Tìm hướng đi cho mô hình kinh tế hợp tác (Kỳ 1)

Trong những năm gần đây, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, vai trò của khu vực kinh tế tập thể ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay và tiệm cận trình độ, nhận thức của quốc tế. Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực ban đầu đã đạt được, kinh tế hợp tác, HTX vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải tiếp tục được tháo gỡ, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả.

Đóng gói sản phẩm cam lòng vàng tại Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: THỦY VŨ
Đóng gói sản phẩm cam lòng vàng tại Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: THỦY VŨ

Bài 1: Sức hút hợp tác xã kiểu mới

Thời gian qua, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các thành phần kinh tế cũng phải không ngừng đổi mới, phát triển để phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũng dần có những bước chuyển tích cực. Nhiều HTX kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ gia đình. Hiệu ứng lan tỏa của các HTX đã tạo động lực, thu hút ngày càng nhiều hơn người dân, hộ gia đình tham gia vào HTX.

“Luồng gió mới” của HTX

Trước đây, mỗi khi nhắc đến HTX, người ta thường nghĩ đến mô hình kinh tế tập trung bao cấp, hoạt động theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Ngày nay, với sự hiện diện ngày càng nhiều hơn các thành viên, giám đốc, chủ tịch HTX thuộc thế hệ 8x, 9x, các HTX đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Chính những thế hệ trẻ ngày càng hào hứng liên kết với nhau trong ngôi nhà chung HTX đã “thổi” một luồng gió mới cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Minh chứng rõ nét cho điều này chính là mô hình HTX 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình). Giám đốc HTX Vũ Thị Lệ Thủy, cô gái sinh năm 1983, đã tự nhận mình là “người cao tuổi” trong HTX khi cho biết, trong tổng số 22 thành viên của HTX thì có đến hai phần ba thành viên đều thuộc thế hệ 8x, 9x.

Theo chị Vũ Thị Lệ Thủy, HTX của chị được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2018, với vốn điều lệ một tỷ đồng. Khi mới thành lập, HTX có bảy thành viên, diện tích sản xuất 12,5 ha. Sau một năm hoạt động, HTX phát triển lên 22 thành viên, quy mô diện tích sản xuất tăng lên 29,5 ha. Dù mới thành lập, nhưng với tư duy nhạy bén, ngay từ ban đầu các thành viên đã đề ra cho HTX mục tiêu tạo ra một mặt hàng cam quả chất lượng đặc biệt để gia tăng giá trị cho sản phẩm cam Cao Phong.

Với mục tiêu như vậy, HTX đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm sóc và được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Phần lớn diện tích trồng cam của các thành viên đều sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón. HTX cũng đưa ra nội quy các thành viên tuyệt đối không được sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ đất và chống ô nhiễm nguồn nước. Để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, HTX còn liên kết với Trường đại học Bách khoa Hà Nội lắp đặt mô hình rửa, phân loại, xử lý, bọc màng sinh học bảo quản sản phẩm và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc,... Nhờ vậy, năm 2018, tổng sản lượng cam của HTX đạt khoảng 300 tấn, cho doanh thu hơn 6 tỷ đồng.

Bước sang năm 2019, Giám đốc HTX Vũ Thị Lệ Thủy bày tỏ tin tưởng sẽ đạt tổng doanh thu cao hơn năm 2018. Nhưng chị cũng chia sẻ thêm: Vì mô hình hoạt động theo quy mô HTX, cho nên khi phát triển vùng nguyên liệu, bà con luôn hỏi: Làm theo quy trình, khi sản phẩm được thu hoạch, giá bán có đắt hơn không? HTX có bảo đảm bao tiêu sản phẩm không? “Có một thực tế là người dân phải thấy được lợi ích ngay thì mới muốn hợp tác. Do đó việc thuyết phục để họ thấu hiểu mục tiêu lâu dài và bền vững khi làm nông nghiệp không hề đơn giản. Chưa kể, cạnh tranh về giá sản phẩm cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm,… luôn là áp lực lớn cho những người đại diện HTX như chúng tôi”, chị Thủy cho biết.

Tự thay đổi để vượt áp lực cạnh tranh

Trong cơ chế thị trường, khu vực kinh tế hợp tác và HTX cũng là một mô hình kinh doanh, cũng phải cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp để tìm chỗ đứng trên thị trường. Sau bao phen sóng gió, có không ít HTX bị thị trường đào thải, nhưng cũng có rất nhiều HTX “vật lộn” vượt qua chính mình để vững vàng tồn tại và phát triển. Để làm được như vậy, các HTX cần có nguồn nhân lực tốt. Đó là những người trẻ, được đào tạo, năng động kinh doanh và phải tâm huyết với HTX, như những bạn trẻ của HTX 3T nông sản Cao Phong nêu trên. Nhưng bên cạnh đó, việc nhận thức đúng và tìm ra cho mình một hướng đi riêng, xóa bỏ rào cản và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng là một trong những giải pháp quan trọng để những “thuyền trưởng” lèo lái con thuyền HTX mạnh mẽ vươn khơi. Thương hiệu chè Tân Lập của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là một thí dụ cụ thể khi các sản phẩm của HTX không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn được thị trường của nhiều nước trên thế giới như Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan,… đón nhận.

Giám đốc HTX sản xuất chè Tân Lập Hoàng Thị Thúy cho biết, HTX bắt đầu thành lập và đi vào hoạt động sản xuất từ ngày 21-7-2003 với khoảng 100 thành viên. Nhưng đến tháng 5-2010, HTX phải xin tạm dừng hoạt động hai năm. Cuối năm 2014 đầu năm 2015, HTX mới bắt đầu hoạt động trở lại và chuyển giao cho Ban quản trị mới tiếp quản. Năm 2016, HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX đã mở rộng lên hơn 300 thành viên, hộ thành viên.

“Để các thành viên và người lao động gắn bó với HTX, bắt đầu từ năm 2014, HTX đã ký hợp đồng cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên thuộc vùng nguyên liệu do HTX quản lý và sẽ hỗ trợ về giá thu mua nguyên liệu bình ổn trong năm sản xuất là 6.300 đồng/kg chè tươi, hỗ trợ phân bón và cuối năm sẽ có quỹ khen thưởng, động viên cho các hộ thành viên là 300 đồng/kg chè tươi”, chị Hoàng Thị Thúy chia sẻ. Ngoài ra, HTX còn vận động các hộ thành viên, thành viên trên địa bàn xã tìm hiểu, học hỏi phương thức phát triển cây chè đạt tiêu chuẩn; đào tạo và phổ biến kỹ thuật chăm sóc cho nông dân theo hướng nông nghiệp an toàn; tổ chức tập huấn hằng năm về kỹ thuật chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật,… Nhờ đó, sản lượng và chất lượng chè của HTX không ngừng được nâng cao. Doanh thu của HTX cũng tăng theo từng năm, năm 2017 đạt 83 tỷ đồng, năm 2018 đạt 97 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm 2019 đạt 27 tỷ đồng.

Qua các điển hình nêu trên, có thể thấy, HTX kiểu mới ngày nay đã có nhiều chuyển biến khi thay đổi tư duy cung cấp cả dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra; thích nghi tốt hơn với thị trường,… Hoạt động của HTX tạo sức lan tỏa cao khi ngày càng nhiều HTX kiểu mới, điển hình được nhân rộng; số lượng HTX thành lập mới tăng nhanh với chất lượng được nâng cao. Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2019, cả nước thành lập mới 1.024 HTX, một Liên hiệp HTX và 2.689 tổ hợp tác; có gần 900 nghìn thành viên mới tham gia HTX, tổ hợp tác. Đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 23.280 HTX, 75 Liên hiệp HTX và 104.861 tổ hợp tác. Năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt gần 54%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, người lao động đạt mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang đóng góp 4% GDP cả nước, ước tính thu nhập mỗi hộ thành viên tăng 30% sau khi tham gia HTX.

Bên cạnh những thành công bước đầu trong xây dựng HTX kiểu mới, nhiều bài toán cũng đặt ra trong thực tiễn, đòi hỏi phải có lời giải đáp kịp thời. Hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều hạn chế; giữa các HTX trong cả nước phát triển chưa đồng đều. Theo Cục trưởng Phát triển HTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Văn Đoàn, sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện quản lý nhà nước cũng như hạn chế trong nội tại các HTX. Do vậy, để phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới cần sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay; tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; đồng thời, xây dựng và phát triển bền vững mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện công bằng xã hội.

(Còn nữa)

Kể từ khi tham gia vào HTX chè Tân Lập từ năm 2016 đến nay, kinh tế gia đình tôi đã dần ổn định và phát triển. Tôi cùng vợ cũng trực tiếp tham gia lao động tại nhà xưởng sản xuất và chế biến chè của HTX, thu nhập bình quân của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 16 triệu đồng. Đến nay, gia đình tôi đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có chút vốn liếng để tích lũy và nuôi con ăn học.

Hà Văn Huê

HTX chè Tân Lập (huyện Mộc Châu, Sơn La)