Thái Nguyên nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu 100% các loại khoáng sản trên địa bàn được tích hợp trong quy hoạch của tỉnh; tất cả các mỏ khoáng sản phải hoàn thành việc thẩm định thiết kế khai thác trước khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, toàn bộ những mỏ thuộc diện phải đấu giá được tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định. Phát hiện, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép...

Dây chuyền tuyển rửa quặng của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tại mỏ sắt Tương Lai (huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: THẾ HÀ
Dây chuyền tuyển rửa quặng của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tại mỏ sắt Tương Lai (huyện Ðồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: THẾ HÀ

Ðể hoàn thành mục tiêu nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tỉnh Thái Nguyên tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về khoáng sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khoáng sản; công khai quy trình hướng dẫn tổng thể thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản trên phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tỉnh thực hiện hiệu quả các quy hoạch về tài nguyên khoáng sản, triển khai việc thẩm định hồ sơ cấp phép về khoáng sản bảo đảm chặt chẽ, đúng trình tự, đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thành lập hội đồng thẩm định; chú trọng xem xét tính phù hợp, minh bạch trong đầu tư, công nghệ sản xuất, công nghệ khai thác, năng lực tài chính của chủ dự án, biện pháp bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính (ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, nộp phí bảo vệ môi trường theo sản lượng khai thác), đồng thời khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản.

* Năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Vĩnh Long đã tập trung tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác Hồ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cao trách nhiệm trong công tác, luôn bám sát cơ sở, gần gũi và lắng nghe ý kiến của người dân, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban MTTQ các cấp đã kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ phát động. Kết quả, trong năm qua Quỹ Vì người nghèo vận động đóng góp được hơn 42,8 tỷ đồng; đã xây mới và sửa chữa 1.181 căn nhà Ðại đoàn kết trị giá hơn 44 tỷ đồng; thực hiện nhiều công trình, phần việc an sinh xã hội với tổng trị giá khoảng 600 tỷ đồng. Những hoạt động này đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng khó khăn ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác Hồ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Phát huy tính hiệu quả, thiết thực của việc học tập Bác thông qua những hành động, việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở. Ðồng thời, phát hiện và biểu dương những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng các mô hình cả về bề rộng lẫn chiều sâu.