Thước đo mới của môi trường kinh doanh

Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia năm 2020 có nhiều điểm mới, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu đưa MTKD bắt kịp tốp bốn nước đứng đầu ASEAN.

Cụ thể, Nghị quyết năm nay nêu rõ bảy nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện MTKD, NLCT quốc gia. Trong đó bổ sung các giải pháp tập trung vào những lĩnh vực nhiều năm qua hầu như không có cải thiện, với mục tiêu phải cắt giảm được chi phí và thời gian cho doanh nghiệp (DN), nhất là cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh (ÐKKD) và chi phí trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Lần đầu tiên, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cập nhật và công bố công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ ÐKKD đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh các ÐKKD trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa, hoàn thành trong quý I-2020; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các ÐKKD được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Nghị quyết cũng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định đơn giản hóa về ÐKKD, không tự đặt thêm ÐKKD dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về ÐKKD,...

Bằng những quy định cụ thể nêu trên, Nghị quyết 02 đã tạo áp lực buộc các bộ, ngành phải cải cách thật sự, thực thi đầy đủ để cộng đồng DN liên quan được hưởng lợi trọn vẹn. Nói đơn giản, Nghị quyết đã lấy sự hài lòng của cộng đồng DN là tiêu chí cho mọi thước đo về cải cách MTKD và nâng cao NLCT quốc gia. Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng ở năm thứ hai liên tiếp ban hành Nghị quyết 02 và là năm thứ bảy của cải cách, Chính phủ sẽ tạo ra thước đo mới về cải thiện MTKD và nâng cao NLCT quốc gia, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 bằng 210% GDP) nhưng thiệt thòi của DN Việt Nam là không chỉ cạnh tranh trên thương trường, mà còn phải đối mặt với rủi ro thể chế để tồn tại ngay ở thị trường trong nước. Chúng ta đã đạt nhiều kết quả trong việc cắt giảm ÐKKD, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhưng so với thế giới thì vẫn chậm cho nên phải cải cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn nữa để dòng tiền đầu tư chảy vào các dự án kinh doanh nhanh nhất, có lợi nhất.

Tạo dựng MTKD tốt là hành động thiết thực nhất để đồng hành cùng DN. Thế giới ngày càng phẳng, khoảng cách giữa sự thuận lợi của MTKD Việt Nam với thế giới càng được rút ngắn thì cơ hội vươn lên của DN Việt Nam càng nhiều. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02; trong đó, vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng.