Góc nhìn

Thu hút FDI qua xu hướng dịch chuyển đơn hàng

Những tín hiệu tích cực trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bắt đầu xuất hiện trong tháng 6-2020, thể hiện qua sự gia tăng trở lại của lượng vốn thu hút mới và sự cải thiện dần mức độ sụt giảm vốn giải ngân.

Trong sáu tháng đầu năm nay, cả nước thu hút được một số dự án lớn, đẩy quy mô bình quân một dự án tăng từ mức 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD nửa đầu năm 2020.

Tuy nhiên, chưa có bằng chứng rõ ràng về sự dịch chuyển vốn FDI toàn cầu từ Trung Quốc đến các địa điểm đầu tư mới, trong đó có Việt Nam. Ðiều này cũng dễ lý giải, vì chuyển dịch một nhà máy từ nơi này sang nơi khác, sau khi đã xem xét hội tụ đầy đủ các cơ hội mới để ra quyết định dịch chuyển cũng mất từ 2 đến 3 năm. Hơn nữa, trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu gần như tê liệt vì dịch Covid-19 thì các hoạt động xúc tiến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia cũng bị gián đoạn, các quyết định đầu tư rất khó được hiện thực hóa vào thời điểm này. Ðó là chưa kể, bản thân các nước sở tại cũng có chính sách níu kéo các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu và gia tăng ưu đãi thuế, đất đai, giảm các chi phí, thủ tục để thu hút nhà đầu tư mới, khiến Việt Nam phải vất vả cạnh tranh. Nếu Việt Nam có thu hút được "một số trứng" trong chiến lược phân tán rủi ro "không bỏ trứng vào một giỏ" đang tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc, thì cũng phải dựa trên một chiến lược thu hút đầu tư chủ động và phù hợp. Hiện có ba xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, được xác định gồm: dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển vốn của công ty mẹ và dịch chuyển đơn hàng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc dịch chuyển nhà máy là rất khó, vì các công ty trên toàn cầu đang phải co cụm vì dịch bệnh. Chính vì vậy, cơ hội trước mắt mà Việt Nam có thể đón bắt chính là dịch chuyển đơn hàng của các tập đoàn sang sản xuất ở Việt Nam. Xu hướng này có thể diễn ra sớm và nhanh, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để chuẩn bị các điều kiện đón nhận đồng thời từng bước làm chủ về công nghệ, nếu không, Việt Nam cũng chỉ là nơi né thuế.

Cơ hội luôn đi kèm thách thức, trong dài hạn, Việt Nam cần xúc tiến đầu tư có định hướng, có địa chỉ đến những nhà đầu tư cần mời gọi. Việc có thu hút được dòng vốn FDI ở mức kỳ vọng về cả lượng và chất hay không, phụ thuộc phần lớn vào các giải pháp chuẩn bị của Việt Nam. Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao năng lực của các bộ phận như các sở, ban, ngành của địa phương, năng lực của các Ban quản lý để tham mưu biết cách lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư phù hợp định hướng mới tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Rà soát các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển; tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn công nghệ cao, có nền tảng thân thiện với môi trường.