Phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh miền núi phía bắc

Để phát triển rừng bền vững cần thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, để không mảnh rừng nào không có chủ; có các chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm, quyền lợi kinh tế của  chủ rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời cần đẩy mạnh  liên kết trong sản xuất, khai thác, chế biến  để đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ rừng. 

Lực lượng kiểm lâm và cán bộ địa phương khảo sát năng suất rừng trồng tại huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: VĂN THÔNG
Lực lượng kiểm lâm và cán bộ địa phương khảo sát năng suất rừng trồng tại huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: VĂN THÔNG

Bài 2: Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng

Tăng cường liên kết 

Phát triển rừng trồng có vai trò quan trọng đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Đến nay, sản lượng nguồn gỗ rừng trồng trong nước khai thác hằng năm đạt khoảng 16 triệu m3 quy tròn, trong đó có đóng góp lớn của gỗ rừng trồng các tỉnh miền núi phía bắc. 

Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên Vũ Văn Phán, để phát triển kinh tế rừng, bảo đảm nguyên liệu phục vụ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, Thái Nguyên có chính sách bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; sử dụng tài nguyên rừng và quỹ đất quy hoạch cho lâm nghiệp hiệu quả, bền vững. Nắm bắt được xu hướng thị trường cho thấy, nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đòi hỏi chặt chẽ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, ngành gỗ, các địa phương có rừng cần xây dựng hiệu quả các mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó tập trung trồng rừng gỗ cung cấp nguyên liệu có chất lượng và giá trị cao cho chế biến lâm sản.

Với việc phát triển các mô hình hợp tác giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ, thời gian gần đây, thu nhập từ kinh tế rừng của các hộ dân tại tỉnh Tuyên Quang được nâng cao. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại huyện Yên Sơn với tổng diện tích hơn 28 ha, công suất thiết kế 150.000 m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm: ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất từ gỗ rừng trồng, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động. Công ty chủ động hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã và hơn 600 hộ trồng rừng sản xuất nguyên liệu và được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản lý rừng thế giới) với hơn 1.450 ha tại huyện Yên Sơn. Năm 2019, công ty xuất khẩu sang thị trường Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ, Ca-na-đa, Nga, Nhật Bản đạt giá trị 2.500 tỷ đồng.

Còn tại Bắc Kạn, tỉnh xác định tổ chức tốt các mô hình liên kết sẽ thúc đẩy thu nhập ổn định, bền vững từ kinh tế rừng. Một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra vùng nguyên liệu gỗ có giá trị kinh tế cao chính là việc nâng cao chất lượng giống cây trồng. Do vậy, trước hết các doanh nghiệp, các trung tâm giống cây trồng lâm nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nông dân để cung cấp giống cây rừng có chất lượng. Đồng thời, nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng giống cây, phù hợp địa hình các tỉnh miền núi, bảo đảm nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngay từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn đã tập trung phát triển nguyên liệu gỗ có chất lượng phục vụ nhu cầu  của thị trường với diện tích hơn 17.000 ha cây gỗ lớn các loại, trong đó chủ yếu là mỡ, lát, thông, xoan, quế… Để cung cấp giống cây trồng chất lượng cao, tỉnh đã thành lập ban quản lý chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững ở các địa phương, một mặt hỗ trợ người dân trồng rừng tập trung bảo đảm quy hoạch, mặt khác hỗ trợ và kiểm soát tốt giống cây trồng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thị trường. 

Trong khi đó, HĐND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết  về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ đó đã thu hút được một số doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất ván MDF vào đầu tư trên địa bàn như: Nhà máy MDF Vinafor - Tân An, công suất thiết kế 54.000 m3 ván MDF và 2.000 m3 ván ghép thanh /năm; Nhà máy MDF Phú Thành, huyện Lạc Thủy, công suất thiết kế 40.000 m3 ván MDF/năm; Nhà máy BWG Mai Châu… Đây là những tiền đề để quy hoạch vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản với thị trường tiêu thụ sản xuất hàng hóa. Ngoài các nhà máy chế biến lớn, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến khác còn có 172 cơ sở của hộ gia đình, cá nhân nằm trên địa bàn 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, Hòa Bình đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu. Qua đó giảm dần việc bán nguyên liệu thô và các sản phẩm sơ chế như nguyên liệu giấy, dăm gỗ. Bên cạnh đó quy hoạch, bố trí vùng nguyên liệu cho các trung tâm chế biến lớn, gắn trồng rừng với khai thác - chế biến lâm sản - thị trường tiêu thụ. 

Hình thức liên kết và tổ chức thành nhóm hộ trồng rừng có quy định rõ ràng, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao giữa các hộ thành viên nhóm, đang phát triển khá mạnh tại một số địa phương của tỉnh Cao Bằng. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đặng Hùng Chương, để duy trì nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp ổn định, mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và các hộ gia đình trồng rừng tại địa phương đã được hình thành và đang trên đà phát triển. Chính sự hỗ trợ lẫn nhau đã giúp các bên tham gia mô hình giảm được các áp lực bên ngoài, tăng khả năng cạnh tranh, đầu tư hiệu quả hơn, tạo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội và nền kinh tế. Chính quyền xúc tiến nhanh việc xác nhận tính hợp pháp của đất trồng rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, giúp giảm những bất đồng, tranh chấp giữa các thành viên trong cộng đồng và tạo tâm lý yên tâm đầu tư vào sản xuất của các hộ dân…

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chính sách rừng đóng góp vai trò hết sức quan trọng. Nhà nước cần xây dựng một hành lang pháp lý bảo đảm cuộc sống cho người làm nghề rừng, từ đó giúp họ gắn bó với rừng, tự chủ trong quản lý rừng và luôn có ý thức thúc đẩy kinh tế rừng phát triển. Bên cạnh đó, cần sửa đổi và hoàn thiện chính sách giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp. Ưu tiên giao, khoán rừng phòng hộ cho các cộng đồng, tổ chức kinh tế, hộ gia đình để quản lý bảo vệ và hưởng lợi lâu dài theo quy hoạch, kế hoạch đã duyệt. Tạo thuận lợi cho người được giao, khoán đất và rừng thực hiện quyền sử dụng đất, sử dụng và sở hữu rừng theo quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hàng hóa. Khuyến khích tích tụ đất đai để tạo ra các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung bằng các hình thức, các hộ gia đình, tổ chức kinh tế và cá nhân cho thuê hoặc góp cổ phần bằng quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. 

Theo Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng, do đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng, góp phần tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân ở những khu vực có loại rừng này. Thời gian tới, cần tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng; hoàn thiện quy chế quản lý rừng và cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế; xây dựng cơ sở pháp lý để các thành phần kinh tế được giao, được thuê rừng đặc dụng sử dụng trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Khẩn trương đẩy mạnh rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không hiệu quả. Các phong tục và tập tục tốt của các điạ phương cần được xem xét nghiên cứu, hoàn thiện đưa vào xây dựng các quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền cấp huyện và xã. Quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thừa hành pháp luật và thôn, xã nếu để mất rừng, phá rừng ở địa phương. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật.

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng Hoàng Thị Duyên cho rằng, thay đổi, bổ sung chính sách về rừng để nâng cao đời sống cho người dân và nâng cao hiệu quả quản lý rừng là giải pháp quan trọng nhất. Đối với rừng phòng hộ, cần quy hoạch và phát triển nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng hộ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì sự cân bằng ổn định về môi trường đất (chống xói mòn, sa mạc hóa, tồn dư hóa chất độc hại), môi trường nước và khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo đảm cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Đối với rừng sản xuất, quy hoạch và có kế hoạch phát triển theo chiều sâu, tạo các vùng nguyên liệu tập trung, theo hướng thâm canh; quy mô vừa và lớn nhằm bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và tăng hiệu quả sử dụng đất, coi trọng năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển mạnh trồng cây gây rừng để đáp ứng kịp thời, tại chỗ và có hiệu quả các nhu cầu gỗ gia dụng và củi cho nhân dân. Đẩy mạnh gây trồng, phát triển lâm sản ngoài gỗ (mây, tre, dược liệu...) để đáp ứng các nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, có sức cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng  sẽ góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ dân có rừng tại các tỉnh miền núi phía bắc còn nhiều khó khăn.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 29-9-2020.