Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

NDĐT - Ngày 13-6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành T.Ư, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm việc với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Viện lúa ĐBSCL.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Viện lúa ĐBSCL.

Trong gần 40 năm qua, Viện lúa ĐBSCL nghiên cứu và đưa vào sản xuất được 165 giống lúa. Nhiều giống lúa do viện lai tạo có đặc tính nổi trội và đưa vào sản xuất đại trà. Trong 10 giống lúa trồng phổ biến ở ĐBSCL, đã có tám giống do viện lai tạo, chiếm gần 80% diện tích vùng. Các giống lúa OM đóng vai trò quan trọng, với diện tích gieo trồng lớn, có giống gieo trồng gần một triệu ha, dần thay thế các giống lúa kém chất lượng.

Viện lúa ĐBSCL cũng xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật canh tác được công nhận ở cấp quốc gia và được ứng dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tham gia đào tạo nhân lực trình độ từ sơ cấp đến tiến sĩ cho nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học ở vùng ĐBSCL…

Tuy nhiên, Viện lúa ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do việc cấp kinh phí, thời gian thực hiện các đề tài ngắn hạn không phù hợp với việc lai tạo giống lúa vì không bảo đảm tính liên tục; còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thu nhập của cán bộ khoa học còn thấp, nguy cơ chảy máu chất xám cao…

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những đóng góp của Viện lúa ĐBSCL trong quá trình phát triển của vùng thời gian qua. Thủ tướng lưu ý, vùng ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng do đó phải có giống lúa chịu mặn cao, kháng sâu bệnh nhằm thích ứng với tình trạng hạn, mặn, đồng thời, nâng cao chất lượng hạt lúa cho tiêu dùng và xuất khẩu để có thể cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế.

Do đó, Viện lúa ĐBSCL chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chọn tạo các giống lúa phù hợp để chuyển giao cho nông dân; nghiên cứu đất đai, khí hậu, chuyển một số diện tích đang trồng lúa thay thế bằng cây trồng khác nhưng đến khi cần có thể quay lại trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực; chuyển giao giống lúa gắn với chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác; đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ trước một bước để thu hút người tài.

Ngành nông nghiệp tập trung cải cách ngành lúa gạo theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao nhằm cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập nông dân; tiếp tục xây dựng Viện lúa ĐBSCL lớn mạnh, toàn diện, tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ, giỏi về làm việc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu các giống lúa do Viện lúa ĐBSCL lai tạo.