Quyết liệt trong năm “nước rút” ở Tuyên Quang

Năm 2019 được xác định là năm “nước rút” trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngay từ đầu năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh với những quyết tâm cao nhất đã chung sức đồng lòng, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết đại hội đã đề ra.

Cầu Bình Ca hoàn thành và đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng chiến khu cách mạng tỉnh Tuyên Quang.
Cầu Bình Ca hoàn thành và đưa vào sử dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng chiến khu cách mạng tỉnh Tuyên Quang.

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chín tháng năm 2019, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã thống nhất cao về những kết quả đạt được. Nổi bật là, tiếp tục lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; phát triển công nghiệp, du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...

Nhờ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp chín tháng của năm 2019, đạt 12.311 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng lương thực vụ mùa đạt 168 nghìn tấn, lũy kế chín tháng đạt 320 nghìn tấn, bằng 95,1% kế hoạch. Duy trì và phát triển diện tích cây trồng chủ lực: cam, chè, lạc, cây nguyên liệu giấy; thực hiện tốt công tác trồng rừng, công tác quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Trong chín tháng của năm 2019 đã trồng mới 11.183 ha rừng, đạt 103% kế hoạch; khai thác 566.689 m3 gỗ rừng trồng; cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC được 5.578 ha, đưa tổng số diện tích rừng của tỉnh được cấp chứng chỉ lên 25.366 ha. Du lịch tiếp tục có chuyển biến mạnh, thu hút 1,73 triệu lượt khách, đạt 92,7% kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu xã hội về du lịch 1.562 tỷ đồng, đạt 91,8% kế hoạch, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.693,2 tỷ đồng, bằng 81,4% dự toán; tổng chi ngân sách 5.359,4 tỷ đồng, đạt 71,8% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng đạt 1.106 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch vốn năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng đạt 17.988,2 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng 5 bậc, xếp vị trí 34 trong số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính xếp vị trí 19 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Thu hút đầu tư, vận động viện trợ; phát triển mạnh công nghiệp, tập trung vào một số ngành có tiềm năng, lợi thế là mục tiêu xuyên suốt của nhiệm kỳ mà Ðảng bộ tỉnh đã đề ra. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong năm 2019 được đẩy mạnh, từ đó góp phần vào việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Một số nhà đầu tư lớn đang đầu tư tại Tuyên Quang như: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO; Công ty cổ phần Woodsland; Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam... Nhiều tập đoàn lớn, tổng công ty, tổ chức trong nước và nước ngoài đã khảo sát, nghiên cứu môi trường đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Sungroup; Tập đoàn TH; Tập đoàn DSH (Tây Ban Nha); Công ty DELTA; Tổ chức JETRO và JICA;... UBND tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn; qua đó đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại các nước châu Âu; Thái-lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nam Phi. Xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu về tỉnh Tuyên Quang, cơ chế chính sách, danh mục dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư và các dự án chi tiết trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh; đề xuất dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019 - 2025 nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh trong cả nước nói chung và các tỉnh trong vùng miền núi phía bắc nói riêng; hướng đến đạt được các mục tiêu xúc tiến đầu tư trực tiếp nhằm mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, thương hiệu trong nước và nước ngoài tập trung vào một số dự án trọng tâm, trọng điểm thuộc các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh: Du lịch, nông nghiệp, công nghiệp,... làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng đã xây dựng chuyên trang tiếng Anh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư; cập nhật công khai bộ thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh. Phối hợp các sở, ban, ngành cập nhật và công khai minh bạch quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; các văn bản, tài liệu hướng dẫn và thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, các thủ tục hành chính về thuế, đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất. Liên kết, mời gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng các sản phẩm, nông sản thực phẩm an toàn về các siêu thị lớn ở Hà Nội và một số thành phố lớn, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc như: Cam sành Hàm Yên, mật ong Phong Thổ, vịt bầu Minh Hương, chè shan tuyết Na Hang, rau an toàn Hồng Thái - Na Hang, miến dong Hợp Thành, thịt trâu khô Tiến Thành, lạc nhân Chiêm Hóa, thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh - Hàm Yên, bưởi ngọt Soi Hà, gạo Minh Hương, bánh gai Chiêm Hóa,…

Trong những tháng còn lại của năm 2019, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; các chính sách nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục thực hiện chương trình mỗi huyện, thành phố phát triển từ một đến hai sản phẩm, mỗi xã một sản phẩm chủ lực, có hiệu quả cao. Chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với một số nông sản. Ðẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên. Thực hiện đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp, dự án lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đề án phát triển chăn nuôi trâu, đề án phát triển thủy sản... Chú trọng phòng, chống, khống chế dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và chủ động phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm.

Quyết liệt trong năm “nước rút” ở Tuyên Quang ảnh 1

Sản xuất giấy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa (Tuyên Quang) tạo việc làm cho gần 1.000 lao động.

Ðồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ. Thực hiện tốt việc tuyên truyền, quảng bá các điểm, cụm, khu du lịch của tỉnh Tuyên Quang; Xây dựng các tua, tuyến du lịch trong tỉnh, các tua du lịch liên kết giữa Tuyên Quang với các tỉnh trong khu vực phía bắc; triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với phát triển du lịch đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bảo đảm tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, có giá trị nổi bật thành các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Tuyên Quang. Phát triển sản phẩm du lịch, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh; đẩy mạnh sản xuất, chế tạo hàng hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên những thế mạnh về tài nguyên và vị trí của Tuyên Quang, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch cả nước và khu vực; tập trung phát triển sản phẩm du lịch homestay trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành và khai thác một số lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút khách du lịch. Ðẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường hợp tác liên kết vùng để phát triển du lịch. Thực hiện thỏa thuận hợp tác chương trình "Hành trình theo dấu chân Bác" đã ký với Nghệ An và các tỉnh phía bắc nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gắn với quê hương và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp các doanh nghiệp lữ hành, nhất là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và khu vực bắc Trung Bộ để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.

Tiếp tục giải quyết vấn đề về đất ở đối với các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang còn thiếu đất; hỗ trợ bổ sung đất sản xuất để giao cho các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang còn thiếu đất sản xuất. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, lâm sản và quản lý đất đai. Ðẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; triển khai các đề tài, dự án khoa học - công nghệ bảo đảm tiến độ. Phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp ở tốp 30 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính về quy trình đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, đăng ký doanh nghiệp; các văn bản, tài liệu hướng dẫn và thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, các thủ tục hành chính về thuế, đất đai, khoa học - công nghệ,… cho doanh nghiệp tại bộ phận giao dịch "một cửa", một cửa liên thông của các sở, ban, ngành liên quan.