Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới Ðông Nam Bộ

(Tiếp theo và hết) (★)

 

Bài 2: Vì một đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển

Chúng tôi có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) vào thời điểm giữa tháng 9. Lúc này, các lực lượng bộ đội biên phòng (BÐBP), hải quan, nhân viên y tế tại cửa khẩu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 nơi biên giới.

Nông trường khóm huyện biên giới Tân Châu (Tây Ninh) trồng dứa Cayen xuất khẩu.
Nông trường khóm huyện biên giới Tân Châu (Tây Ninh) trồng dứa Cayen xuất khẩu.

Chú trọng phòng, chống dịch bệnh

Thượng tá Bùi Mạnh Lịch, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho biết: "Ðảng ủy Ðồn đã ra nghị quyết lãnh đạo đơn vị sử dụng các biện pháp công tác biên phòng, chú trọng nắm tình hình từ xa, triển khai công tác phòng, chống tội phạm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, chú trọng vào tội phạm ma túy. Cụ thể, Ðồn đã phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển ma túy, buôn lậu thuốc lá và nhiều vụ trộm cắp xe máy không rõ nguồn gốc qua Cam-pu-chia tiêu thụ. Ðể có một vùng biên giới bình yên, các đơn vị chức năng của BÐBP, công an, quân sự tại các tỉnh miền Ðông Nam Bộ tiếp giáp biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia đã phối hợp triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, mở các đợt cao điểm đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm qua biên giới, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị, không để hình thành điểm nóng, phức tạp. Ðại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BÐBP Tây Ninh cho biết thêm, trong nội địa và vùng giáp biên, lực lượng BÐBP đẩy mạnh hoạt động tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể đã giới thiệu 165 đảng viên Ðồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại 90 trong số 120 chi bộ ấp trực thuộc Ðảng ủy các xã biên giới.

Ngay khi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 xâm nhập từ biên giới, chỉ trong vòng một tuần, hàng chục đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã cấp tốc hoàn thiện công trình thắp sáng 23 km đường tuần tra biên giới tại huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh). Chỉ hơn một tuần, toàn bộ các tuyến đường đã được thắp sáng. Công trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ biên phòng thực hiện tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tây Ninh nằm trong số 12 tỉnh, thành phố trong nhóm nguy cơ cao, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài tuyến biên giới rất lớn. Do đó, việc tuần tra, kiểm soát an ninh, ngăn chặn dịch bệnh ở những vị trí vùng biên này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Không chỉ dừng lại ở 23 km này, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục vận động kêu gọi các cấp bộ đoàn, nhà hảo tâm chung tay nối dài những ánh đèn thắp sáng đường tuần tra biên giới".

Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, đồng thời duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Cam-pu-chia, nhân các ngày lễ, Tết cổ truyền của hai dân tộc, BÐBP các tỉnh miền Ðông Nam Bộ phối hợp Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh, tặng quà nhân dân, thân nhân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Cam-pu-chia. BÐBP Bình Phước hiện đang nhận đỡ đầu chín học sinh người Cam-pu-chia có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em được nhận 500 nghìn đồng/tháng. Ngay trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tây Ninh), Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã trao trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 tặng các Quân khu 1, 2, 3, 4 và Sư đoàn 2 thuộc Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia, gồm 50 nghìn khẩu trang, 1.000 lít dung dịch sát khuẩn tay, 1.000 bộ bảo hộ y tế, 200 kg clo-ra-min giúp quân đội bạn.

Tạo hành lang phát triển kinh tế

Cuối năm 2019, cư dân hai bên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia vui mừng đón nhận sự kiện khánh thành ngôi chợ biên giới kiểu mẫu (chợ Ða) tại xã Ða, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum, Cam-pu-chia, giáp cửa khẩu Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh). Khu chợ Ða được xây dựng trên diện tích gần hai ha với số vốn hơn 2 triệu USD, là viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, chợ Ða là nơi trao đổi, mua bán và trung chuyển hàng hóa sản xuất tại các địa phương của Việt Nam và Cam-pu-chia. Theo thống kê, năm 2019, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục tăng cao. Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tài trợ vốn để xây dựng chợ Ða, mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước, nhất là người dân sinh sống tại khu vực biên giới; khẳng định, chợ biên giới được khánh thành sẽ tạo điều kiện cho người dân hai bên trao đổi hàng hóa, thúc đẩy thương mại phát triển. Công trình này sẽ góp phần đưa kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt năm tỷ USD và nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nêu rõ, việc khánh thành khu chợ biên giới kiểu mẫu này được nhân dân hai nước mong đợi từ lâu, là biểu tượng tốt đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị, tạo động lực mới cho việc phát triển thương mại trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, góp phần kết nối nền kinh tế của hai quốc gia.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Tây Ninh nhận định, mặc dù năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biên giới bị hạn chế, hàng hóa bị ùn ứ, kinh tế biên mậu chậm lại đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh chậm lại song mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Ðồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: "Tỉnh đã đánh giá rất sâu những mặt còn hạn chế, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, để nhận định đúng về những yếu kém và từ đó có những giải pháp khắc phục. Ðáng chú ý, tại địa bàn biên giới, kinh tế cửa khẩu, hoạt động biên mậu khai thác chưa hiệu quả. Trong 5 năm tới, Tây Ninh sẽ phấn đấu phát triển kinh tế thành một cực tăng trưởng mới năng động của nền kinh tế phía nam. Ðể đạt được thành tựu đó, tỉnh chú trọng tiếp tục triển khai thực hiện bốn đột phá chiến lược: đẩy mạnh đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; thực hiện đột phá về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; đột phá chiến lược trong phát triển du lịch, trong đó lấy trọng tâm là phát triển du lịch núi Bà Ðen, không chỉ đưa núi Bà Ðen là nơi du lịch mang tầm quốc gia mà còn mang tầm khu vực; tiếp tục đẩy mạnh đột phá về cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bốn đột phá này sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Và đặc biệt, tỉnh sẽ phối hợp các bộ, ngành chức năng và TP Hồ Chí Minh để sớm hiện thực hóa cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Ðây có thể nói là xương sống thúc đẩy tạo động lực mới không chỉ của Tây Ninh mà còn là liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế đối ngoại khu vực và quốc gia. Ðồng thời sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác với các tỉnh trong khu vực, vùng kinh tế trọng điểm, nhất là TP Hồ Chí Minh".

Minh chứng cho quyết tâm thu hút đầu tư và giảm chênh lệch phát triển giữa đô thị với vùng biên, trong năm 2019, Tây Ninh liên tục khánh thành trang trại bò sữa Vinamilk tại xã biên giới Long Khánh, huyện Bến Cầu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng đàn 8.000 con và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến rau quả Tanifood tại huyện Gò Dầu với tổng mức đầu tư 1.820 tỷ đồng, công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, đời sống nhân dân vùng biên giới tăng rõ rệt. Ðến năm 2020, Tây Ninh có 45 trong số 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Tây Ninh thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra (hơn 10 nghìn tỷ đồng). Từ thành công trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống giao thông liên vùng, việc cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp người nông dân vùng biên giải phóng rất nhiều sức lao động, nâng cao mức thu nhập, nâng cao sức khỏe, giảm lãng phí sau thu hoạch. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đất trồng trọt đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 15,7% so với năm 2016.

Trong khi đó, để tạo cú huých cho sự phát triển kinh tế khu vực biên giới, thời gian qua, tỉnh Bình Phước quy hoạch, triển khai nhiều dự án trọng điểm, đó là Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, dự án điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh, khu di tích kết hợp du lịch sinh thái Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết... Hạ tầng giao thông cũng được đầu tư hoàn thiện về đến tận trung tâm các xã biên giới với các trục chính như: quốc lộ 13 kết nối TP Hồ Chí Minh, Bình Dương về đến cửa khẩu Hoa Lư; đường tỉnh 741 kết nối Bình Dương, Bình Phước và cửa khẩu Hoàng Diệu... Mới đây, Bình Phước được phê duyệt một số tuyến cao tốc kết nối vùng Ðông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng mang tính kết nối vùng được triển khai, nhất là kết nối, liên thông về hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics, thúc đẩy các khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, các dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) - Tây Nguyên, dự án đường sắt Dĩ An (Bình Dương) - Hoa Lư (Bình Phước)… sẽ trực tiếp mở ra hành lang phát triển công nghiệp, đô thị mang tầm quốc gia và khu vực. Cái đích hướng tới là hình thành không gian phát triển mới, phá thế "độc đạo" của địa phương, tạo hành lang phát triển, nhất là hình thành trục động lực cụm ngành về hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, đô thị với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bình Phước, từ đó làm giảm sự chênh lệch phát triển giữa đô thị và vùng biên giới.

---------------------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 1-10-2020.