Thúc đẩy cải cách, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Ngày 19-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.

Quyết tâm cải cách táo bạo

Ðiểm thú vị là bắt đầu từ năm nay, VRDF không còn là diễn đàn riêng cho Việt Nam mà trở thành diễn đàn quốc tế với sự tham dự của đông đảo các diễn giả, học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới cùng đại biểu đến từ nhiều quốc gia và đại diện các doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Trong cả ba phiên thảo luận không chỉ có nội dung đối thoại giữa các thành viên Chính phủ với các đối tác phát triển mà còn có sự thảo luận, tương tác giữa diễn giả và các đại biểu về các vấn đề quan trọng cho quá trình phát triển của Việt Nam. Cũng từ VRDF 2019 này, Việt Nam bắt đầu tham gia chia sẻ kinh nghiệm với các nước thay vì luôn ở vị thế học hỏi.

Trong bài phát biểu khai mạc VRDF 2019, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới với mức tăng GDP bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt hơn 6,2%. Quy mô nền kinh tế đến hết năm 2018 đạt hơn 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.600 USD. Cùng với xu thế phát triển chung, Việt Nam nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo (ÐMST); đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ÐMST, khởi nghiệp, chuyển đổi số,... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất định, căng thẳng thương mại gia tăng và những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy, chưa nói đến khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. "Sẽ không
thể thành công nếu Việt Nam không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách. Khát vọng và mong muốn của Việt Nam trong việc phát triển đất nước ngày càng thịnh vượng, hiện đại, với những định hướng táo bạo và đầy quyết tâm là rất rõ ràng. Chúng ta luôn mong muốn được tìm hiểu, học hỏi các bài học kinh nghiệm trên thế giới, được lắng nghe các ý kiến tư vấn, khuyến nghị của các chuyên gia, các học giả gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam U.Ði-ôn nhận định: Mặc dù đạt nhiều thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả. Ðiều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước. Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công và sự phát triển của mình nhưng cần cải cách táo bạo. Vị chuyên gia này đưa ra khuyến cáo cụ thể là cần tập trung vào hai lĩnh vực cải cách quan trọng: giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng hiện tại thông qua việc xác định các phương án chính sách để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên ÐMST và tận dụng CMCN 4.0; cải cách liên quan các thể chế "thị trường", từ đó tạo ra một môi trường cho các DN, bao gồm cả DNTN có thể phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng. Những ưu tiên hành động không chỉ xác định rõ ràng mà còn phải tính đến thực tế triển khai với các bên tham gia.

Thoát bẫy thu nhập trung bình

Giáo sư S.Chung, Ðại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) đã chia sẻ bài học thành công của Hàn Quốc tại VRDF 2019. Theo Giáo sư, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Hàn Quốc rất quan tâm phát triển công nghệ thông tin (CNTT) vì đây là ngành tận dụng được tri thức và không tốn nhiều lao động, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên khu vực tư nhân, nhắm vào mục tiêu ưu tiên những công nghệ có tiềm năng thương mại lớn hơn, những dự án lớn có thể hợp tác liên bộ để đưa Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc về CNTT trên toàn cầu. Nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa nền kinh tế CNTT và tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua hoạt động R&D và học hỏi. Ðây cũng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Cho rằng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục dựa vào dòng vốn đầu tư nước ngoài, bà M.Pan-ghét-xtu, cựu Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo In-đô-nê-xi-a khuyến nghị, cần có sự chuẩn bị về mặt nhân lực để có thể hấp thụ được công nghệ tiến bộ từ khu vực DN FDI. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển một số lĩnh vực, gồm công nghiệp chế tạo (chú trọng hỗ trợ DN nhỏ và vừa), dịch vụ, số hóa,... Ðể có thể đạt được bước nhảy vọt trong sản xuất, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ để giúp phát triển các DN nhỏ và vừa. Theo ông M.Pi-các-đi, thành viên Trung tâm Công nghệ dữ liệu lớn toàn cầu của Ðại học Công nghệ Xít-ni (Ô-xtrây-li-a), AI đang rất phát triển tại Việt Nam và được ứng dụng trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ,… nhưng cần xây dựng được chính sách để DN có động lực đầu tư vào Al. Vì hiện nay, số lượng kỹ sư có trình độ cao còn ít, cơ sở hạ tầng dữ liệu và chất lượng dữ liệu còn hạn chế… Ông G.Pin-cút, Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng UNDP Việt Nam chỉ ra ba vấn đề trong quá trình cải cách đã khiến việc thực thi chính sách tại Việt Nam trở nên khó khăn. Ðó là phân mảng về quyền lực; thương mại hóa nhà nước, các cơ quan nhà nước có lợi ích vật chất trong việc quản lý, mua bán tài sản nhà nước; Chính phủ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng. Khuyến nghị dành cho Việt Nam là cần hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự. Thực hiện kỷ luật thị trường, đặc biệt là minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; giám sát chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Cuối cùng là thực thi trách nhiệm giải trình với người dân, áp dụng Chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định của Nhà nước.

Bài học kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a về thoát bẫy thu nhập trung bình do ông K.Y-ô-ghe-xva-ran, nguyên Thứ trưởng Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa được nêu tại VRDF 2019 là tăng trưởng dựa vào đầu vào sẽ không bền vững trong dài hạn nên cần thúc đẩy tăng trưởng dựa vào năng suất và ÐMST. Cải thiện năng suất phải được thực hiện ở ba cấp độ can thiệp: cấp quốc gia, cấp ngành và DN. Ðặc biệt, ÐMST cần được định hướng để tạo giá trị và lợi ích kinh tế. Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo. So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có môi trường đầu tư tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là DN vừa và nhỏ; giá trị xuất khẩu chủ yếu từ DN nước ngoài; tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực tài chính và khu vực tư nhân trong nước còn thấp. Khi những nghịch lý này được xóa bỏ, cùng với đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế, chính sách,Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Xu hướng phi toàn cầu hóa mà Mỹ và Anh đang đi, nếu tiếp diễn trong tương lai có thể tạo ra những “ổ gà” trên con đường hướng tới thịnh vượng của Việt Nam. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hơn một nửa giá trị được tạo ra ở lĩnh vực dịch vụ, vì thế Việt Nam cần mở cửa rộng hơn cho các ngành dịch vụ, từ các ngành truyền thông, ngân hàng, giao thông vận tải,…

Đ. Đô-la
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ); cựu Giám đốc quốc gia WB tại Trung Quốc