Tăng cường quản lý và kiểm soát hệ thống giám sát tàu cá

Ðể gỡ “thẻ vàng” của EC, các tỉnh, thành phố ở miền trung đã tuyên truyền, vận động ngư dân sớm thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài hơn 15 m và dưới 24 m trước ngày 1-4-2020 theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc lắp đặt vận hành thiết bị GSHT tàu cá còn những hạn chế và vướng mắc cần sớm giải quyết.

Hơn 1.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình ra khơi có thiết bị giám sát hành trình.
Hơn 1.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình ra khơi có thiết bị giám sát hành trình.

Ði biển thuận lợi nhờ có thiết bị GSHT

Sau một thời gian thực hiện, mặc dù chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước, song đến cuối tháng 6-2020, ngư dân Quảng Bình đã tự giác lắp đặt thiết bị GSHT cho 1.010 tàu cá xa bờ (hoàn thành hơn 90%), cao hơn mức bình quân của cả nước. Mỗi thiết bị GSHT có giá từ 23 đến 25 triệu đồng và cước phí thuê bao 250 nghìn đồng/tháng, chưa kể cước liên lạc của mỗi cuộc gọi thông thường. Còn tại TP Ðà Nẵng, đến cuối tháng 6 vừa qua, cơ bản hoàn thành việc lắp thiết bị GSHT cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, với 554 chiếc. 55 tàu còn lại không thực hiện lắp do đang nằm bờ dài ngày, tàu đã xả bản, bị chìm hoặc có công suất nhỏ không đủ điều kiện vươn khơi.

Sau khi lắp thiết bị GSHT, việc đánh bắt trên biển của ngư dân có nhiều thuận lợi hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Sơn, chủ tàu cá có công suất 850 CV ở xã Cảnh Dương (Quảng Bình) cho biết: “Những tháng trước do quy định các tàu công suất lớn phải lắp GSHT mới được ra khơi cho nên tàu tôi và một số tàu cá trong xã phải nằm bờ để trang bị lại máy móc. Lắp đặt xong tôi cho tàu ra khơi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và trở về cách đây mấy ngày. Chuyến đi vừa rồi, tàu đánh được năm tấn mực và cá các loại. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 100 triệu đồng. Trước đây, ngư dân gặp khó khăn khi xác định ranh giới vùng biển cho nên tàu có thể đi qua vùng biển nước khác mà không biết. Bây giờ tàu đã có thiết bị GSHT, tôi yên tâm hơn, không lo vi phạm nữa. Kể cả khi giao tàu cho người khác, tôi ở nhà cũng rất yên tâm bởi chỉ cần mở smartphone là biết tàu đánh cá ở khu vực nào”. Còn theo ngư dân Nguyễn Ðức Tuấn, chủ tàu ÐNa 907.17TS trú tại phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà (Ðà Nẵng), tàu anh dài 19,5 m; khi biết thành phố sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị và miễn phí một năm cước thuê bao cho nên anh trang bị ngay một thiết bị GSHT. Vừa chấp hành quy định của Chính phủ, vừa cũng là tốt cho mình khi ở trên biển. Sau năm đầu miễn phí, ngư dân sẽ được thực hiện thanh toán cước theo từng tháng, nếu tàu không đi biển thì không phải thanh toán.

Hiện nay, thiết bị GSHT lắp trên tàu cá có độ phủ sóng rộng trên Biển Ðông của nước ta và vịnh Thái-lan qua sóng vệ tinh cho nên có thể liên lạc trong mọi lúc, mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, thiết bị còn có khả năng gửi nhật ký, báo cáo điện tử, nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn hoặc vi phạm vùng biển trong quá trình đánh bắt. Tại Quảng Bình, trung tâm điều hành GSHT tàu cá được đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh. Qua màn hình ti-vi 55 inch, toàn bộ tàu cá có lắp thiết bị GSHT đều được nhận biết. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang ở ngoài biển hàng trăm hải lý, nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số, như: Ký hiệu, chủ phương tiện, địa chỉ, đang ở kinh độ, vĩ độ nào... đều hiện rõ trên màn hình.

Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh cho biết: “Nhờ lắp đặt thiết bị GSHT, chúng tôi kiểm soát tốt hơn tàu cá hoạt động từ vùng bờ ra tới vùng khơi, như: Biết được hành trình của tàu, nhật ký khai thác, vị trí của tàu, sản lượng khai thác. Ðồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở một số hoạt động khai thác trên biển của ngư dân vào 9 giờ sáng và 15 giờ chiều hằng ngày. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản”.

Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Ðà Nẵng) là cảng cá lớn nhất miền trung được chỉ định cho tất cả tàu dài từ 15 m trở lên được cập cảng để bốc dỡ hải sản. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng, hoạt động bốc dỡ hải sản theo đúng quy định của Luật Thủy sản và thực hiện các biện pháp về đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được thực hiện đúng quy trình. Phó trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Nguyễn Lại cho biết, sau khi các chủ tàu thực hiện các thủ tục khai báo sản lượng, nộp nhật ký khai thác, ban quản lý cung cấp danh sách tàu vào cảng cho văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Văn phòng thực hiện tra trên hệ thống GSHT, dữ liệu hệ thống quốc gia để kiểm tra tàu có tuân thủ các quy định hay không. Tàu bảo đảm các điều kiện, đầy đủ giấy tờ thì được ký xác nhận nguồn gốc hải sản.

Phát huy hiệu quả thiết bị GSHT tàu cá

Ðể gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam thì việc lắp đặt thiết bị GSHT trên tàu cá là hết sức cần thiết, giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng ngư dân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, dựa vào điều kiện của mỗi địa phương, quá trình thực hiện việc này có khác nhau. Nếu như tại Quảng Bình, do nguồn kinh phí hạn hẹp, tỉnh chưa hỗ trợ được kinh phí lắp đặt thiết bị GSHT mà chủ yếu tuyên truyền, động viên ngư dân tự bỏ kinh phí thực hiện. Kết quả là hơn 1.000 tàu cá được lắp thiết bị, thể hiện nỗ lực vận động hiệu quả của ngành thủy sản và chính quyền cơ sở; sự tự giác, hợp tác tốt của các chủ tàu cá. Tuy vậy, hiện địa phương này vẫn còn hơn 150 tàu chưa lắp thiết bị GSHT do chủ tàu chưa tích cực thực hiện hoặc còn khó khăn cho nên không khai thác vùng biển xa.

Trong khi đó, TP Ðà Nẵng hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt thiết bị GSHT và phí thuê bao năm đầu tiên cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động vùng khơi. UBND thành phố cũng phê duyệt danh mục ba thiết bị GSHT của VNPT và Công ty TNHH một thành viên thông tin điện tử hàng hải Việt Nam - VISHIPEL. Vì vậy, toàn bộ ngư dân Ðà Nẵng trong diện được hỗ trợ nghiêm chỉnh thực hiện và các công ty cung cấp dịch vụ lắp đặt cũng tạo thuận lợi cho chủ tàu về thời gian thanh toán cho nên hai bên đều thực hiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Hầu hết ngư dân chưa nắm đầy đủ quy định liên quan quản lý, vận hành và sử dụng thiết bị mới này. Trong quá trình quản lý, tàu cá lắp GSHT thường xuyên mất kết nối. Chẳng hạn, tại Quảng Bình thời gian gần đây có 272 tàu mất kết nối trong hơn sáu giờ và 77 tàu vượt ranh giới biển. Ngay khi phát hiện tàu mất kết nối và vượt ranh giới biển, trạm bờ Chi cục Thủy sản tỉnh đã thông báo tới chủ tàu và thuyền trưởng yêu cầu khắc phục lỗi mất kết nối và quay về vùng biển cho phép. Theo Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh, nguyên nhân của lỗi mất kết nối và tàu vượt ranh giới có thể do lỗi kỹ thuật của thiết bị, do ngư dân chưa quen sử dụng thiết bị và cũng có thể thuyền viên cố tình tạo mất kết nối. Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã thông báo đến doanh nghiệp cung cấp GSHT xác minh lỗi mất kết nối và gửi đề nghị UBND các huyện có tàu vượt ranh giới để xác minh, xử lý song việc làm này còn chậm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình và Ðà Nẵng, song song với việc tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân nắm bắt, sử dụng đúng các tính năng của thiết bị GSHT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị lắp đặt thiết bị phải chấp hành đúng các quy định trong quá trình cung cấp và lắp đặt, nhất là phải tuân thủ việc kẹp chì niêm phong đối với các thiết bị mới hoặc sau khi sửa chữa cũng như thông báo cho Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra, trước khi ngư dân đưa vào sử dụng. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp chủ tàu cố ý tắt thiết bị GSHT, dù tàu vẫn đang hoạt động. Những tàu cá theo quy định nhưng không lắp đặt thiết bị GSHT thì không cho cập hoặc xuất cảng.