Thấp thỏm mùa lũ kiệt

Chưa năm nào người dân An Giang nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung, mong ngóng lũ về như năm nay. Mùa lũ cạn kiệt đang kéo theo bao hệ lụy, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của hàng triệu nông dân.

Những vó cá bị treo lưới do nước cạn kiệt trên đồng ở An Giang.
Những vó cá bị treo lưới do nước cạn kiệt trên đồng ở An Giang.

Hằng năm, cứ đầu tháng 7, nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về sông Cửu Long mang theo phù sa, tôm cá tràn vào ruộng đồng. Người dân vùng lũ An Giang có câu: “Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” để nhắc nhau sớm thu hoạch nông sản, hoa màu nếu không nước lũ tràn ngập đồng gây thiệt hại. Nhưng năm nay, đã gần giữa tháng 8 mà nước lũ hiện tại thấp so với các năm trước hơn 1 m, người dân miền tây đối mặt với mùa lũ cạn phù sa, cạn tôm cá. Nước rất thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng. Cánh đồng thuộc các huyện An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành nằm ven kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền… cũng khô cạn phù sa.

Vào tháng 6 những năm trước, thu hoạch lúa xong, nông dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên không làm lúa vụ ba mà xả cho lũ ngập đồng. Năm nay, cánh đồng xã Nhơn Hưng vẫn khô cạn, cỏ dại mọc đầy. Ông Phan Văn Dũng, 55 tuổi, kể: Hơn 30 năm làm lúa là bấy nhiêu năm đón lũ nhưng chưa bao giờ thấy con nước “cực đoan” như vậy. Năm 2015, lũ thấp nhưng mực nước vẫn vào đồng. Ông Dũng lo ngại, đồng ruộng vùng này vẫn còn tiềm ẩn phèn, khi gặp cơ hội, phèn lại nhiều cho nên năm nào vào lũ, nhà nông cũng mở đồng đón, vừa tháo chua rửa phèn, vừa cho đất nghỉ ngơi. Nước từ đó xua đuổi chuột bọ, sâu rầy; vụ sau làm lúa cũng giảm bớt dịch hại do côn trùng, chuột bọ. Ngoài ra, phù sa tràn vào đè chết cỏ dại, nhà nông không tốn tiền mua thuốc trừ cỏ hay tiền mua phân bón cho đất. Vậy mà bây giờ, nước ở đồng cỏ xâm xấp hơn 8 cm nhưng chỉ là nước mưa ứ đọng, chỉ khiến cỏ dại mọc tràn lan.

Theo kế hoạch năm nay, tỉnh An Giang cho xả lũ hơn 20 nghìn ha để giảm áp lực năng suất lúa nếp và làm đất thêm phì nhiêu. Nhưng với tình hình nước lũ thấp như thế, nhà nông lo ngại lượng phù sa vào đồng giảm hẳn. Nông dân Nguyễn Văn Đàng (59 tuổi) ngụ ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân nói, phù sa giúp nhà nông bớt tốn kém từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/công cho tiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc diệt côn trùng.

Những mùa lũ trước, ven đập Tha La và đập Trà Sư ở huyện Tịnh Biên lúc nào nước cũng chảy ào ạt. Năm 2018, ngành chức năng phải cho xả lũ sớm hơn thường lệ nhằm giảm áp lực nước tránh vỡ đập. Nhưng năm nay, nước lũ tại hai đầu bờ đập này khô queo. Ông Dương Minh Thiện, 50 tuổi, ngụ xã Phước Hưng than thở, có 10 công đất trồng lúa, vụ vừa qua giá thấp quá cho nên lỗ , mong mỏi lũ về có nhiều tôm, cá gỡ gạc lại vụ lúa, nhưng nào ngờ, đã thất bát mùa lúa, nay lại bê bết mùa cá. Năm nào vào lũ cũng để đồng lúa nghỉ ngơi, thời gian rảnh ông đánh bắt cá linh, cá sông, cá đồng, một ngày “trúng mánh” dính vài chục kg cá đem ra chợ bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Mùa lũ thường kéo dài ba tháng cho nhiều loại cá tự nhiên, rau dại như bông súng, rau nhút, điên điển cũng mọc nhiều, người dân vùng lũ bớt tốn tiền đi chợ. Khi lũ rút, nhà nào cũng dư giả vài chục triệu đồng từ nguồn lợi cá tự nhiên. Nhưng năm nay lũ thấp, tôm cá từ thượng nguồn không về.

Ngư dân lo nhất là mất trắng mùa cá linh, loài cá chỉ xuất hiện trong nước lũ với số lượng rất lớn, giúp hàng nghìn ngư dân có cái ăn cái mặc. Thông thường, cá linh tháng 7 đã có và tháng 8 cá lớn bằng đầu đũa bán từ 70 nghìn đến 300 nghìn đồng/kg, nhưng từ tháng 7 năm nay đến giờ, ngư dân thả lưới trên sông, rạch chỉ bắt được cá chốt, cá lăng, cá sát, cá hú… Không có con cá linh non nào dính lưới, đây là điều chưa từng xảy ra trong nghề cá. Cùng với cá linh, các loài cá khác có giá trị kinh tế cao như cá heo, cá rô biển, cá ngựa, cá khoai… cũng biến mất. Ông Nguyễn Văn Lợt, 49 tuổi, ngụ ở xã Nhơn Hưng, chuyên sống bằng nghề cá lo lắng bởi một ngày thả lưới có khi về tay không. 30 năm đánh cá nhưng đây là lần đầu ông cảm nhận một mùa lũ cạn kiệt cá: “Mấy ngày nay, các vựa cá gọi điện hỏi tôi mua cá nhưng cá mắm ít quá cho nên đâu có mà bán”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ứng phó tình trạng khô hạn, cạn lũ, thiếu nước tưới tiêu, tỉnh sẽ tập trung nạo vét các hồ trữ, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng có lợi… Đồng thời, tỉnh cũng cảnh báo người dân không nên chủ quan với lũ thấp hay không có lũ. Tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương lên kịch bản ứng phó lũ lớn, đề phòng tình huống từ thượng nguồn nước đổ về do mưa bão bất thường, do xả đập...