Tạo thế và lực mới phát triển khu công nghiệp (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả các khu công nghiệp

Có thể khẳng định, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) thời gian qua của Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn lớn cũng như công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, đóng gp không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng, kim ngạch xuất - nhập khẩu, giải quyết việc làm,... Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tạo ra thế và lực mới cho các KCN, cần đặc biệt chú trọng những điều kiện nền tảng tạo động lực gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, đặt trong chiến lược dài hạn, bền vững của đất nước.

Nhiều địa phương đang có xu hướng chuyển đổi KCN truyền thống sang các KCN công nghiệp hỗ trợ, cung ứng linh kiện cho DN FDI. Trong ảnh: Công nhân Công ty 4P (Hưng Yên) chế tạo, lắp ráp bản mạch điện
Nhiều địa phương đang có xu hướng chuyển đổi KCN truyền thống sang các KCN công nghiệp hỗ trợ, cung ứng linh kiện cho DN FDI. Trong ảnh: Công nhân Công ty 4P (Hưng Yên) chế tạo, lắp ráp bản mạch điện

Đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội

7 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở cổng KCN đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng đóng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, nằm ven tỉnh lộ 359. Gần 10 năm trước, khi chưa hình thành KCN này, tuyến đường còn khá thưa thớt xe cộ, nhưng hiện nay, ngày nào cũng như ngày nào, vào mỗi buổi sáng, hàng nghìn xe máy cùng hàng trăm ô-tô chở công nhân từ các tỉnh lân cận như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định dồn về. Đoạn đường từ xã Tân Dương kéo dài đến thị trấn Núi Đèo thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, còn khu vực ngã ba rẽ vào KCN là cảnh giao thông hỗn loạn, người đi đường nghẹt thở vì khói bụi và tiếng còi xe inh ỏi. Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Phạm Văn Mợi nhận xét: Số lượng lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn dao động khoảng 140 nghìn người, trong đó số người ngoại tỉnh chiếm 30%, đã nảy sinh những bất cập lớn về hạ tầng xã hội. Các vấn đề từ giao thông đi lại, nhà trọ, trường học, mẫu giáo,… đang là bài toán đặt ra hết sức cấp bách đối với chính quyền địa phương.

Ở tỉnh Đồng Nai, vòng xoay cổng 11 (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) một điểm đen về an toàn giao thông. Đây là điểm giao cắt của ba tuyến đường lớn gồm quốc lộ 51, đường Võ Nguyên Giáp và đường Bùi Văn Hòa, chu vi vòng xoay tại nút giao thiết kế quá lớn, các phương tiện phải chạy vòng, trong khi mật độ phương tiện trên đường Võ Nguyên Giáp rất cao, chỉ xao nhãng một chút là xảy ra tai nạn. Đường Bùi Văn Hòa là trục quan trọng của TP Biên Hòa dẫn vào cửa ngõ hai KCN Biên Hòa 2 và Long Bình. Mỗi ngày, vào giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện giao thông, trong đó có nhiều xe công-ten-nơ, xe tải nặng dồn ứ chật như nêm. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng còn thường xuyên xảy ra ở đường Bùi Hữu Nghĩa, hàng nghìn phương tiện của công nhân làm việc tại các KCN Amata, Long Bình, Biên Hòa 1, Biên Hòa 2,… mỗi buổi sáng phải xếp hàng dài chờ đợi từ phường Trảng Dài ra đường Đồng Khởi.

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cũng thẳng thắn thừa nhận: Hạ tầng xã hội của tỉnh chưa đồng tốc với phát triển công nghiệp. Một số địa bàn chung quanh các KCN đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh. Số học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học đều vượt chuẩn, thậm chí có nơi phải bố trí học ca 3. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân như chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí,… chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư bài bản gắn với địa bàn và nhu cầu thực tế của người dân.

Những hạn chế, bất cập về hạ tầng xã hội diễn ra bức xúc ở hầu hết các địa phương, cho thấy có tình trạng KCN “đẻ non”, chưa được chuẩn bị chu đáo, gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động và không đồng bộ với đầu tư các dự án thuộc ngành nghề khác liên quan, làm giảm hiệu quả phát triển. Do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, rất ít DN để mắt đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Để giải quyết tình trạng này, các địa phương cần định hướng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước, tạo động lực thu hút đầu tư, đồng bộ môi trường đầu tư cả về cơ chế chính sách và hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN; hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ phụ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư (ngân hàng, logistics,…) và các tiện ích xã hội (nhà trẻ, trường học, bệnh viện,...). Cần tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng KCN, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân” để phát triển KCN.

Tái cấu trúc các KCN

Trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh của Việt Nam, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch KCN mới, xây dựng mô hình phù hợp mục tiêu thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính bền vững. Các địa phương sớm triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập, với quan điểm định hướng đặt lợi ích quốc gia mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên trên hết. Chỉ đầu tư KCN ở những địa bàn có đủ điều kiện, lợi thế thấy rõ; hạn chế đến mức thấp nhất việc thành lập mới các KCN để tập trung thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho DN; hướng tới xây dựng thành các KCN chuyên ngành, giảm bớt KCN tổng hợp.

Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh) Trần Việt Hà cho biết, trong giai đoạn đầu, tại TP Hồ Chí Minh, các quy định về môi trường, công nghệ còn lỏng lẻo, thiếu chọn lọc dự án đầu tư, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp. Theo khảo sát, các dự án trong KCN chủ yếu là gia công như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thâm dụng lao động; các dự án FDI quy mô vốn dưới 5 triệu USD chiếm tới 73%. Thời gian qua, một số KCN gần nội thành TP Hồ Chí Minh đã tự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, các DN hoạt động kém hiệu quả, thâm dụng lao động, gây ô nhiễm,… chuyển nhượng lại nhà xưởng cho các DN, dự án khác có hiệu quả hơn. Tại KCN Tân Tạo, Lê Minh Xuân, 18 DN kém hiệu quả đã thanh lý nhà xưởng cho các DN khác thành lập dự án mới có cơ cấu ngành nghề theo hướng khuyến khích của thành phố. Đây là những trường hợp rất cần được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để có chính sách thúc đẩy chuyển đổi nhanh chóng hơn, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai trong các KCN.

Việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai từ năm 2014 thí điểm khá thành công cũng là xu hướng được nhiều địa phương quan tâm. Đã có 72 DN tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (Ninh Bình); Hòa Khánh (Đà Nẵng); Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ) tham gia. Kết thúc giai đoạn 1, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch đã tiết kiệm mỗi năm hơn 22 nghìn MW giờ điện, hơn 600 nghìn mét khối nước sạch,… trị giá hơn 6,5 triệu USD. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá, ý nghĩa của dự án không chỉ nằm ở những con số thống kê, mà là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, nhằm đạt được “mục tiêu kép”: tốc độ tăng trưởng cao và bền vững song song với bảo vệ môi trường. Với sự phát triển hiện nay, khoảng cách trung bình từ các KCN đến trung tâm đô thị ngày càng thu hẹp, nhiều KCN nằm trong trung tâm hoặc chỉ cách 5 đến 10 km. Tuy có lợi trước mắt về giao thông và nguồn nhân lực, nhưng tương lai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, áp lực đô thị hóa. KCN Cao - Xà - Lá (Cao-su, Xà-phòng, Thuốc lá) ở Hà Nội, KCN Biên Hòa 1 (Đồng Nai) đòi hỏi phải di dời nhà máy hoặc chuyển đổi công năng là tín hiệu khoảng 20 năm nữa, phải đóng cửa, chấm dứt hoạt động của các KCN. Đây là vấn đề không dễ giải quyết đối với các tỉnh, thành phố về sau.

Về quy hoạch, cần rà soát, ưu tiên phát triển KCN, KKT ở các địa phương trung tâm kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện, còn ngược lại nên giảm, không nên quy hoạch tràn lan theo hướng tỉnh nào cũng có KCN, không những không thu hút được đầu tư, lãng phí đất đai, nhân lực, mà còn triệt tiêu lẫn nhau. Một số chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm cần nghiên cứu, xây dựng các thành phố công nghiệp mới ở những vùng đất không có khả năng phát triển nông nghiệp như khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi và miền trung theo mô hình thành phố công nghiệp Hyundai, Hàn Quốc.

Hiện, cơ chế, chính sách liên quan KCN tuy đã nhiều lần điều chỉnh hoàn thiện hơn, song chưa thật sự đầy đủ và phù hợp. Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên đánh giá: Quy định về quản lý, đầu tư phát triển các KCN, KKT thực hiện theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thay thế tất cả các nghị định liên quan trước đó. Việc quản lý nhà nước về KCN của địa phương đang gặp nhiều lúng túng do phải chờ các thông tư hướng dẫn vì có quá nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau. Mặt khác, các quy định tại nghị định cũng dễ dàng bị các luật, nghị định chuyên ngành khác thay thế, nên tính pháp lý không cao, thiếu ổn định và nhất quán, khiến môi trường đầu tư trong KCN, KKT biến động, ảnh hưởng tâm lý và hoạt động của DN nước ngoài.

Trong quá trình chúng tôi đi khảo sát, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một luật riêng áp dụng cho KCN, KKT nhằm giảm bớt sự “chắp vá chính sách”, tạo hành lang pháp lý thống nhất và hoàn chỉnh; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền từ T.Ư tới địa phương, gắn chặt với cơ chế phân công trách nhiệm và phối hợp rõ ràng, minh bạch. Theo quy định, Ban Quản lý KCN, KKT là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về KCN, KKT tại địa phương nhưng thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành như quản lý xây dựng, môi trường, lao động, xuất, nhập khẩu, đất đai,… trong KCN, KKT của Ban Quản lý phải được ủy quyền, hướng dẫn tại pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành không hướng dẫn ủy quyền cho Ban Quản lý hoặc ủy quyền lại không thống nhất với quy định về KCN, KKT. Vì thế, việc thực hiện quản lý nhà nước về KCN, KKT không tập trung tại một đầu mối là các Ban Quản lý. Mặt khác, Ban Quản lý không được giao chức năng, nhiệm vụ về thanh tra. Khi phát hiện vi phạm trong KCN, KKT, Ban Quản lý không tự thanh tra, xử phạt mà chỉ phối hợp bộ phận thanh tra chuyên ngành để triển khai; trong khi thanh tra chuyên ngành không đủ bộ máy nhân lực để xử lý kịp thời các vi phạm trong KCN, KKT. Điều này làm giảm vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý KCN, KKT.

Trước thực tế hiện nay để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò hoạt động của các KCN, KKT đối với nền kinh tế, bộ máy quản lý nhà nước ở cấp T.Ư và địa phương cần thiết được kiện toàn lại theo hướng giảm bớt đầu mối quản lý nhà nước về KCN. Tại các địa phương, thống nhất một đầu mối theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động của KCN, KKT. Cơ quan này phải được tăng cường chức năng, nhiệm vụ toàn diện, ổn định, bảo đảm đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng “một cửa, một đầu mối”, tương xứng với vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Bài 2: Những băn khoăn cần lời giải

* Bài 1: “Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

---------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13, 14-11-2019.