“Thách thức tạo sức bật” - doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm vượt Covid-19

NDO -

Trong khuôn khổ Lễ Công bố và Vinh danh 100 sản phẩm, dịch vụ Tin Dùng năm 2020 được người tiêu dùng bình chọn trong năm 2020 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức, đã diễn ra tọa đàm truyền thông với chủ đề “Thế giới mới và Xu hướng tiêu dùng mới”. Các doanh nghiệp, tập đoàn đã cùng chia sẻ kinh nghiệm vượt qua giai đoạn khó khăn của hai làn sóng Covid-19 ở Việt Nam và nhận định những thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng thời gian tới.

Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm.
Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm.

Tọa đàm có sự tham gia của các khách mời gồm ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Napas; ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank; ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Giám đốc mảng gạo Tập đoàn Tân Long; bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam; ông Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh; ông Hoàng Chương, Giám đốc điều hành miền bắc Masan MeatLife…

Năm 2020, cả thế giới trong đó có Việt Nam đã và đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19. Mặc dù chúng ta đã chủ động kiểm soát được sự lây lan, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương trong năm 2020, tuy nhiên độ mở của nền kinh tế lớn, phụ thuộc đáng kể vào chuỗi thương mại toàn cầu, trong khi sức chống chịu của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế do hơn 90% doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cho nên đã có những doanh nghiệp khó hoặc không thể trụ được qua “cơn bão” Covid-19.

Tuy nhiên, cũng đã có những doanh nghiệp vượt qua được sóng gió, tìm những biện pháp thích nghi với hoàn cảnh để duy trì và phát triển. Một trong những biện pháp mà các doanh nghiệp lựa chọn để vượt qua được những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh là thương mại điện tử. 

Theo những số liệu khảo sát của Công ty Nielsen Vietnam, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu, mua sắm tại nhà và mua sắm online là xu hướng đã tăng mạnh trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng hóa tiêu thụ nhanh, đặc biệt là qua các kênh bán hàng hiện đại tương đối cao. Tháng 9-2020 Việt Nam đã có hơn 8.000 điểm tiêu thụ hàng hóa tiêu thụ nhanh. Các kênh thương mại điện tử cũng đã đẩy mạnh số lượng gian hàng online trong thời gian vừa qua. Bà Thúy Hà, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng của Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới, trong khi quý 2, Việt Nam đứng thứ 117.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty thanh toán quốc gia Việt Nam Napas cho biết, dịch bệnh Covid-19 cũng làm thay đổi thói quen thanh toán trước đây của nhiều khách hàng. Nếu như trước đây có những khách hàng chưa dùng hoặc không dùng biện pháp thanh toán online, thì bây giờ họ đã thử nghiệm và tham gia dùng.  Số lượng thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng lên rất nhanh trong năm nay. Ông Nguyễn Quang Minh lạc quan cho rằng, kể cả sau này, khi đã có vắc-xin cho Covid-19, số lượng khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ ngân hàng online cũng sẽ tăng lên. 

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank chia sẻ, quãng thời gian dịch Covid-19 xảy ra cũng là lúc thói quen sử dụng các dịch vụ ngân hàng của khách hàng thay đổi. “Chúng tôi ghi nhận số lượng cả doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ qua ứng dụng mobile banking tăng mạnh. Họ cảm thấy đây là phương thức mới vừa an toàn, vừa tiện lợi” – ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ. 

Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Giám đốc mảng gạo Tập đoàn Tân Long chia sẻ, gạo là một trong những ngành hàng thiết yếu, nhưng không phải là không gặp khó khăn: “Ngành thực phẩm thiết yếu có triển vọng tốt, nhưng không dễ làm. Bởi vì không thể chỉ làm phần ngọn là thu mua đóng gói, mà phải đầu tư cho chuỗi sản xuất từ bao tiêu vùng nguyên liệu, hạ tầng xử lý sau thu hoạch quy mô lớn, kiểm soát hao hụt - chất lượng chặt chẽ, và xây dựng kênh bán hàng phù hợp, xây dựng thương hiệu marketing hiệu quả, và cuối cùng là tâm huyết.

Ông Nguyễn Chánh Trung cho biết, Tân Long đã đầu tư vào ngành lương thực từ 2010 nhưng chỉ thực sự chú trọng đầu tư sản xuất lúa gạo từ 2016, vì ngành lương thực thiết yếu thật sự cần sự đầu tư phát triển nghiêm túc để phát triển bền vững.Trong lúc dịch bùng phát, hầu hết các giao dịch trực tiếp đều bị gián đoạn, hầu hết các kế hoạch gặp gỡ đối tác để phát triển đều bị dừng lại. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống quản trị dịch vụ khách hàng và thanh toán. Khi đó những giao dịch thông qua các ứng dụng đã đi vào vận hành khá trơn tru, từ đó tạo cảm hứng cho chúng tôi định hướng đến một hệ sinh thái bán lẻ và tập trung khai thác ứng dụng.

Ông Nguyễn Chánh Trung cho biết: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ FINTECH để quản trị chính sách bán hàng và phục vụ kênh phân phối từ việc đặt hàng online, thanh toán bằng tài khoản ngân hàng và ví điện tử, quản lý chiết khấu, luân chuyển kịp thời tồn kho tại các đại lý từ đó tăng lợi nhuận cho đại lý, tài trợ tín dụng đại lý (chương trình đánh giá tín dụng và tài trợ vốn cho đại lý mua hàng). Đến nay, cơ bản nền tảng công nghệ chúng tôi đã đầu tư sau gần hai năm phát triển bán lẻ cũng xem là một thành quả tốt từ ứng dụng công nghệ”. 

Dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng bán hàng online. Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam cho biết, số lượng các doanh nghiệp mở gian hàng mới ở Lazada trong giai đoạn Covid-19 thứ nhất trong vòng hai tháng lên đến 45 nghìn doanh nghiệp, và tổng cộng trong vòng năm tháng, Lazada đã mở gian hàng thành công cho 100 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Thách thức và khó khăn lớn nhất trong nhiều năm qua, nhưng năm nay cũng tạo ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp có sức bật vượt qua khó khăn. Điều quan trọng là nắm bắt cơ hội, tìm hiểu đúng xu hướng của người tiêu dùng, từ đó có những sách lược đối phó và bật lên. Đó chính là những bí quyết mà những doanh nghiệp thành công đã làm được qua hai đợt dịch vừa qua.