Góc nhìn

Tiếp sức cho người dân và doanh nghiệp

Việc xuất hiện các ca lây nhiễm cộng đồng tại một số địa phương cuối tháng 4 vừa qua một lần nữa thử thách sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế và tăng trưởng đạt 6,5% càng trở nên khó khăn khi nhiều địa phương đã phải ban hành quyết định tạm đóng cửa một số hoạt động và dịch vụ để phòng, chống dịch.

Doanh nghiệp (DN) hàng không, du lịch, lữ hành vừa chớm phục hồi đã phải đối mặt với nguy cơ khách hủy tua ngay trước mùa cao điểm hè. Những ngành nghề, lĩnh vực phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô tuy không tác động lớn đến thu ngân sách nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của nhiều người lao động. Trong khi đó, tính đến quý I-2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu lao động chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gần đây cho thấy, sức chịu đựng của DN dường như đã đến hạn sau hơn một năm chống chịu với dịch.

Ngày 19-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NÐ-CP về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Ðây là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, giúp DN phục hồi, có thêm nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và tạo cơ hội phát triển. Ðiểm đáng lưu ý của Nghị định 52 không phải ở quy mô gói hỗ trợ (giãn nộp thuế khoảng 115 nghìn tỷ đồng) mà ở cách thức triển khai thực hiện có thể đem lại hiệu quả nhanh nhất cho đối tượng thụ hưởng. Ðó là, Nghị định 52 có hiệu lực ngay từ ngày ký và quy định người nộp thuế chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế. Một ngày sau, Tổng cục Thuế có ngay công điện đến cơ quan thuế các địa phương chỉ đạo phải tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn, bảo đảm tất cả các đối tượng đều được biết và hưởng quyền lợi. Hiện nay, thủ tục này đã được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Những cân nhắc, đề xuất hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân vẫn tiếp tục được Chính phủ thảo luận. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì, sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và đề xuất biện pháp hỗ trợ hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai trước khi ban hành chính sách. Ðồng thời bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị tác động bởi dịch Covid-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Con số ấn tượng

1.695,6 nghìn tỷ đồng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bốn tháng đầu năm 2021, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 2,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%).

BÍCH NGÂN