Tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp bền vững (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 2: Hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai -

Ðể tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhằm vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, vừa bảo đảm quyền lợi của nông dân…

Dây chuyền sản xuất rau an toàn tại Công ty Vineco (VinGroup). Ảnh: DŨNG MINH
Dây chuyền sản xuất rau an toàn tại Công ty Vineco (VinGroup). Ảnh: DŨNG MINH

*Bài 1: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Quyền lợi của nông dân được đặt lên hàng đầu

Khi thực hiện tích tụ ruộng đất, vấn đề quan trọng nhất là cần bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Thực tế nước ta hiện nay có một tỷ lệ khá lớn người lao động và dân cư sống phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi công nghiệp và dịch vụ chưa đủ mạnh để thu hút lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, việc chuyển nhượng, thu hồi ruộng đất của nông dân để giao cho các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, công nghệ cao cần được xem xét trong mọi điều kiện cụ thể, nhằm bảo đảm ổn định, thỏa đáng lợi ích của nông dân. Tích tụ ruộng đất dưới bất kỳ hình thức nào cũng nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, qua đó tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp, góp phần tích lũy xã hội.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, nếu chính sách không tốt sẽ tạo ra sự mất cân bằng thu nhập xã hội, tạo ra sự phân hóa giàu, nghèo. Những người nông dân đi làm thuê có thể bị bần cùng hóa do mất tư liệu sản xuất, tạo ra gánh nặng cho xã hội. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý cần phù hợp, minh bạch cho các hình thức tích tụ ruộng đất, cần loại bỏ tình trạng tích tụ và sử dụng ruộng đất theo hình thức đầu cơ, "phát canh thu tô". Hiện nay, người nông dân cũng đã ý thức được việc sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả, dẫn tới lợi nhuận thu lại không cao. Bản thân người nông dân rất mong muốn được phối hợp, hợp tác cùng các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu ra cho sản phẩm. Nhưng họ cũng luôn mong muốn quyền lợi của mình được bảo đảm thông qua sự bảo vệ bằng cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Anh Thư, khi bỏ hạn điền, việc tích tụ ruộng đất là phù hợp cho xu thế canh tác lớn, nhưng nếu không quy hoạch cụ thể, vòng luẩn quẩn bỏ cây này, trồng cây khác vì có giá trị kinh tế cao hơn chắc chắn lại xảy ra. Ðiệp khúc được mùa mất giá cũng dễ tái diễn và người gánh chịu hậu quả chính là nông dân. Do vậy, ngoài xóa hạn điền, mở hướng sản xuất quy mô lớn thì công tác quy hoạch vùng cụ thể, bền vững trong phát triển nông nghiệp cần được quan tâm hàng đầu. Ðây là việc làm quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân khi nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa.

PGS, TS Dương Văn Chín, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: "Chúng ta cần nhìn nhận nông nghiệp chính là nền tảng, bệ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất lớn trong nông nghiệp là quy luật khách quan, không thể chậm trễ nữa. Cho nên việc bỏ hạn điền cần được tính đến nhưng bỏ như thế nào, làm sao để người nông dân "ly nông bất ly hương" là việc cần suy nghĩ". Cũng theo PGS, TS Dương Văn Chín, vấn đề là chúng ta cần xem xét ba hình thức: Thứ nhất, bà con nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân cũng là công nhân lao động trên mảnh đất của mình. Thứ hai là doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp, lợi ích đồng thuận trên hợp đồng có sự "bảo hộ" của chính quyền địa phương. Và thứ ba là mô hình hợp tác xã kiểu mới, các thành viên cùng góp đất, vẫn giữ quyền sử dụng đất nhưng cần canh tác theo Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật.

Ðể nhà đầu tư yên tâm sử dụng đất nông nghiệp

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là một chính sách đúng, phù hợp quy luật khách quan. Tuy nhiên, để chính sách này có tính khả thi, bền vững và có hiệu quả thực chất thì Nhà nước cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và minh bạch, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, lợi ích của các nhà đầu tư, lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế và sự ổn định, trật tự của các quan hệ xã hội có liên quan. Trong hành lang pháp lý này, người nông dân, nhà đầu tư cần được tiếp cận với cơ chế pháp lý linh hoạt hơn, ổn định hơn để có thêm sự lựa chọn thích hợp cho mình trong việc dịch chuyển quyền sử dụng đất theo hướng tích tụ đất đai, góp phần tối đa hóa giá trị quyền sử dụng đất và các nguồn vốn đầu tư trên đất.

Luật Ðất đai năm 2013 đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp, như nâng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức giao đất cho các hộ nông dân, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất… tạo điều kiện cho người sử dụng đất nông nghiệp mở rộng sản xuất và yên tâm đầu tư lâu dài. Tuy vậy, sau gần bốn năm thực hiện luật, cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cản trở quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Ðó là, quy định về hạn mức giao đất, hạn mức nhận quyền sử dụng đất chưa khuyến khích, tích tụ đất đai quy mô lớn. Nhất là quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hằng năm đối với hộ gia đình không được quá 10 lần hạn mức giao đất, gây khó khăn cho người nhận chuyển quyền vượt quá hạn mức quy định, phải nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần diện tích vượt hạn mức bị từ chối khi thế chấp vay vốn ngân hàng. Người không trực tiếp sản xuất, mặc dù có vốn, công nghệ, thị trường, không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng đang là một quy định gây cản trở đầu tư vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay việc tiếp cận đất nông nghiệp của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất cho nông nghiệp chưa rõ ràng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất nuôi trồng thủy sản còn bất cập, do thủ tục xin phép nhiêu khê và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định mặc dù việc chuyển đổi này chỉ là vấn đề của "nội bộ" ngành nông nghiệp. Có một thực tế, hiện nhiều nông dân đã bỏ ruộng, chuyển sang các nghề phi nông nghiệp, song chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý còn hạn chế cho nên họ vẫn có xu hướng "giữ ruộng" bằng việc để… hoang hóa, hoặc cho thuê, mượn lại ruộng của mình dưới các hình thức không chính thức. Phí và thuế chuyển nhượng đất nông nghiệp hiện cũng còn ở mức cao. Chưa có quỹ đất ổn định, lâu dài dành cho phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản… để quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung cũng đang trở thành một hạn chế lớn cần sớm được "cởi trói" về cơ chế, chính sách.

Với hàng loạt hạn chế, bất cập như vậy, nếu không được tháo gỡ kịp thời, đồng bộ, nhiều nhà quản lý, nhà doanh nghiệp cho rằng sẽ rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, việc tích tụ ruộng đất hiện có nhiều cách như: thông qua hợp tác, liên kết nông hộ, liên minh nông hộ và doanh nghiệp để dẫn đến tăng quy mô ruộng đất, xuất hiện các trang trại của nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vì vậy, chủ trương hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức sản xuất nông hộ có ý nghĩa rất lớn hiện nay cũng như trong tương lai khi Luật Ðất đai có những thay đổi về hạn điền.

Trao đổi về sự cần thiết tích tụ, tập trung ruộng đất, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Hải cho rằng, trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền bề mặt, pháp luật về đất đai cũng cần phải cụ thể hóa trường hợp nhà đầu tư thông qua quy định của luật, hoặc thông qua thỏa thuận với người nông dân để xác lập quyền đối với mặt đất, mặt nước, không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất thuộc quyền sử dụng đất của người nông dân.

Trường hợp này người nông dân không bán toàn bộ quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư và họ cũng không xác lập hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất với nhà đầu tư mà là theo quy định của luật hoặc theo thỏa thuận, người nông dân chỉ chuyển giao bề mặt thửa đất thuộc quyền của mình cho nhà đầu tư khai thác, sử dụng để xây dựng công trình, trồng cây, canh tác.

Nhà đầu tư được sở hữu những tài sản được tạo lập, được quyền chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền bề mặt của mình cho chủ thể khác theo điều kiện và trong phạm vi tương ứng với phần quyền bề mặt. Áp dụng trường hợp này cũng giúp cho Nhà nước có được chính sách hợp lý, bền vững trong tích tụ ruộng đất mà không làm ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi của người nông dân về quyền sử dụng đất, góp phần làm ổn định các quan hệ xã hội có liên quan.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai về cơ bản đã được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua đó, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất. Tuy nhiên, quá trình tích tụ đất đai diễn ra còn chậm, cần tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật…

Ðây cũng là mong muốn chung của các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, các tổ chức và người nông dân trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững. 

Hiện nay, cả nước có 10 triệu hộ nông dân, với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích bình quân hộ nông nghiệp chỉ đạt khoảng 0,46 ha, trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Trong số đất nông nghiệp đã chuyển nhượng thì 29% thực hiện trước năm 1994, 41% trong giai đoạn 1994-2003, 30% trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay…

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

-----------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 30-5-2017.