là lực cản đối với quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay.

Công nhân Tổng công ty Lắp máy (Lilama) gia công, chế tạo thiết bị cơ khí.
Công nhân Tổng công ty Lắp máy (Lilama) gia công, chế tạo thiết bị cơ khí.

Chưa thoát cảnh nợ nần

Mặc dù từ năm 2012 đến nay, không có thêm sự đổ vỡ của các DNNN, song nhiều DN vẫn đang chật vật xoay xở với phương án giảm lỗ, tiến tới cân đối tài chính và tìm lại chỗ đứng trên thị trường. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) Bùi Thế Chuyên cho biết: Năm 2018, mặc dù số lỗ của Vinachem đã giảm so năm 2017, nhưng ba đơn vị của Vinachem tiếp tục thua lỗ hơn 1.500 tỷ đồng, gồm Đạm Ninh Bình (lỗ 926 tỷ đồng, tương đương mức lỗ năm 2017), DAP số 2 Lào Cai (lỗ 246 tỷ đồng, giảm lỗ 54%); Đạm Hà Bắc (lỗ 340 tỷ đồng, tương ứng giảm 44%). Trong số bốn đơn vị, chỉ có DAP - Vinachem (Hải Phòng) đạt lợi nhuận 196 tỷ đồng. Nhờ đó, mức lỗ của bốn đơn vị này ước còn hơn 1.300 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 742 tỷ đồng, tương ứng 36% so với năm 2017. Ngoài các dự án đầu tư trong nước, dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào của Vinachem cũng đang bị “đắp chiếu” khiến hàng trăm triệu USD (vốn tự có của Vinachem 105 triệu USD) đầu tư khó có cơ hội thu hồi. “Trong năm 2019, đối với các đơn vị gặp khó khăn, Vinachem sẽ giám sát, kiểm tra đặc biệt và yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể; nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh sản phẩm”, ông Chuyên nhấn mạnh. Đặc biệt, Vinachem sẽ đôn đốc hoàn thành quyết toán đối với ba dự án: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2; tiếp tục tăng cường chỉ đạo sát sao những dự án này.

Cùng nỗi thăng trầm, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) năm 2018 đạt doanh thu hợp nhất 24.500 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 575 tỷ đồng nhưng chưa thể xoay chuyển tình hình tài chính khi vẫn còn 13 công ty lỗ lũy kế, chín công ty nằm trong danh mục phải giám sát đặc biệt. Theo Chủ tịch HĐQT VnSteel Nghiêm Xuân Đa, từ năm 2005 đến nay, VnSteel không có dự án đầu tư lớn nào ngoài góp vốn vào dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, hoạt động đầu tư chỉ dừng ở cải tạo, nâng cấp dự án hiện có, năng lực sản xuất “dậm chân tại chỗ”, mất luôn vai trò dẫn dắt thị trường. Năm 2015, VnSteel triển khai dự án cán thép ở miền nam, tuy nhiên thủ tục cấp phép phải qua nhiều cấp, nhiều quy trình, mãi đến năm 2018 mới có quyết định đầu tư, rơi vào đúng thời điểm thị trường khó khăn, dẫn đến lỡ cơ hội phát triển thị phần. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thép là ngành nghề Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, cho nên sẽ thoái hết vốn. Do nhiều nguyên nhân, nhất là lình xình liên quan dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, khiến quá trình cổ phần hóa của VnSteel rất chậm. “Đến thời điểm cuối năm 2018, VnSteel đã xóa hết lỗ lũy kế với lợi nhuận hợp nhất gần 1.800 tỷ đồng. Chính vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thoái vốn và nếu thoái nhanh sẽ thu lại giá trị cao cho Nhà nước” - ông Đa nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Bùi Hồng Minh cho biết, hiện nay đơn vị vừa phải giải quyết vấn đề về đầu tư ngoài ngành, vừa phải tập trung tối ưu hóa sản xuất. Một số đơn vị của Vicem đang trong quá trình trả nợ do lỗ lũy kế trước khi chuyển về như: Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao; hoặc cơ cấu lại tổ chức, giảm từ 4.000 người xuống 1.000 người, kéo theo khó khăn trong công tác giải quyết chế độ cho người lao động như Vicem Hải Phòng. Ít nhất phải hai năm nữa, các đơn vị này mới có thể trả hết nợ, phát triển ổn định. “Khi các đơn vị thành viên gặp khó khăn, Vicem có thể cho vay, chứ không cấp vốn để trả nợ, đồng thời ưu tiên tăng năng lực sản xuất và không cấp tiền cho các công ty con để bù lỗ”, ông Minh khẳng định.

Những cơ chế trói buộc

Có thể thấy, không ít lãnh đạo đương nhiệm ở DNNN được Chính phủ, cơ quan quản lý “chọn mặt gửi vàng”, điều động, bổ nhiệm giữ chức chủ tịch HĐTV, HĐQT, tổng giám đốc điều hành với nhiệm vụ đầy thử thách là vực dậy những doanh nghiệp (DN) kinh doanh thua lỗ. Nhiệt huyết có, trình độ có, nhưng quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về DNNN lại nảy sinh không ít bất cập, đẩy DN đi vào ngõ cụt.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Việt Hùng thở dài khi nhắc đến tình trạng bế tắc của HUD. Trong quá trình triển khai Nghị định (NĐ) số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, một số địa phương hiểu theo ý toàn bộ nhà, đất tại các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do DN làm chủ đầu tư cũng là đối tượng áp dụng NĐ, tức là được tính vào tài sản công. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại cho rằng đối với những DN có ngành nghề chính là đầu tư, kinh doanh bất động sản, khu công nghiệp,… thì tài sản nhà, đất cần sắp xếp, xử lý chỉ bao gồm phần tài sản nhà, đất mà DN đó giữ lại để sử dụng và tài sản này thuộc sở hữu của DN (trụ sở, văn phòng, diện tích kinh doanh thương mại…). Do đó, năm lần bảy lượt, DN gửi hồ sơ đến Bộ Xây dựng và các địa phương xin ý kiến về phương án sử dụng đất, giá đất đều rơi vào sự im lặng kéo dài. Tắc ở NĐ 167 dẫn đến nghẽn luôn hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng loạt DN, vì bất động sản xây xong không thể bán ra thị trường, khiến hàng tồn kho ngày càng lớn. DN như đang ngồi trên đống lửa vì hàng tồn kho là tiền vay nợ để đầu tư và có một phần chiếm dụng vốn của khách hàng, chiếm dụng của nhà thầu, chậm giải quyết ngày nào, lãi vay dày thêm ngày ấy. Đại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) thừa nhận NĐ này chưa bao quát hết các đối tượng và tính phân cấp thấp khi đưa ra quy trình sắp xếp đất đai, sắp tới sẽ trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, khi những khó khăn này chưa biết gỡ thế nào, nay lại “bồi” thêm những khúc mắc trong định giá tài sản vô hình theo NĐ 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi NĐ 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN) khiến cho việc bán vốn nhà nước tại DN rối như canh hẹ. Cả NĐ 32 và Thông tư 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện NĐ đều chưa cụ thể hóa các nội dung tính giá trị vô hình của DN như giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu, các đơn vị tư vấn thẩm định giá khó thống nhất trong tiếp cận, định giá các loại tài sản vô hình... Thời điểm này, lẽ ra quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN phải ở giai đoạn nước rút, nhưng một loạt DNNN đã có văn bản xin lùi tiến độ thực hiện.

Cơ khí chế tạo được xác định là ngành nghề xương sống của nền kinh tế, nền tảng cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhưng đáng buồn, nhiều DN cơ khí hàng đầu của Việt Nam gần đây đang lao dốc không phanh. Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn bộc bạch, khó khăn của Lilama rất nhiều. Quyết định 2414/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020, về mặt chính sách tạo điều kiện cho DN, là chủ trương đúng đắn nhằm hạn chế thất thoát trong thi công xây dựng nhưng khi triển khai trên thực tế lại phản tác dụng. Đơn giá kiểm duyệt chặt chẽ, thủ tục phức tạp, nhà thầu chỉ được thanh toán tối đa 80% giá trị gói thầu theo giá tạm tính, xảy ra lỗi bất kỳ khâu nào lại phải làm thủ tục từ đầu đã “giết chết” các sáng kiến trong lao động vì sáng kiến thường nằm ngoài quy chuẩn, tiêu chuẩn, rất khó được thanh toán,… nhà thầu khó ước lượng được mức lợi nhuận, không dám tham gia nhiều gói thầu, khiến tiến độ dự án “đóng băng”. Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 do Lilama làm Tổng thầu EPC vì thế đang có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ kéo dài, làm giảm hiệu quả đầu tư. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami) Đào Phan Long nhận định, sự tụt dốc của ngành cơ khí có nguyên nhân không nhỏ từ cơ chế, chính sách. Dù DN trong nước hoàn toàn đủ khả năng đảm nhận nhiều gói thầu thuộc các dự án công nghiệp, nhưng cơ chế đấu thầu “dễ người, khó ta” khiến các dự án lớn đều rơi vào tay DN nước ngoài. Ở nhiều quốc gia, những phần việc DN trong nước bảo đảm được, họ yêu cầu đấu thầu công khai, minh bạch để các thành phần kinh tế đều có cơ hội tham gia, yên tâm đầu tư chiều sâu, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững DN và đất nước. Dòng tiền “Petro dollars” từ nguồn dầu Việt Nam bị chảy ra nước ngoài trong khi các DN trong nước “đói” việc là hình ảnh được Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San sử dụng để miêu tả những bất cập trong công tác đấu thầu khiến dịch vụ trong nước bị hạn chế phát triển, nhất là những công trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư và “nhường sân” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những thông tin khá bất thường nhưng không bất ngờ về “sức khỏe” của DNNN: Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn; trích lập dự phòng nợ không đúng quy định. Một số DN kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính,... Đáng lưu ý, vẫn có nhiều DN hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu. Đơn cử, Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (thuộc PVN) âm vốn chủ sở hữu 1.780 tỷ đồng; Tàu thủy Dung Quất âm vốn 1.159 tỷ đồng.

Về định hướng, chính sách, cần nhìn nhận lại để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN không làm giảm dần và yếu đi khu vực DNNN, nhất là trong lĩnh vực mang tính cạnh tranh. Số liệu hiện nay cho thấy, sự thành công và hình ảnh đẹp của DNNN chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực tính cạnh tranh chưa cao, còn trong những ngành cạnh tranh mạnh mẽ thì chưa thấy vai trò, vị trí của DNNN. Trong các giải pháp Nghị quyết 12-NQ/TW đã đề ra về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, nhấn mạnh cần quyết liệt triển khai bằng được hoặc sớm bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh. Đó là mục tiêu hầu hết DNNN hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tức là phải đổi mới quản trị DN.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)


(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-6-2019.

* Bài 4: Cần bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước

* Bài 3: “Cởi trói” cho doanh nghiệp

* Bài 1: Trăn trở vai trò dẫn dắt