Quyết liệt kéo giảm, bình ổn giá thịt lợn

Từ năm 2019 đến nay, số lượng đàn lợn trong nước giảm mạnh do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) làm nguồn cung sụt giảm, giá thịt lợn luôn bị “neo” ở mức cao, dẫn đến ảnh hưởng đời sống người dân, góp phần làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trước tình hình đó, vừa qua, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp với một số bộ, ngành, cơ quan để tìm giải pháp kéo giảm, bình ổn giá thịt lợn trong thời gian tới.

Người dân mua thịt lợn ở chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội). Ảnh NGA ANH
Người dân mua thịt lợn ở chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội). Ảnh NGA ANH

Chuỗi phân phối chưa được quản lý đúng mức

Theo Tổng cục Thống kê, hiện giá lợn hơi ở miền bắc dao động từ 82 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg (giảm 5.000 đến 10 nghìn đồng so tuần đầu tháng 3); giá tại thị trường miền trung và Tây nguyên ổn định, dao động từ 72 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg; giá tại thị trường miền nam dao động từ 75 nghìn đến 81 nghìn đồng/kg (trong đó có tỉnh tăng, tỉnh giảm dao động từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg). Như vậy hai tuần đầu tháng 3, giá lợn hơi đã tăng trở lại trên phạm vi cả nước, sang tuần thứ 3 giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức rất cao so trước khi có DTLCP.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của tình trạng nêu trên do ảnh hưởng của bệnh DTLCP làm cho nguồn cung lợn và thịt lợn sụt giảm; trong đó, nguồn cung lợn giống giảm, giá cao làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Bên cạnh đó, vào tuần đầu tháng 3, do nhu cầu mua hàng từ các thương lái tăng, một số cơ sở chăn nuôi có hiện tượng hạn chế lượng bán ra để chờ giá tăng với lý do lợn thịt chưa đủ trọng lượng xuất chuồng. Phần lớn các lò giết mổ lợn có quy mô nhỏ, không ký hợp đồng mua trực tiếp số lượng lợn lớn từ các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung cho nên phải mua qua các đơn vị mua buôn (các đơn vị này có hợp đồng mua khối lượng lớn từ các công ty chăn nuôi), sau đó giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, do tập quán ưa thích tiêu dùng thịt lợn “nóng” của người dân, cho nên đang tồn tại thực trạng có nhiều cấp trung gian thu mua và giết mổ lợn nằm rải rác tại các địa phương để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh. Bộ Tài chính nhận định, giá thịt lợn cao như hiện nay chính là do chuỗi phân phối chưa được quản lý đúng mức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, từ giữa năm 2019 là thời điểm bắt đầu tái đàn sau DTLCP thì theo chu kỳ sinh học, sau 5 đến 7 tháng, đến tháng 1 vừa qua mới có sản phẩm thịt lợn tái đàn, tăng đàn ở các hộ chăn nuôi lớn, hộ gia đình ở các địa phương không xảy ra dịch. Đến nay, tổng đàn trên cả nước đã tăng thêm khoảng hai triệu con; ước tính năm nay cả nước sẽ có khoảng 3,9 triệu tấn thịt lợn. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, dự kiến hết quý II đầu quý III năm 2020 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bộ Công thương cho rằng, bản chất của giá thịt lợn là ở vấn đề cung - cầu, nhìn vào các số liệu thống kê là thấy rõ cung - cầu có độ vênh, cho nên chỉ có cách tăng đàn và nhập khẩu thịt lợn.

Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương, các DN tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; họp nhiều lần với các DN chăn nuôi lớn, điển hình như C.P Việt Nam, Dabaco... để chỉ đạo tăng đàn, giảm giá bán thịt lợn. Theo đánh giá, nhiều DN lớn nghiêm túc giảm giá thịt lợn nhưng các DN khác chưa nghiêm túc trong vấn đề này. Đối với nhập khẩu thịt lợn, theo Bộ NN và PTNT, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã nhập khẩu 25.291 tấn từ Ca-na-đa, Đức, Bra-xin, Mỹ, Ba Lan, tăng 25% so cùng kỳ năm trước. Hiện, Bộ đang nỗ lực để tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ Nga (Tập đoàn Miratorg) và đến nay đã có hơn 3.465 tấn thịt, trong đó có 1.500 tấn đang cập các cảng TP Hồ Chí Minh, còn 1.900 tấn thịt đang trên đường về.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Trong nỗ lực bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ người chăn nuôi, nhằm giảm khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất. Cơ quan thuế các cấp đang thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của DN. Để việc bình ổn giá thịt lợn hiệu quả, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ NN và PTNT: chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực trong công tác phòng, chống DTLCP; kết hợp tăng cường tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học, đẩy mạnh sản xuất con giống nhằm bảo đảm nguồn cung cho việc tái đàn. Tiếp tục phối hợp Bộ Công thương triển khai giải pháp nhập khẩu thịt lợn bảo đảm tổng số lượng nhập khẩu theo chủ trương khoảng 100 nghìn tấn để góp phần điều hòa cung - cầu trong nước, làm giảm giá thịt lợn tiêu dùng. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc, giám sát chặt chẽ và hạn chế việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép sang nước láng giềng nhằm vừa giữ đuợc nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

Tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm giảm áp lực cho nguồn cung trong nước. Các địa phương định hướng cho các DN chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nhập khẩu, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tăng cường hoàn thiện vai trò và nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng như thuế, quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng cần có giải pháp chống việc xuất lậu thịt lợn.

Bộ NN và PTNT đề xuất tiếp tục phối hợp UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền quyết liệt phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn sinh học, các DN tăng cường nhân giống... để trước mắt nỗ lực giảm giá thịt lợn hơi xuống còn 70 nghìn đồng, sau là 60 nghìn đồng/kg, từ quý III giảm hơn nữa để góp phần bảo đảm kiểm soát CPI. Bộ Công thương phối hợp để có nguồn cung bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, kiểm soát chuỗi cung ứng thịt lợn, giá thịt lợn trên thị trường. Các tổ chức tín dụng ưu tiên cấp vốn cho các hộ chăn nuôi. Bộ cũng đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ làm việc với các DN chăn nuôi lớn để nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp cần thiết.

Trước việc Bộ Công thương và Bộ NN và PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá theo Luật Giá, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc này chưa cần thiết bởi vấn đề ở đây là cung - cầu. Giá thịt lợn cao quá thì ảnh hưởng CPI, không phản ánh đúng về kinh tế. Do đó, cần có chính sách để bình ổn giá thịt lợn; có các chính sách khuyến khích các DN và người chăn nuôi phát triển đàn lợn. Đây mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần động viên các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ tái đàn. Nếu có sự hỗ trợ thì việc tái đàn rất nhanh. Đây là biện pháp cơ bản nhất, đáp ứng yêu cầu bình ổn giá cả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Việc nhập khẩu thịt lợn cần tính toán như giải pháp trong ngắn hạn và phải linh hoạt. Cùng với đó, cần khuyến khích người dân dùng các thực phẩm khác thay thế để giảm bớt tỷ lệ thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn.

Bộ Công thương cho rằng, tập trung tái đàn bền vững là giải pháp căn cơ. Về nhập khẩu, cần linh hoạt tùy theo tình hình các thị trường. Tăng cường chế biến thịt thành các sản phẩm chế biến sẵn. Thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các DN chăn nuôi lợn có thị phần lớn về việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ NN và PTNT trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn; đồng thời tăng cường truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, để góp phần hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã có các giải pháp thiết thực như giảm lãi suất khoản vay mới; miễn giảm lãi suất các khoản vay cũ; kéo giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... qua đó cũng góp phần hỗ trợ các DN, hộ sản xuất nông nghiệp nói chung, hộ chăn nuôi lợn nói riêng vượt qua khó khăn.

Trong phần kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực kéo giảm giá lợn hơi xuống còn 60 nghìn đồng/kg ngay trong tháng 4 tới. Theo người đứng đầu Chính phủ, không thể chấp nhận chuyện giá thành chăn nuôi lợn chỉ ở mức 35 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg mà giá lợn hơi lại quá cao như hiện nay. Thực tế cho thấy, không phải người chăn nuôi mà chính là khâu trung gian hưởng lợi lớn từ việc giá thịt lợn tăng cao thời gian qua. Do đó, Thủ tướng khẳng định rằng, nếu các DN không chịu giảm giá thịt lợn xuống, Chính phủ sẽ tiếp tục nhập khẩu lượng lớn thịt lợn để góp phần đưa giá thịt xuống; yêu cầu các bộ, ngành, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, làm rõ giá thành chăn nuôi; kiên quyết không thể chấp nhận tình trạng thao túng giá thịt lợn.