Sức lan tỏa mạnh mẽ của Nghị quyết về "tam nông" (Tiếp theo và hết) (*)

BÀI 2: Ðồng sức, đồng lòng vì "tam nông"

Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết về "tam nông", cấp ủy các cấp đã rút ra được nhiều bài học quý trong công tác xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Ðảng; về huy động nguồn lực, sức dân; về công tác cán bộ cơ sở.

Gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Ðồng Nai tại Triển lãm về nông nghiệp - 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HÀ HỒNG HÀ
Gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Ðồng Nai tại Triển lãm về nông nghiệp - 10 năm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HÀ HỒNG HÀ

Tháo gỡ khó khăn, khai thông nguồn lực

Trong quá trình triển khai Nghị quyết, nhiều vấn đề, khó khăn nảy sinh. Ðáng nói nhất là nguồn lực tài chính, đất đai, vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ xã nhiều nơi hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Trước tình hình đó, Ban Kinh tế T.Ư chủ động tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 97-KL/TW ngày 9-5-2014 về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ðồng thời, Ban phối hợp với nhiều bộ, ngành tổ chức các hội thảo, diễn đàn về liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp, về chuỗi giá trị nông sản, hỗ trợ các địa phương kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp. Cùng với việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Chính phủ đã phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; kết nối các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan. Quốc hội đã rà soát, xây dựng, ban hành 10 luật, 11 nghị quyết liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các đoàn thể T.Ư đều có những chương trình thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM"...

Một trong những thành công của Nghị quyết là thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, tổ chức quốc tế, đem lại nguồn hỗ trợ to lớn cho công tác dạy nghề cũng như xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Các mô hình cho vay qua tổ vay vốn, cho vay theo Nghị định 55 (sau này là Nghị định 116) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã hỗ trợ nông dân sản xuất lớn rất hiệu quả. Ở nhiều nơi, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chương trình hỗ trợ xây dựng NTM và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tư vấn các phương án sản xuất hiệu quả cho người nông dân. Tại Tiền Giang, Chi nhánh Agribank Tiền Giang giúp đỡ bốn xã xây dựng NTM với số vốn hơn 250 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục NTM. Ðây là những cách làm khai thông cơ chế vốn, thu hút nguồn lực rất hiệu quả.

Phong trào xây dựng NTM cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí. Bằng nhiều hình thức, báo chí đã tuyên truyền liên tục về các mô hình, điển hình hay, cách làm mới, đồng thời phát hiện và kịp thời phản ánh những yếu kém, khuyết điểm, chệch hướng, sai phạm trong quá trình triển khai Nghị quyết. Nhiều vấn đề lệch lạc trong xây dựng NTM như nợ xây dựng cơ bản, nợ tiêu chí, lãng phí trong xây dựng chợ, bưu điện văn hóa xã, sai phạm trong quản lý đất đai, tư tưởng nóng vội, "bệnh" thành tích... được báo chí nhanh chóng đề cập, phân tích, mổ xẻ, giúp các cơ quan hữu quan, các địa phương có chính sách điều chỉnh kịp thời.

Cùng với đó, khi những vấn đề ở cơ sở nảy sinh, lãnh đạo nhiều tỉnh, huyện, xã chọn giải pháp đối thoại trực tiếp với người dân. Nhiều nơi, cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ nông thôn, giải quyết nhiều vấn đề ngay tại cơ sở. Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đối thoại với tất cả các xã, xử lý nghiêm cán bộ, công chức xã gây khó khăn cho người dân. Hằng tuần, lãnh đạo Huyện ủy về xã kiểm tra công việc của cán bộ xã, trọng tâm là xây dựng NTM. Quan điểm mà đồng chí Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân nêu lên là, muốn bộ máy tốt thì người đứng đầu phải tốt. Cán bộ huyện, xã phải sẵn sàng đối thoại với dân về bất cứ vấn đề gì người dân quan tâm.

Nhiều địa phương năng động, linh hoạt xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM. Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, hỗ trợ giao thông nông thôn, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Chẳng hạn, ngân sách tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng cho mỗi xã quy hoạch mới, 100 triệu đồng cho mỗi xã điều chỉnh quy hoạch. Ðến nay, tỉnh có 107 trong số 112 xã đạt chuẩn NTM.

Việc nhất quán quan điểm người nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên thực tế đã góp phần quan trọng làm giảm tư duy dựa dẫm, ỷ lại, bảo đảm sự bền vững của phong trào. Thực tế cho thấy, nhiều xã có nguồn lực hạn hẹp song vẫn xây dựng thành công NTM, đó là nhờ năng lực vận động nhân dân tốt. Xã Ðồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Ðồng) xuất phát điểm là xã nghèo, thu nhập bình quân năm 2011 chỉ vỏn vẹn 5,1 triệu đồng/người, đến năm 2019 đạt 38,9 triệu đồng/người, hộ nghèo giảm từ 41,5% xuống còn 3,84%. Bí thư Ðảng ủy xã Ðiểu K’Giắc khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất. Ðảng ủy xã xây dựng các nghị quyết chuyên đề, Bí thư Ðảng ủy xã làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Triển khai đến đâu, đánh giá đến đó, bảo đảm đúng lộ trình, mục tiêu đề ra.

Thực hiện dân chủ, công khai trước dân

Công khai, dân chủ ở nông thôn là vấn đề mấu chốt để thu hút người dân tự nguyện tham gia xây dựng NTM. Xã Xuân Ðịnh là địa phương đầu tiên của huyện Xuân Lộc (tỉnh Ðồng Nai) được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðồng chí Nguyễn Văn Quá, Bí thư Ðảng ủy xã chia sẻ kinh nghiệm: Mọi chủ trương, chính sách trước khi áp dụng phải công khai, dân chủ để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tuyên truyền để người dân thấy được chủ trương đó gắn với lợi ích cụ thể. Quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch các khoản đóng góp và người dân sẽ giám sát. Ông Phạm Văn Ðiêm, người dân ấp Bảo Thị, xã Xuân Ðịnh (huyện Xuân Lộc) nhận xét: Tôi thấy ở địa phương từ chuyện làm đường hay thực hiện các chủ trương, chính sách đều được công khai, dân chủ, lấy ý kiến người dân. Người dân thấy được lợi ích của mình nên tích cực tham gia. Dân hiểu được Ðảng và Ðảng cũng nắm được mong muốn, nguyện vọng của người dân.

Nhiều cấp ủy đảng chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh ủy Thái Bình ra nghị quyết chuyên đề chỉ đạo cơ sở thực hiện: bảo đảm công khai, minh bạch những vấn đề xây dựng NTM; cấp quản lý tài chính và xây dựng cơ bản cho các xã, thôn; công khai, minh bạch về quy hoạch xây dựng dự toán, quyết toán các công trình, các khoản đóng góp của nhân dân. Ðịnh kỳ sáu tháng và hằng năm, các thôn, xã tổ chức hội nghị để nhân dân góp ý với cấp ủy, chính quyền. Những ý kiến đúng được tiếp thu xử lý kịp thời, mọi vấn đề vướng mắc được tập trung giải quyết. Ðồng thời, tỉnh, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch tài chính ở tất cả các dự án. Các công trình xây dựng của xã, thôn đều có sự giám sát của cộng đồng.

Công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện Chương trình xây dựng NTM được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, thực hiện thường xuyên. Năm 2017, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thành lập Ðoàn kiểm tra đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM tại các huyện Bình Xuyên, Sông Lô. Các ban của HÐND tỉnh giám sát theo các chuyên đề: Công tác huy động và quản lý vốn đầu tư thực hiện xây dựng NTM; công tác lập kế hoạch đầu tư cấp xã; việc sử dụng các thiết chế văn hóa ở các xã xây dựng NTM. Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức giám sát việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp tại các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện của cơ sở, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Ở cấp xã, nhiều nơi phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng, bảo đảm vai trò chủ thể của người dân và bảo đảm thực hiện đúng các cơ chế, quy định về quản lý đầu tư.

Những kinh nghiệm quý

Mười năm chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong chặng đường hiện đại hóa nông thôn, vốn còn nhiều gian nan phía trước. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương bày tỏ trăn trở của mình đối với sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Ðồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai đề nghị: Phải cụ thể hóa các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi cung ứng nông sản thông qua mô hình cánh đồng lớn. Phải hoàn thiện cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản. Ðồng chí Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nêu việc cần làm thời gian tới là: Tập trung nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương, các vùng nông thôn. Nhằm triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Bình Dương đã có đề án nhằm đưa doanh nghiệp về nông thôn để hỗ trợ, phối hợp giữa doanh nghiệp và hội nông dân nhằm phát triển kinh tế hội; tập trung đầu tư nâng cao cơ sở vật chất từ điện, đường, nước, y tế, văn hóa...

Từ thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết "tam nông", có thể thấy, để một nghị quyết của Ðảng đi vào cuộc sống, cần có chính sách, pháp luật đồng bộ, hỗ trợ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu mà nghị quyết đó đề ra. Nghị quyết càng cụ thể, càng dễ thực hiện. Ðối với những nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, phải xác định rõ nguồn lực và cơ chế sử dụng nguồn lực, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, những công cụ thực hiện nghị quyết như Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, sẽ giúp các cơ quan, tổ chức xác định rõ lộ trình, phương thức, nội dung thực hiện. Ðồng chí Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế T.Ư bày tỏ: Nghị quyết về phát triển kinh tế được ban hành nhiều, rất trúng và rất đúng. Tuy nhiên, việc xây dựng pháp luật, chính sách chưa theo kịp, dẫn đến hiệu quả thực hiện một số nghị quyết chưa cao, mất đi thời cơ phát triển. Ðây là điều rất đáng suy nghĩ đối với việc ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ðảng trong nhiệm kỳ tới.

Phương pháp tổng kết Nghị quyết "tam nông" cũng đáng chú ý. Tổng kết từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc với những cách làm đa dạng, thiết thực. Nhiều tỉnh tổ chức các hội chợ nông sản, triển lãm nông nghiệp. Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành tổ chức Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tại những sự kiện đó, vấn đề "tam nông" được xem xét nhiều chiều, toàn diện, đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 54-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khẳng định những kết quả ban đầu, đồng thời nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan.

Nhấn mạnh Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn. Ðồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nêu yêu cầu: Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị, xây dựng định hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phục vụ việc xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Với những nỗ lực to lớn và cách tiếp cận mới, Nghị quyết "tam nông" đã và đang trở thành động lực thúc đẩy các cấp ủy đảng và đảng viên phấn đấu vì nông thôn Việt Nam giàu, đẹp, văn minh.

-------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5-12-2019.