Ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn

NDO -

Sáng 2-7, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chúc mừng sự kiện.

Ra mắt Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn

Việc ICED ra đời nhằm góp phần thúc đẩy sự chuyển mình của đất nước từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn trên cơ sở cung cấp các kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển mô hình “Kinh tế tuần hoàn”. Đây cũng là viện đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực này, là nỗ lực đóng góp của ĐHQG vào quá trình nghiên cứu, mô hình hoạt động, tư vấn và ứng dụng kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam.

PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG cho biết: “ICED ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chú trọng về giải pháp khoa học công nghệ, chính sách trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trên nền tảng hệ sinh thái Doanh nghiệp - Chính phủ - Đại học. Thông qua ICED, ĐHQG đặt mục tiêu đóng góp, kết nối nền kinh tế tuần hoàn giữa thế giới và Việt Nam”.

Về trung và dài hạn, ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực về kinh tế tuần hoàn trên cơ sở trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn cho các bên liên quan.

ICED sẽ cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực; là trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn giải pháp và chính sách về phát triển bền vững cho chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương; và Trung tâm kết nối doanh nghiệp - Nhà nước - đại học, liên kết lợi ích - nhu cầu giữa các bên có liên quan để hướng về mục tiêu phát triển bền vững.

“Với sứ mạng và tầm nhìn trên, ICED sẽ tạo cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan để thúc đẩy vận hành nền kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích mặt kinh tế, xã hội dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường. Đây chính là cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập - gồm 17 các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs - Sustainable Development Goals) do Liên Hiệp Quốc đề ra”, PGS, TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng ICED cho biết.

Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức và nguyên CEO Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), cũng là cố vấn của ICED, nhận định: “Mô hình kinh tế tuyến tính hiện tại chỉ dựa trên nền tảng Lấy (Take), Tạo ra (Make) - Vứt bỏ (Disposal) đã khiến chúng ta đang đối diện với thách thức về nguồn tài nguyên hữu hạn đang cạn kiệt, môi trường tự nhiên đang bị phá hủy bởi lượng rác thải khổng lồ và mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hoàn toàn, sức khỏe con người đang bị đe dọa do môi trường sống như nguồn nước, không khí… bị xuống cấp trầm trọng.

“Để góp phần giải quyết vấn đề này, mô hình kinh tế tuần hoàn ra đời dựa trên nguyên tắc giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên, tái tạo tài nguyên, tăng vòng đời sử dụng sản phẩm bằng tái sử dụng, tân trang, tái tạo và tái chế. Đây sẽ là giải pháp cho mô hình phát triển bền vững cho chúng ta”, ông Philipp Rösler nhấn mạnh.

Nguyên Phó Thủ tướng Đức cho biết thêm, các nước thuộc khối châu Âu đã đi trước khá lâu về việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và đã đạt được kết quả rất tốt về kinh tế, môi trường và xã hội. Ông cũng cam kết rằng, sẽ hỗ trợ ICED phát triển xứng đáng với tầm nhìn và sứ mệnh đã đề ra.

Tại lễ ra mắt, ICED sẽ ký kết hợp tác với Tập đoàn Nutifood, Tập đoàn VinaCapital, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh (UBND TP Hồ Chí Minh) và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam. Đồng thời, Viện sẽ tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam” nhằm trao đổi về thực trạng, xu hướng và ứng dụng của Kinh tế tuần hoàn trên thế giới.

Trình bày tham luận tại hội thảo là các chuyên gia kinh tế: GS, TS Stefano Pascucci, Đại học Ẽter; ông Matti Tervo, Đại sứ quán Phần Lan; PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng đại diện Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

ICED là mô hình Viện nghiên cứu khoa học được thành lập trực thuộc ĐHQG với sự hỗ trợ tài chính và vận hành từ cộng đồng doanh nghiệp. ICED được Quỹ VCF thuộc VinaCapital và tập đoàn Nutifood bảo trợ về mặt kinh phí hoạt động, cũng như sự hỗ trợ vận hành và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp bởi Ban cố vấn gồm PGS, TS Huỳnh Thành Đạt; ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu; ông Philipp Rösler, Chủ tịch Hội đồng cố vấn đầu tư VinaCapital Ventures.

Ban điều hành viện cũng được thành lập dựa trên tinh thần phối hợp chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp. Do vậy, ngoài việc bổ nhiệm PGS, TS Nguyễn Hồng Quân là Viện trưởng; ông Phạm Phú Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, thành viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận bổ nhiệm Phó viện trưởng.

Khái niệm Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner (1990). Nó được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. 
Ellen MacArthur Foundation mô tả nền KTTH là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. KTTH một phần góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Khái niệm liên quan đến mô hình KTTH đã có ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn - Ao - Chuồng), một mô hình chúng ta áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – Cleaner production”, “Không phát thải - zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất - một phần của KTTH - cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Các khái niệm này đã được thể hiện qua các chính sách của Đảng và nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và được các trường/viện nghiên cứu triển khai nghiên cứu, áp dụng như: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG).