Sản xuất tiêu dùng

Tăng giá trị của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn về định giá thương hiệu quốc gia (THQG) Brand Finance, THQG Việt Nam năm 2020 được định giá 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019. Như vậy, trong bốn năm trở lại đây, thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng chín bậc lên vị trí thứ 33 trong Tốp 100 THQG giá trị nhất thế giới và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Điều này có được là nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hỗ trợ kinh tế, cải cách thể chế của Chính phủ trong nhiều năm qua giúp cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng phát triển.

Đã có một số DN lớn xây dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, giúp vị trí của THQG Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Theo bảng xếp hạng năm 2020 của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đạt hơn 12,6 tỷ USD. Trong đó, hơn 50% DN có sản phẩm đạt THQG như Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietnam Airlines, Vingroup,...

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu, chưa xây dựng được thương hiệu. Dù Việt Nam đang là nước có thế mạnh, đứng đầu về xuất khẩu nông sản, thủy sản với các sản phẩm chủ lực như gạo, cà-phê, hồ tiêu,... nhưng lại chưa có một thương hiệu nông sản xứng tầm để cạnh tranh quốc tế. Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài với sản lượng rất lớn, chất lượng sản phẩm rất tốt, thế nhưng thực tế giá trị mà DN Việt thu về lại không nhiều. Nguyên nhân là sản phẩm của DN Việt Nam xuất khẩu phần lớn dưới dạng thô, sơ chế, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian hoặc qua một thương hiệu của đối tác thương mại khác ở nước ngoài. Hệ quả là bản thân người tiêu dùng nước ngoài cũng không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Nhiều DN lo tốn kém, lãng phí, cho rằng xây dựng thương hiệu chỉ phù hợp với những DN lớn. Tư duy này khiến nhiều thương hiệu Việt Nam bị lép vế, yếu thế hơn so thương hiệu nước ngoài có sản phẩm cùng hình thức, chất lượng và giá cả. Một khảo sát của Bộ Công thương cũng cho thấy hơn 20% số DN được khảo sát có sự đầu tư xây dựng thương hiệu, 80% số DN chưa quan tâm, không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Đã đến lúc các DN cần phải nhìn nhận và dành sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, giữ vững và phát triển THQG. Đây là việc làm cấp bách và cần có kế hoạch lâu dài, nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cần sự đồng thuận và nỗ lực của cả cộng đồng DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Cùng với đó, cần có những hướng dẫn và hỗ trợ hiệp hội ngành hàng, DN bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế để DN tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng xuất khẩu. Với những thành công của mỗi sản phẩm, DN sẽ góp phần tăng giá trị cho THQG Việt Nam, giúp hàng Việt Nam khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế.