Phát triển nuôi trồng thủy sản vùng Nam Trung Bộ

Khu vực miền trung có diện tích nuôi trồng thủy sản hàng chục nghìn héc-ta với điều kiện nuôi được thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định). Riêng tại ba tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt hơn 9.500 ha...

Hệ thống lồng nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Yến, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: TRọng Ðạt (TTXVN)
Hệ thống lồng nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Yến, huyện Tuy An (Phú Yên). Ảnh: TRọng Ðạt (TTXVN)

BÀI 1: Vùng sản xuất giống thủy sản lớn nhất cả nước

Với đặc thù địa lý, khí hậu cũng như có những cơ chế phát triển riêng, tại các tỉnh Nam Trung Bộ đang hình thành những vùng nuôi chuyên canh lớn. Nếu như Phú Yên mạnh về nuôi biển, thì Bình Ðịnh và Khánh Hòa lại trở thành trung tâm cung cấp giống thủy, hải sản hàng đầu cả nước, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế biển miền trung...

Thủ phủ tôm hùm

Sau khi hai trận bão số 5 và số 6 tràn qua, chúng tôi đặt chân đến thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, địa phương phát triển mạnh về nghề nuôi biển. Cơn bão số 5 đã gây thiệt hại khá nặng nề cho người nuôi trồng thủy sản với hàng trăm héc-ta ao nuôi bị ngập, vật nuôi chết hoặc thất thoát. Chỉ tính riêng tôm hùm nuôi, Sông Cầu được mệnh danh là “thủ phủ tôm hùm” của cả nước, sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản, toàn thị xã hiện có khoảng 600 ha ao, đìa; sản lượng thủy sản nuôi đạt hơn 2.300 tấn và tôm hùm vẫn là một trong những vật nuôi chủ lực với sản lượng đạt 1.200 tấn/năm. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu Hải Anh, cho biết: Toàn thị xã hiện có 3.794 hộ nuôi lồng bè với 1.921 bè nổi, trong đó vịnh Xuân Ðài chiếm hai phần ba số hộ. Ðến nay, tất cả sáu xã, phường đều nuôi tôm hùm với tổng diện tích mặt nước biển sử dụng nuôi trồng thủy sản hơn 980 ha.

Thăm hộ gia đình chuyên nuôi tôm hùm của ông Bùi Văn Khỏe, khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, vịnh Xuân Ðài, được biết ông Khỏe nuôi tôm hùm từ cách đây gần 10 năm, nhưng chỉ từ năm 2017 mới thật sự đầu tư mạnh. Nhà ông hiện có 100 lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Ðài, mỗi lồng nuôi khoảng 200 con tôm hùm xanh và 50 con tôm hùm bông, sau khi trừ đi các chi phí, hộ nuôi lãi 400 đến 500 triệu đồng/năm. Có thể nói, những hiệu ứng tích cực từ nuôi trồng thủy sản đã tác động lớn đến đời sống của ngư dân vùng vịnh Xuân Ðài.

Theo quy hoạch của Phú Yên, đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản mặt nước biển của tỉnh khoảng 1.650 ha, với khoảng 100 nghìn lồng bè, tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An; sản lượng cá biển khoảng 1.000 tấn và tôm hùm nuôi khoảng 950 tấn. Cùng với Nha Trang (Khánh Hòa), đây sẽ là hai trung tâm có đủ năng lực để cung ứng tôm hùm thành phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác.

Hình thành các trung tâm giống chất lượng cao

Một trong những điểm nhấn của khu vực Nam Trung Bộ là nơi đây đang trở thành những trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống lớn nhất của cả nước. Tại Khánh Hòa, Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Võ Khắc Én, cho biết: Khánh Hòa luôn được xem là cái nôi sản xuất giống thủy sản, trên địa bàn có nhiều cơ sở, viện nghiên cứu, trường đại học, là một trong những nơi nghiên cứu, tạo giống tốt nhất cả nước. Tỉnh sản xuất được nhiều chủng loại như tôm sú, tôm chân trắng, cá biển (cá bớp, cá chim trắng, cá bè, cá mú...); nhuyễn thể (ốc hương, ngao hai cồi, tu hài), cua biển cho nên khả năng cung ứng giống thủy sản rất tốt. Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa cung cấp cho nhu cầu của địa phương và xuất đi các tỉnh, thành phố như: Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Hà Nội, Nam Ðịnh, Quảng Ninh… Cả tỉnh có 427 cơ sở chuyên sản xuất con giống thủy, hải sản, tổng sản lượng sản xuất dự kiến 9,5 tỷ con. Trong đó, có 75 cơ sở sản xuất tôm giống, 330 cơ sở sản xuất giống các loại nhuyễn thể, còn lại là cơ sở sản xuất giống cá biển và giống cá nước ngọt.

Tại Bình Ðịnh, những năm gần đây, hoạt động sản xuất giống, nhất là giống tôm nước mặn và nước lợ cũng phát triển. Chúng tôi có dịp thăm Công ty giống Việt Úc Bình Ðịnh đóng tại thôn Xuân Thạnh Nam, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ chuyên về sản xuất giống tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích khoảng 20 ha. Ðây là một trong hai công ty 100% vốn nước ngoài đầu tư sản xuất, sản lượng giống cung cấp hằng năm khoảng sáu tỷ con cho Bình Ðịnh và nhiều địa phương trong cả nước.

Kỹ sư Phan Thanh Tịnh, phụ trách sản xuất công ty dẫn chúng tôi xuống khu vực phòng thí nghiệm, khu nuôi trồng thử nghiệm trong khuôn viên rộng chừng 8 ha cho biết: đơn vị đi vào hoạt động từ năm 2005 và mỗi năm có thể cung ứng ra thị trường khoảng sáu tỷ con tôm giống cho cả nuôi nước lợ và nước biển. Dây chuyền và quy trình của doanh nghiệp rất ưu việt trong khâu xử lý nước và nguồn giống. Ðơn vị đang hợp tác với Công ty CSIRO của Ô-xtrây-li-a để được cung cấp tôm giống bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Chính nhờ nguồn giống có chất lượng cao, sạch bệnh, con giống có sức đề kháng tốt với môi trường so với các loại giống trôi nổi khác và có năng suất cao cho nên quy trình nuôi rút ngắn, sản lượng cao.

Ðể bảo đảm hiệu quả, chất lượng con giống, ngành chức năng các tỉnh Nam Trung Bộ đã xây dựng kế hoạch giám sát các cơ sở sản xuất giống, quản lý tốt con giống từ khâu sản xuất, kiểm dịch đến cung ứng cho người nuôi, nhất là đối với lượng giống thủy sản nhập khẩu, nhằm ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra. Ðồng thời, ngành thủy sản khuyến cáo người dân cần lựa chọn các cơ sở uy tín, được xác nhận về kiểm dịch. Hiện các cơ quan chức năng của Khánh Hòa gấp rút xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư để các doanh nghiệp thực hiện những dự án sản xuất giống thủy sản với quy mô lớn ở Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, trước là để bảo đảm nguồn cung, sau là để hình thành trung tâm sản xuất giống quy mô lớn trong vài năm tới…

(Còn nữa)