Sớm có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không vượt khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến lĩnh vực vận tải, làm sụt giảm nghiêm trọng kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trong đó nặng nề nhất là ngành hàng không.

Kiểm soát viên không lưu trực bảo đảm an toàn cho các chuyến bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội.
Kiểm soát viên không lưu trực bảo đảm an toàn cho các chuyến bay tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chính sách miễn giảm giá một số dịch vụ và thuế nhập khẩu nhiên liệu nhằm giúp các doanh nghiệp hàng không sớm vực dậy sau dịch.

Thiệt hại hơn 30 nghìn tỷ đồ

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn, báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) cho thấy, thiệt hại ban đầu việc dừng bay của các hãng đã lên tới hơn 30 nghìn tỷ đồng. Từ cuối tháng 1, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh.

Tính đến ngày 15-3, các hãng hàng không đã dừng hoặc giảm tần suất hàng loạt chuyến bay: cắt toàn bộ chuyến bay đi Trung Quốc, Hàn Quốc; giảm tần suất 25% số chuyến bay Ðài Loan (Trung Quốc) còn 172 chuyến/tuần so 231 chuyến/tuần trước đây, trong đó các hãng HKVN cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019). Ðường bay Hồng Công (Trung Quốc) cũng cắt giảm gần 70% số chuyến bay (còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần), trong đó các hãng HKVN gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines (VNA) bay 4 chuyến/tuần (so 47 chuyến/tuần cuối năm 2019),…

Ngày 19-3, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, do diễn biến dịch ngày càng nghiêm trọng và chính sách hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới giữa các nước, VNA dự kiến sẽ tạm dừng khai thác tất cả các đường bay quốc tế trong mạng bay của hãng đến hết ngày 30-4 tới. Theo đó, đường bay Ðông - Nam Á gồm Xin-ga-po, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma tạm dừng khai thác hai chiều từ ngày 21-3. Ðường bay Anh, Nhật Bản tạm dừng hai chiều từ ngày 23-3; đường bay Ðức, Ô-xtrây-li-a tạm dừng chiều Việt Nam đi từ ngày 24-3, chiều về Việt Nam từ ngày 25-3. Trước đó, VNA đã tạm dừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hồng Công, Ma Cao, Ðài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Pháp, Nga và Ma-lai-xi-a.

Cục trưởng HKVN Ðinh Việt Thắng đánh giá, trường hợp khả quan nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so cùng kỳ). Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so năm 2019. Trong đó, các hãng HKVN vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ). Trước khi dịch bùng phát, thị trường hàng không giữa Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần) và ba hãng HKVN gồm VNA, Jetstar Pacific và VietJet Air, khai thác 72 đường bay từ năm điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất mỗi chiều đạt 276 chuyến/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần không thường lệ.

Tuy nhiên, từ ngày 1-2, sau khi hủy toàn bộ giấy phép bay đã cấp và không cấp giấy phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc và dừng nhập cảnh hành khách đã qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày đã khiến các hãng HKVN sụt giảm sản lượng, doanh thu từ hành khách. Cụ thể, chỉ một tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc (từ ngày 1 đến 7-2), tổng thị trường vận chuyển HKVN đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%. Sản lượng vận chuyển của các hãng HKVN đạt 1,06 triệu khách giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.

Cục trưởng HKVN Ðinh Việt Thắng nhận định, thị trường các đường bay Trung Quốc chiếm khoảng hơn 18% thị trường quốc tế. Riêng các hãng trong nước, thị trường này chiếm tới 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Việc phải dừng khai thác thị trường này khiến các hãng HKVN mất doanh thu của trung bình 400 nghìn hành khách/tháng, chưa kể một lượng không nhỏ doanh thu từ nguồn khách này đi trên các đường bay nội địa. Các hãng HKVN còn phải mất thêm nhiều chi phí liên quan việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, chi phí vệ sinh phòng dịch,...

Kiến nghị giảm thuế, giá dịch vụ

Tại cuộc gặp lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty lớn ở Việt Nam (ngày 12-3), ngoài lắng nghe đề xuất các giải pháp cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xem xét, miễn giảm thuế, giá dịch vụ cho các hãng hàng không.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết, theo Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Việt Nam, các hãng đang chịu 16 loại giá dịch vụ do Nhà nước quy định, nộp cho ba đơn vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước gồm Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các cảng vụ hàng không. Tính sơ bộ, 16 loại giá dịch vụ trên hằng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Ðơn cử, giá dịch vụ phục vụ tại nhà ga năm 2019 hơn 10 nghìn tỷ đồng; cất/hạ cánh khoảng 2.000 tỷ đồng; điều hành bay hơn 1.500 tỷ đồng; đỗ máy bay cũng hàng chục tỷ đồng/năm,...

Ngoài ra, các hãng phải nộp nhiều khoản giá dịch vụ hàng không khác cho sân bay, như thuê quầy bán vé giờ chót, thuê quầy hành lý thất lạc; thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên,… Nói một cách hình ảnh, mỗi chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại giá dịch vụ, cả trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, các hãng còn phải chịu nhiều loại thuế như nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Riêng thuế bảo vệ môi trường, các hãng hàng không nộp khoảng vài nghìn tỷ đồng mỗi năm. Khoản thuế này không áp theo tỷ lệ mà cố định ở mức 3.000 đồng/lít, khi giá xăng dầu giảm xuống, nhưng thuế môi trường cũng không giảm tương ứng như ở các nước.

"Chính giá dịch vụ và thuế cao, đã tạo nên lợi nhuận bất hợp lý, các hãng hàng không đề nghị miễn giảm là có cơ sở, dễ thực hiện. Các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh cảng hàng không, sân bay giảm lãi là hỗ trợ được ngay các hãng hàng không - khách hàng và cũng để nuôi dưỡng nguồn thu chính của các sân bay", TS Lương Hoài Nam nhận định. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Ðình Ánh đồng tình quan điểm này và cho rằng, các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần khẩn trương trình văn bản miễn giảm thuế, giá dịch vụ để giải cứu những doanh nghiệp mũi nhọn, bệ đỡ cho nền kinh tế như hàng không, du lịch,… đem lại nguồn thu cho ngân sách. Về lâu dài, cần đẩy nhanh xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để giảm thuế, phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, vốn nhà nước bớt phải chi cho hạ tầng hàng không (thông qua ACV) mà huy động từ các nguồn lực xã hội hóa làm sân bay, nhà ga. Ðây cũng là cách biến cảng hàng không thành tổ hợp thương mại, dịch vụ và đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro cho hãng bay và cho nền kinh tế.

Tại báo cáo mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời gian ba tháng. Trường hợp cân đối ngân sách khó khăn, Bộ đề nghị thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách. Về giá dịch vụ, áp dụng chính sách giảm 50% giá cất/hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa, dự kiến áp dụng từ ngày 1-3 đến hết ngày 31-5-2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Cùng đó, cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ ngày 1-3 đến hết ngày 31-5-2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác. Các hãng hàng không gặp khó khăn cũng kéo theo sự khó khăn của đại diện cơ quan quản lý nhà nước như ACV và VATM.

Các chuyến bay quá cảnh theo tuyến Ðông Tây đi/đến Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, khi các đường bay này tạm dừng, dẫn đến sản lượng điều hành bay của VATM sụt giảm nghiêm trọng. Tổng Giám đốc VATM Ðoàn Hữu Gia cho biết: Tính riêng trong tháng 2, tổng sản lượng điều hành bay qua của VATM giảm hơn 14.600 chuyến (40% so với cùng kỳ), sản lượng điều hành bay đi, đến các chuyến bay quốc tế giảm hơn 3.415 chuyến (27%). Trong tháng 3, các hãng tiếp tục cắt giảm gần như toàn bộ các đường bay quốc tế, sản lượng điều hành bay dự báo tiếp tục sụt giảm gần 50% so cùng kỳ. Thời điểm cuối năm 2019, trung bình VATM điều hành gần 2.500 lần - chuyến/ngày, hiện tại chỉ đạt hơn 900 lần - chuyến. Chủ tịch HÐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết: Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dự kiến, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV năm nay sụt giảm nghiêm trọng, giảm tới 40% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của ACV năm 2020 có khả năng giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so năm 2019. Thời gian qua, ACV đã tập trung phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần "Chống dịch như chống giặc". Cán bộ, nhân viên tại các sân bay phối hợp Trung tâm Kiểm dịch y tế các địa phương kiểm tra chặt chẽ đối với người từ nước ngoài về (nhất là ở các nước có dịch) theo khuyến cáo của Bộ Y tế; lập phương án, tình huống tiếp nhận hành khách và công dân Việt Nam từ vùng dịch; phục vụ các suất ăn và nước uống miễn phí,…

Ðể chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, ngày 20-3, ACV đã quyết định giảm giá các dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng quốc tế và hãng nội địa) đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV, thực hiện trong sáu tháng (từ tháng 3 đến tháng 8-2020),... Theo đó, có bảy loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá gồm dịch vụ dẫn tàu bay (giảm 50%); dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất (giảm 10%); dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30% - mức tối đa theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, đối với hoạt động phi hàng không, ACV đang nghiên cứu xây dựng các kịch bản và phương án hỗ trợ theo diễn biến.