Thu hút đầu tư phải bảo đảm chống thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước

NDO -

NDĐT- Thảo luận trực tuyến về dự án Luật đầu tư theo đối tác công tư (PPP), đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, còn một số nội dung nhận được sự tranh luận sôi nổi, thẳng thắn của các đại biểu, như: về vai trò kiểm toán dự án PPP, về việc có nên quy định hợp đồng xây dựng chuyển giao BT là một hình thức PPP như trong dự án Luật.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội ngày 28-5. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội ngày 28-5. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 28-5, thực hiện chương trình kỳ họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Kiến nghị không kiểm toán toàn bộ dự án PPP để thu hút đầu tư

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cần phải kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, song nhiều đại biểu lại đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng chỉ nên kiểm toán những nội dung liên quan tài sản, vốn nhà nước.

Cho ý kiến đối với dự án Luật, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và một số đại biểu cho rằng dự án PPP bản chất là dự án đầu tư công vì có vốn Nhà nước, do Nhà nước chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư tham gia, do các cấp có thẩm quyền quyết định. Do đó, bản chất của hợp tác công - tư ở dự án PPP là đầu tư công, cho nên phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán nhà nước theo đúng quy định của Luật Kiểm toán và cần kiểm toán toàn bộ đối với dự án PPP.

Về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) tranh luận cho rằng dự án PPP là theo hình thức đối tác công - tư chứ không phải đầu tư công, trong đó nhà nước và tư nhân đều có vốn góp. Chỉ khi hết quá trình vận hành, dự án bàn giao cho nhà nước toàn bộ mới là tài sản công 100%. Do đó, kiểm toán toàn bộ đối với dự án PPP là không hợp lý và việc kiểm toán nhà nước chỉ nên thực hiện ở các tài sản công, còn phần vốn đầu tư tư nhân thì kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.

Về việc này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình cho biết, dự án PPP không hẳn là dự án đầu tư công vì nếu là dự án đầu tư công hoàn toàn thì đã được điều chỉnh theo Luật Đầu tư công. Vì tính chất đặc thù, cho nên phải xây dựng một bộ luật riêng cho hình thức đầu tư PPP. Chính vì vậy, việc thực hiện dự án loại này được thực hiện qua hợp đồng, giữa một bên là nhà nước, cơ quan đại diện có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp.

Thu hút đầu tư phải bảo đảm chống thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước ảnh 1

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội, sáng ngày 28-5. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng cũng cho rằng, đối với dự án PPP thì cần phải có kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện kiểm toán thì cần xác định kiểm toán gì, kiểm toán nội dung nào và vào thời điểm nào. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật thống nhất kiến nghị chỉ thực hiện kiểm toán nhà nước đối với phần vốn từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ thực hiện kiểm toán các nội dung như trong dự thảo luật, đó là tập trung vào tuân thủ các quy định về lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, giá trị khi chuyển giao cho Nhà nước. Đồng thời, phía tư nhân (nhà đầu tư) có quyền thuê kiểm toán độc lập kiểm toán phần còn lại, phần hoạt động của doanh nghiệp, để bảo đảm bình đẳng giữa hai bên.

Đối với ý kiến đại biểu về bảo đảm lợi ích của Nhà nước trong dự án PPP, Bộ trưởng khẳng định, dự án Luật đã được thiết kế để bảo đảm chống thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Có nên tiếp tục quy định hợp đồng xây dựng chuyển giao BT thuộc hình thức PPP?

Về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), một số ý kiến thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT nhưng cần quy định chặt chẽ và minh bạch, bảo đảm xử lý được các vấn đề tiêu cực xảy ra thời gian vừa qua; sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và khả thi của hệ thống pháp luật. Có ý kiến cho rằng các phương thức thanh toán cho hợp đồng BT rộng hơn quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công chưa bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Ý kiến khác đề nghị dừng việc triển khai mới các dự án áp dụng loại hợp đồng BT, không quy định trong Luật này về loại hợp đồng BT vì không hoàn toàn đúng bản chất của dự án PPP.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết, thực tiễn thời gian qua BT là phương thức thực hiện chủ yếu với khoảng 56% số dự án trong các phương thức PPP, hiện vẫn còn nhiều dự án đang triển khai. Do vậy, đại biểu tán thành với phương án là vẫn giữ phương thức đầu tư này với những sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ, thủ tục công khai, minh bạch, cạnh tranh như các quy định trong dự thảo luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan nhằm minh bạch hơn nữa, bảo đảm xử lý được các tiêu cực đối với việc triển khai các dự án áp dụng loại hợp đồng BT như là Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản.

Thu hút đầu tư phải bảo đảm chống thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước ảnh 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tham gia thảo luận trực tuyến. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì lại cho rằng không nên đưa dự án BT vào trong luật PPP. Bởi vì, bản chất của hợp đồng BT là việc Nhà nước đặt hàng hoặc Nhà nước thuê một nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Nhà nước và Nhà nước sẽ thanh toán có thể bằng tiền hoặc bằng công trình. Nếu như Nhà nước thuê nhà đầu tư để xây dựng công trình thì điều chỉnh bằng Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình. Việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng các giá trị tài sản hoặc đất đai thì đã có điều chỉnh ở luật về quản lý tài sản công về cách thức thanh toán.

Theo đại biểu, nếu vẫn cứ đưa vào quy định BT là một dạng dự án PPP thì dẫn đến tình trạng không kiểm soát được quá trình nhà đầu tư đầu tư thực hiện thiết kế, xây dựng công trình. Nói cách khác, sẽ có khả năng nhà đầu tư hoàn toàn tự quy định thiết kế ra làm sao, đầu tư như thế nào, xây dựng thế nào, và sau đó, Nhà nước phải mua lại theo giá mà nhà đầu tư đã khai báo. Điều đó dẫn đến tình trạng công trình có thể sẽ bị đội giá lên hơn so với giá trị thực. Ngược lại, nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng những ưu đãi của chính sách ưu đãi đối với PPP và như vậy quá trình giao đất, thanh toán đất cũng có thể nhà đầu tư lại được hưởng giá thấp.

“Như thế nó lặp lại tiêu cực như chúng ta gặp trong thời gian vừa qua là chúng ta mua công trình giá đắt và đổi lại đất đai và tài sản với giá rẻ. Do vậy, tôi đề nghị không nên đưa BT vào đây” - đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.