Thúc đẩy phát triển bền vững cây điều

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp cây điều tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ chế biến hiện đại đã góp phần tăng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu điều nhân, bảo đảm đầu ra ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nông dân huyện Kông Chro (Gia Lai) thu hoạch điều. Ảnh: ĐỨC THỤY
Nông dân huyện Kông Chro (Gia Lai) thu hoạch điều. Ảnh: ĐỨC THỤY

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay cả nước có khoảng 308.660 ha điều, trong đó diện tích cho thu hoạch là 290.482 ha, năng suất bình quân đạt 11,9 tạ/ha, sản lượng 344.836 tấn. Trong đó, Đông Nam Bộ là khu vực trồng điều chủ lực với diện tích 187.490 ha, chiếm 60,74% diện tích của cả nước; vùng Tây Nguyên có diện tích 85.265 ha; duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 35.023 ha; còn lại là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Bắc Trung Bộ.

Mặc dù thời gian gần đây, vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giá một số nông sản xuống thấp nhưng giá hạt điều luôn đứng ở mức cao, từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Nhiều vườn điều được chăm bón tốt, năng suất cao, giúp nông dân có thu nhập ổn định. Các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các mô hình thâm canh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân như tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, giúp cho vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều hộ trồng điều tại tỉnh Đồng Nai có quy mô diện tích hơn 5 ha, thâm canh đạt năng suất từ 30 đến 35 tạ/ha; tỉnh Bình Phước có khoảng 2.000 ha, sản xuất theo hướng thâm canh, chăm sóc đúng quy trình đạt năng suất từ 35 đến 50 tạ/ha. Cũng tại tỉnh Bình Phước, việc liên kết sản xuất đang được triển khai đồng bộ ở các địa phương theo hình thức như: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tỉnh có hơn 70 hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có hợp tác xã đang hoạt động với hình thức liên kết sản xuất điều theo tiêu chuẩn FLO và Organic xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh cũng bảo đảm cây giống chất lượng phục vụ sản xuất, giúp người dân nâng cao năng suất. Theo đó, nhiều gia đình ở các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Phú Riềng… trồng điều ghép đã cho năng suất bình quân đạt từ 3,3 đến 4 tấn/ha.

Hiện nay, năng suất điều của Việt Nam cao hơn năng suất trung bình thế giới, nhưng vẫn thấp so với tiềm năng. Một số hạn chế khác là: diện tích trồng phân tán; kỹ thuật canh tác như tỉa cành, tạo tán, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh chưa được áp dụng đồng bộ; công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức sản xuất, liên kết giữa các nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp chưa chặt chẽ...

Để ngành điều phát triển bền vững, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thâm canh giúp cây điều thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Thực tế đã chứng minh, nếu áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, năng suất điều có thể tăng từ 24 đến 63%. Đồng thời, tích cực tái canh, trồng mới thay thế những vườn điều già cỗi bằng giống mới, trẻ hóa vườn cây giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhưng việc tái canh, trồng mới cần quan tâm đến chất lượng giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu tạo ra những giống điều có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu của từng vùng; quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều theo hướng chế biến sâu; bảo đảm liên kết chặt chẽ giữa người trồng điều và doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cũng như lợi nhuận cho bà con nông dân…

Theo Cục Trồng trọt, mục tiêu đến năm 2020, cả nước ổn định diện tích khoảng 300 nghìn ha điều với sản lượng 450 nghìn tấn. Trong đó, vùng trọng điểm ở bốn tỉnh là: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, ổn định diện tích 200 nghìn ha. Cùng với đó là tái canh 45 nghìn ha và ghép cải tạo 15 nghìn ha điều tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Bình Định.