Tạo chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp ở Ðồng Nai

Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất cao tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho năng suất cao tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.

Hiệu quả từ các mô hình liên kết

Trước đây, do hiệu quả kinh tế thấp, ông Nguyễn Quý Tuân, ở ấp 9, xã Gia Canh, huyện Ðịnh Quán đã tính đến chuyện chặt bỏ 2 ha cây ca-cao của gia đình để chuyển sang trồng loại cây khác. Nhưng ông đã từ bỏ ý định này khi Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp và được Công ty TNHH ca-cao Trọng Ðức ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Từ việc tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và nhận được hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, ông cùng nhiều hộ nông dân khác ở địa phương đã tập trung chăm sóc vườn ca-cao.

Ðến nay, vườn ca-cao trồng xen dưới tán điều cho năng suất 10 tấn/ha, với giá bán hơn 6.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. “Tính ra, tôi chỉ mua cây giống với giá gần 10 triệu đồng, đầu tư hệ thống tưới khoảng 20 triệu đồng cho toàn bộ vườn lúc ban đầu, nhưng lại thu hoạch trong nhiều năm. Về giá đã có DN ký hợp đồng bao tiêu trong suốt mùa vụ và cao hơn giá thị trường cho nên nông dân chúng tôi rất yên tâm sản xuất” - ông Tuân nói.

Cũng từ đây, Hợp tác xã (HTX) ca-cao - điều Ðịnh Quán được thành lập nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu chỉ có vài hộ tham gia, nay đã tăng lên hàng chục hộ, với diện tích 80 ha. Ngoài việc cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng thu mua ca-cao của nông dân với giá 6.000 đồng/kg, khi giá thị trường tăng cao, Công ty TNHH ca-cao Trọng Ðức sẽ tiếp tục tăng giá thu mua. Cùng với đó, công ty phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất trong vùng dự án. Ðồng thời, tìm đối tác uy tín về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm đầu vào, cũng như cung cấp cây giống cho người trồng. Theo Giám đốc Công ty TNHH ca-cao Trọng Ðức Ðặng Tường Khanh, hiện nay, DN đã mở rộng hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ ca-cao với hàng nghìn hộ dân ở các huyện Thống Nhất, Ðịnh Quán, Tân Phú, Trảng Bom và nông dân các tỉnh Bình Thuận, Lâm Ðồng. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, DN đầu tư trang thiết bị để tiến hành chế biến các sản phẩm từ ca-cao. Ðến nay, sản phẩm làm từ ca-cao đã xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. DN xác định, những năm tới sẽ đầu tư thêm các loại máy, chế biến thêm nhiều sản phẩm từ ca-cao để xuất khẩu, hạn chế việc xuất khẩu ca-cao thô để tăng giá trị sản phẩm.

Tại huyện Cẩm Mỹ, để chăm sóc vườn tiêu hơn 1 ha, trước đây ông Nguyễn Văn Ðược, ở ấp 2, xã Lâm San, sử dụng nhiều phân hóa học nên cây tiêu dù phát triển tốt vẫn hay bị nhiễm bệnh, chất lượng hạt tiêu không đồng đều. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân đến mùa thu hoạch, thương lái mua tiêu với giá thấp. Kể từ năm 2015, khi tham gia tổ hợp tác sản xuất tiêu sạch ấp 2, được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất hồ tiêu, ông đã thay đổi cách chăm sóc tiêu, trong đó chú trọng dùng phân hữu cơ, phân sinh học, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp để phòng ngừa sâu bệnh. Vì thế, năng suất mỗi héc-ta đạt hơn bốn tấn. Ông Ðược cho biết: “Gia đình tôi tập trung sản xuất tiêu sạch, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, để cho hạt tiêu có chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học. Khi tham gia tổ hợp tác, toàn bộ tiêu của gia đình được HTX nông nghiệp Lâm San mua để xuất khẩu với giá cao hơn thị trường”.

Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San Nguyễn Ngọc Luân chia sẻ: “Mô hình sản xuất tiêu sạch xuất khẩu được hình thành vào năm 2013. Ban đầu, chỉ có vài chục hộ, đến nay toàn xã có 15 tổ hợp tác với hơn 800 hộ tham gia sản xuất tiêu sạch trên diện tích 1.000 ha. Ðể giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, nông dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc, bón phân hữu cơ, phân vi sinh, sử dụng phân hóa học đúng lúc với liều lượng thích hợp. Tất cả sản phẩm của tổ hợp tác được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường. Từ lô tiêu sạch đầu tiên hơn 100 tấn xuất khẩu trực tiếp vào CHLB Ðức năm 2015, đến nay, trung bình mỗi năm HTX đưa khoảng 300 tấn hồ tiêu vào thị trường châu Âu”. Hiện nay hạt tiêu của HTX đã được kết nối để xuất khẩu, nông dân phải liên kết sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng. Bởi lẽ, tiêu Việt Nam phải cạnh tranh với các nước sản xuất tiêu lớn, như: Bra-xin, In-đô-nê-xi-a. Do vậy, thay vì chỉ quan tâm số lượng như trước đây, thì việc nâng cao chất lượng hạt tiêu có ý nghĩa quyết định để tăng tính cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Ðồng Nai, trên địa bàn hiện có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn với 28 DN, HTX tham gia, tổng diện tích 5.521 ha; hơn 100 chuỗi liên kết giữa DN, HTX, người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. “Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, DN. Từ đó, năng suất cây trồng tăng từ 30% đến 100% so với trước, sản phẩm của nông dân bán giá cao hơn thị trường, đời sống được nâng lên. Ðể thực hiện thành công, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần sự đồng tình, hưởng ứng của người dân và DN phải có trách nhiệm gắn bó lâu dài, chia sẻ lợi nhuận với nông dân” - Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết.

Nâng cao giá trị nông sản

Ðể khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, HÐND tỉnh Ðồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 143 ngày 7-12-2018, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án. Trước đó, UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Cụ thể, trên địa bàn đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng, như: hơn 34.000 ha điều, 19.000 ha cà-phê, 10.000 ha xoài, 9.000 ha tiêu,... Ðồng Nai cũng đứng đầu cả nước với hơn 3.800 trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì việc thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân được xác định, việc mời gọi DN tham gia liên kết với nông dân còn gặp khó khăn, dẫn đến các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch chưa nhiều.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Huỳnh Thành Vinh cho rằng: Ðồng Nai đang lựa chọn sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm chất lượng gắn với thị trường thông qua hợp đồng, đồng thời mời gọi các DN tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các DN chế biến sâu. Trước mắt, từ nay đến năm 2020, Ðồng Nai mời gọi các DN tham gia xây dựng 52 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại TP Long Khánh và bảy huyện trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 558 tỷ đồng. Trong đó, 46 dự án liên kết thuộc lĩnh vực trồng trọt với diện tích 3.389 ha cho năm nhóm cây trồng, năm dự án liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi và một dự án liên kết trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Ðể đẩy mạnh liên kết phát triển bền vững nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh Ðồng Nai đang xây dựng một loạt các đề án, như: Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của I-xra-en trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế tây nam của tỉnh Ðồng Nai. Ngoài ra, thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững, Ðồng Nai đang dần hoàn thành giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư vào hai cụm công nghiệp chuyên chế biến nông sản là: Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) với 57,3 ha và Phú Túc (huyện Ðịnh Quán) hơn 48 ha. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, thời gian tới, Ðồng Nai sẽ tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhất là những thế mạnh đặc trưng về cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, điều, cà-phê,... Về sản phẩm chăn nuôi, lợn và gà vẫn là hai vật nuôi chủ lực được tập trung phát triển thành các chuỗi liên kết, tăng lợi thế cạnh tranh.

Tiến sĩ Ðặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá: Hướng đi phù hợp đối với Ðồng Nai hiện nay trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực là tập trung vào công nghiệp chế biến. Bởi, phương thức cạnh tranh theo kiểu sản phẩm gì có chi phí thấp thì sản xuất đã không còn phát huy hiệu quả. Hiện nay, điều quan trọng là phải cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến. Với những lợi thế sẵn có, Ðồng Nai nên lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng xuất khẩu làm mũi nhọn. Với hướng đi này, nông sản Ðồng Nai sẽ không cạnh tranh bằng giá rẻ mà sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao.