Tìm hướng đi cho vật liệu xây không nung

Tính đến thời điểm này, công suất thiết kế các dây chuyền vật liệu xây không nung (VLXKN) đạt khoảng 25% so với vật liệu nung, đạt yêu cầu đề ra trong Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Tuy nhiên, thực tế tiêu thụ rất khó khăn, không đồng đều và chỉ đạt khoảng 18% công suất.

Lý giải điều này, các chuyên gia nhận định, nhiều khó khăn trước đây vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đầu tiên, chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân về sử dụng gạch đỏ, gạch nung. Tiếp đến, công tác xóa bỏ các lò gạch thủ công chưa triệt để, một số địa phương thiếu quyết liệt trong công tác này, trong khi đó việc tuyên truyền lợi ích của gạch không nung còn thiếu và yếu. Công tác sản xuất VLXKN khá đa dạng, nhưng ngoài một số doanh nghiệp lớn đầu tư dây chuyền đủ tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra, quá trình sản xuất, có chất lượng sản phẩm tốt, còn lại nhiều doanh nghiệp nhỏ, thủ công, hộ gia đình với máy móc thiết bị không đồng bộ, chất lượng không tốt. Điều này vô hình trung ảnh hưởng tiêu cực tới cả chủng loại VLXKN. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp đầu tư khá bài bản gạch bê-tông cốt liệu, nhưng do tác động từ thói quen và thông tin về sản phẩm lỗi của các doanh nghiệp khác, dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ, sản phẩm không được dùng đúng mục đích, thường chỉ để xây tường rào. Hiện nay, tuy đã có các chính sách vĩ mô ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư VLXKN, nhưng triển khai thực tế kém hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải “tự bơi”, trước khi trông chờ vào ưu đãi...

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, theo đó tăng cường ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời các cơ sở sản xuất này sẽ được ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư. Đây được coi là bước tiếp theo cụ thể hóa chương trình phát triển các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường, nhưng việc cấp thiết là phải cụ thể hóa những ưu đãi này trên thực tế vì nhiều doanh nghiệp đón đầu chủ trương phát triển VLXKN đang “sống mòn” theo chương trình, sản xuất cầm chừng. Cùng với ưu đãi đầu tư, việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra VLXKN cũng quan trọng không kém. Một mặt, các doanh nghiệp phải tự nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, mặt khác chính quyền các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác xóa bỏ lò gạch thủ công, siết chặt việc sử dụng VLXKN trong các công trình theo đúng quy định.

Một vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm là sử dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy hóa chất làm nguyên liệu sản xuất VLXKN. Các chính sách gần đây vẫn đang “loay hoay”, làm tăng chi phí trong việc xử lý nguồn phát thải này. Trong khi đó, nếu tận dụng tốt nguồn tro xỉ sẽ đem lại nhiều lợi ích, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng trong phát triển bền vững. Bộ Xây dựng cần tăng cường rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xử lý, sử dụng phế thải tại các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển VLXKN từ các nguồn phế thải cũng như các nguồn tài nguyên khác.