Phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh miền núi phía bắc

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Nhằm bảo đảm chiến lược phát triển rừng bền vững, các tỉnh miền núi phía bắc từ chỗ chủ yếu dựa vào khai thác, sử dụng rừng tự nhiên nay chuyển sang quản lý rừng tự nhiên, trồng mới và khai thác hiệu quả rừng sản xuất. Có thể nói, phát triển kinh tế rừng đang là một hướng đi đúng đắn của nhiều địa phương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh, phường Châu Sơn, TP Sông Công (Thái Nguyên) trồng cây ba kích dưới tán lá rừng cho thu nhập cao.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chỉnh, phường Châu Sơn, TP Sông Công (Thái Nguyên) trồng cây ba kích dưới tán lá rừng cho thu nhập cao.

Bài 1: Ðẩy mạnh quản lý, phát triển rừng

Tại các tỉnh miền núi, kinh tế rừng chiếm vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, nhất là ở những địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Cũng nhờ đó, người dân ngày càng gắn bó với rừng, chung tay bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Làm giàu từ rừng

Ðưa chúng tôi đến thăm các hộ gia đình có thu nhập cao từ trồng cây dược liệu dưới tán lá rừng trồng nhận khoán, Hạt trưởng Kiểm lâm Sông Công (Thái Nguyên) Nguyễn Ngọc Huân cho biết, hiện các hộ có rừng tại TP Sông Công đang thực hiện dự án trồng thâm canh cây ba kích tím dược liệu tại các khu rừng. Dự án được thực hiện tại bốn xã thông qua việc áp dụng các quy trình trồng thâm canh tiên tiến, bao gồm từ khâu chuẩn bị đất trồng, lựa chọn thời vụ, lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc và khai thác, sơ chế bảo quản sau khai thác. Với thu nhập khoảng 330 triệu đồng/ha năm, nếu so sánh với việc trồng các loại cây khác thì cây ba kích tím cho thu nhập hơn từ 8 đến 10 lần. Thông qua dự án, tỉnh sẽ tạo được điều kiện về cây giống, khoa học kỹ thuật để người dân có khả năng phát triển ổn định loại cây dược liệu này trong thời gian tới.

Cũng tại tỉnh Thái Nguyên, một số hộ gia đình ở xã Tân Hòa, huyện Phú Bình có thu nhập cao nhờ nuôi gà dưới tán rừng. Gia đình anh Phạm Văn Vượng ở thôn Giàn đang trở thành gương làm giàu tiêu biểu của địa phương nhờ nuôi gà trong rừng nhận khoán. Dưới tán lá rừng keo tai tượng rộng hơn 1 ha, gia đình anh chăn thả hơn 2.000 con gà các loại. Anh Vượng cho biết, gia đình anh có doanh thu từ chăn nuôi gà bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Với giá gà bán buôn hằng năm từ 30 đến 40 triệu đồng/1.000 con, mỗi năm gia đình nuôi khoảng ba lứa, tổng cộng 6.000 con. Nuôi gà dưới tán lá rừng được lợi hơn nuôi trong chuồng trại do điều kiện sống thoáng mát, gà khỏe mạnh, ít dịch bệnh, phân gà được sử dụng bón cây rừng. Nhờ phân bón hữu cơ, diện tích keo của gia đình phát triển nhanh, chỉ sau từ năm đến bảy năm cây keo đã cho thu hoạch. Thu nhập từ rừng trồng sản xuất đạt khoảng 400 triệu đồng /vụ. Có thể nói, thu nhập từ trồng rừng, chăn nuôi gà, lợn, cá đã giúp nhiều gia đình nông dân vùng cao xây dựng nhà ở khang trang, sắm được ô-tô, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng no ấm. Nói về thu nhập từ nghề tăng gia thêm dưới tán lá rừng nhận khoán của thôn mình, Trưởng thôn Giàn Hoàng Văn Hải chia sẻ: "Hiện toàn thôn có 168 hộ, sống chủ yếu nhờ trồng rừng, bình quân mỗi hộ nhận khoán khoảng 0,5 ha rừng sản xuất. Thôn có 80 hộ chăn nuôi gà đồi dưới tán lá rừng. Ðây là nghề ổn định, cho thu nhập tốt. Gà đồi của xã Tân Hòa nói riêng và huyện Phú Bình nói chung đã nổi tiếng nhiều năm. Chính quyền địa phương đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ðây là một việc làm quan trọng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững".

Tại tỉnh Hòa Bình, An Bình là xã vùng sâu của huyện Lạc Thủy, điều kiện phát triển kinh tế tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm gần đây người dân trong xã đã vận dụng chăn nuôi và trồng cây dược liệu dưới tán rừng để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2016, Tổ hợp tác nuôi gà Lạc Thủy được hình thành, gồm bảy thành viên với mục đích hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng trọt và chăn nuôi, đến nay đã phát triển thành Hợp tác xã Hải Ðăng gồm 65 thành viên. Trong thời gian qua, Hợp tác xã Hải Ðăng đã nuôi nhiều đàn gà dưới tán rừng và mang lại hiệu quả cao, mở ra một hướng đi mới cho người dân trong vùng. Nhiều gia đình đã trở nên giàu có, điển hình là gia đình chị Trần Thị Thắm có hơn 6 ha rừng keo, dưới tán rừng là trang trại gà sạch 13 nghìn con các loại, từ gà đẻ trứng, gà thịt, gà hậu bị... Chị Thắm cho biết, nhờ vận dụng nuôi gà sạch dưới tán rừng, từ năm 2016 đến nay, gia đình đã có cuộc sống khá giả. Một năm trừ chi phí cho lợi nhuận từ 500 đến 600 triệu đồng. Ngoài ra, trồng cây xạ đen làm dược liệu cũng cho chị thu nhập thêm hơn 30 triệu đồng...

Ðến tỉnh Cao Bằng, Thạch An là huyện biên giới vùng cao có diện tích rừng và đất rừng chiếm hơn 90% diện tích canh tác. Toàn huyện có gần 40 nghìn người, gồm sáu dân tộc anh em Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Kinh, Hoa cùng sinh sống. Anh Triệu Văn Ta, thôn Nà Vai, xã Kim Ðồng cho biết, Nà Vai là quê hương của cây đặc sản thạch đen nổi tiếng. Tận dụng những bãi đất trống, độ ẩm cao không thích hợp với cây rừng, gia đình anh trồng cây thạch đen. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện và xã, mở rộng diện tích cây thạch đen trong các hộ dân trong thôn bản, gia đình bắt đầu trồng với diện tích vài trăm mét vuông. Ðến nay, anh đã trồng gần 1 ha, đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhờ trồng thạch đen, kinh tế gia đình đã có bước phát triển rõ rệt, có tiền để mua cây giống tái đầu tư trồng rừng. Ngoài ra, gia đình anh đang nhận khoán chăm sóc, bảo vệ gần 50 ha rừng trồng sản xuất từ ba đến tám tuổi, trong đó có hơn 30 ha nhận khoán lại từ các hộ gia đình trong thôn. Theo tính toán, sau hai năm nữa, thu hoạch từ keo 50 khối/ha, gia đình anh sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Với tổng thu nhập từ trồng rừng hơn 500 triệu đồng/vụ, gia đình sẽ có một khoản tiền lớn để xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng, nâng cao đời sống. Theo Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng Hoàng Thị Duyên, không riêng gia đình anh Triệu Văn Ta, toàn huyện Thạch An hiện có hàng nghìn hộ trồng cây thạch đen, với tổng diện tích khoảng 400 ha, sản lượng thu hoạch bình quân từ 2.200 đến 2.500 tấn. Từ cây xóa đói giảm nghèo, đến nay thạch đen đã trở thành cây làm giàu của các hộ nông dân trong huyện. Bên cạnh đó, các cánh rừng giao khoán chăm sóc, bảo vệ của địa phương cũng được gìn giữ hiệu quả hơn, mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản.

Huy động mọi nguồn lực phát triển rừng

Xác định quản lý, bảo vệ rừng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các tỉnh miền núi phía bắc đã chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tích cực trồng mới cũng như bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua đó, người dân đã nhận thức được ý nghĩa, lợi ích kinh tế thiết thực từ rừng mang lại.

Ðến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành công tác khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Thông qua công tác khoán rừng, người dân được hưởng từ 200 đến 400 nghìn đồng/ha/ năm. Sau ba năm triển khai, các huyện Võ Nhai, Ðịnh Hóa, Ðồng Hỷ đã khoán bảo vệ rừng được 107.000 ha, khoanh nuôi rừng tái sinh được gần 7.000 ha và chăm sóc hơn 5.000 ha rừng các loại. Riêng về trồng rừng mới, các địa phương đã trồng được 28.000 ha (riêng sáu tháng đầu năm nay trồng mới được 2.300 ha rừng), trong đó có 1.700 ha rừng phòng hộ, 174 ha rừng đặc dụng và 26.000 ha rừng sản xuất. Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên Vũ Văn Phán cho biết, để đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh đã tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư nên công tác này đã đạt được những kết quả tích cực. Ngành lâm nghiệp của tỉnh đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ nền lâm nghiệp truyền thống dựa vào khai thác rừng là chính sang nền lâm nghiệp được bảo vệ chặt chẽ từ cộng đồng xã hội, huy động tốt mọi nguồn lực tham gia quản lý rừng. Việc đầu tư trồng rừng sản xuất đã được người dân hết sức quan tâm do hiệu quả kinh tế mang lại. Rừng đã và đang được bảo vệ tốt ở nhiều nơi, độ che phủ tăng hằng năm từ 52,78 lên 53,03% năm 2018. Qua đó, từng bước đưa lâm nghiệp trở thành ngành nghề chính ở khu vực miền núi, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm áp lực vào khai thác rừng.

Với độ che phủ rừng đạt hơn 54%, tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong sáu tháng đầu năm nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tiến hành thẩm định hiện trường và hồ sơ thiết kế dự toán công trình lâm sinh của các dự án bảo vệ và phát triển rừng: Ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Ðén, Thông Nông, Phục Hòa, Thạch An, Bảo Lạc, Trà Lĩnh, Trùng Khánh. Thực hiện dự án, toàn tỉnh đã trồng 327 trong số 930 ha, đạt 35% so với chỉ tiêu được giao; trồng rừng sau khai thác của các hộ gia đình là 30 ha. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo trồng cây phân tán được 70 nghìn cây xanh các loại. Việc chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, khoán bảo vệ rừng đặc dụng cho cộng đồng thôn, tổ bảo vệ rừng luôn được quan tâm. Ngoài ra, nhằm quan tâm khuyến khích, vận động nhân dân, ngành lâm nghiệp tỉnh đã rà soát, đẩy mạnh chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân. Năm 2019, tỉnh đã chi 2,7 tỷ đồng từ nguồn quỹ, trong đó tại huyện Bảo Lạc, 1.079 hộ dân, 40 cộng đồng xóm được nhận 1,4 tỷ đồng và 1,2 tỷ đồng chi cho các tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng là UBND các xã ở ba huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình.

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng mới được hơn 33.000 ha rừng, trong đó có hơn 17.600 ha rừng trồng gỗ lớn. Công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Mỹ Hải cho biết, việc chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng được người dân quan tâm. Hằng năm, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu loài cây rừng trồng, lựa chọn những cây phù hợp với điều kiện địa lý, trong đó ưu tiên trồng cây gỗ lớn, cây đa mục đích, cây bản địa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng. Hiệu quả hoạt động của ngành và thu nhập, đời sống của người dân đã được nâng cao. Lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường.

(Còn nữa)