Quản lý, điều hành giá trong điều kiện mới

Năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tăng 3,23%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4%), lạm phát tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, theo dự báo, thị trường, giá cả ở Việt Nam thời gian tới có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Để đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong điều kiện mới, năm 2021, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2021, thị trường, giá cả ở Việt Nam có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Đáng lưu ý nhất là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Đồng thời, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp (nhất là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết và bão lũ cực đoan...) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân... Tuy nhiên, theo PGS, TS Nguyễn Bá Minh (Bộ Tài chính), vẫn có những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI, vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,2% đến 3,8%.
 
 Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nhận định, bước vào năm 2021, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, thị trường hàng hóa có xu hướng tăng giá dựa trên triển vọng đồng đô-la Mỹ sẽ tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh hơn nữa. Các mặt hàng tăng giá tập trung vào sản phẩm nông nghiệp và các kim loại cơ bản do nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh thời tiết bất lợi và nhu cầu về kim loại lớn hơn từ Trung Quốc khi các biện pháp kích thích kinh tế triển khai tại Trung Quốc. Những vấn đề này sẽ tác động đến tình hình trong nước, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021 cần thực hiện một cách chủ động, thận trọng và linh hoạt, trong đó cần phát huy các bài học kinh nghiệm trong điều hành giá năm 2020. Năm qua, công tác quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai trên quan điểm thận trọng, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm được sự hài hòa của các mục tiêu chung. Đáng lưu ý là trong giai đoạn dịch bệnh, giá nhiều mặt hàng trong danh mục Nhà nước định giá cũng được xem xét giảm giá như dịch vụ hàng không; hay các dịch vụ tài chính, chứng khoán đều được giảm, miễn với thời gian dài, góp phần ổn định mặt bằng giá tiêu dùng.
 
 Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%. Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2021, bên cạnh tác động từ diễn biến trên thị trường thế giới, áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhưng không điều chỉnh tăng giá trong năm 2020; biến động của giá nhiên liệu (xăng dầu, LPG) trên thị trường thế giới; tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu; tình hình rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng trong năm... Ở chiều ngược lại, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19, đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn cho nên nhìn chung mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động lớn.
 
 Để đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện mới, năm 2021, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Theo Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong đó, tập trung theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao có tính mùa vụ để hạn chế tăng giá ngay từ đầu năm. Tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản và điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
 
 Ngoài ra, cần tập trung kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với mặt hàng bình ổn giá; các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, các mặt hàng kê khai giá... Đặc biệt, đối với các thị trường cốt lõi như tài chính - tiền tệ, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải bám sát diễn biến trong nước và ngoài nước để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.