Phát triển hợp tác xã năng động, hiệu quả

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt "Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, nhiều mục tiêu được đề ra một cách cụ thể như: đến năm 2030 cả nước có hơn 5.000 hợp tác xã (HTX) và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; khoảng 50% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị;...

Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa của Hợp tác xã Bình Định (huyện Kiến Xương, Thái Bình).
Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa của Hợp tác xã Bình Định (huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị

Đối với tỉnh Thái Bình, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (huyện Kiến Xương) được biết đến như một HTX đi đầu trong việc xây dựng mô hình sản xuất gắn với tích tụ ruộng đất sản xuất theo chuỗi giá trị. Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 từ tháng 1-2016 với số hộ tham gia là 3.145 thành viên, HTX Bình Định đang từng bước khẳng định vai trò và là cầu nối giữa nông dân với các doanh nghiệp, giúp thành viên, người lao động yên tâm sản xuất.

Theo Giám đốc HTX Bình Định Trần Thanh Sơn, hiện nay HTX đang hoạt động 12 khâu dịch vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ưu tiên phát triển dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên nhằm góp phần gia tăng giá trị lợi nhuận cho thành viên và người lao động. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng lượng lúa giống, lúa hàng hóa HTX đã bao tiêu là gần 4.200 tấn, doanh thu đạt 41,5 tỷ đồng, người dân hưởng lợi hơn 8,3 tỷ đồng. "Để làm tốt được khâu dịch vụ này, HTX đã liên kết với nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giống Thái Bình, Công ty Giống Tiền Hải, Công ty cổ phần Đại Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu),... theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm có ứng trước giống lúa gốc. Với diện tích ban đầu của HTX năm 2008 là 15 ha với 80 hộ tham gia, đến nay đã quy hoạch được các vùng cánh đồng mẫu lớn với 300 ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất, tăng giá trị sản phẩm cho nông dân từ 1,3 đến 1,5 lần trở lên" - Giám đốc Trần Thanh Sơn chia sẻ. Cũng nhờ sớm xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển nông sản sạch là "chìa khóa" thành công, doanh thu các dịch vụ kinh doanh của HTX hằng năm đều có sự tăng trưởng, lợi nhuận mỗi năm tăng từ 200 đến 300 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình Trương Thanh Sơn nhìn nhận, mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả khi tham gia liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế thành viên phát triển, làm cầu nối gắn kết sản xuất của các thành viên với các công ty, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của nông dân từ 1,5 đến 2 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Cùng với mô hình HTX Bình Định, tỉnh Thái Bình còn nhiều mô hình tiêu biểu như: các vùng sản xuất lúa giống diện tích từ 100 đến 200 ha/vùng của HTX Nông nghiệp Đông Quý, huyện Tiền Hải và HTX Nông nghiệp An Mỹ, An Thanh, huyện Quỳnh Phụ liên kết với Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; vùng sản xuất lúa giống diện tích 65 ha của HTX Thái Thọ, huyện Thái Thụy liên kết với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương; vùng sản xuất ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi của HTX Nông nghiệp Hồng Minh, huyện Hưng Hà;...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đến nay, chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 340/QĐ-TTg có thể được coi là chiến lược phát triển đầu tiên cho khu vực này. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, HTX nhanh và bền vững ở nước ta trong bối cảnh mới. Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2030 cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với hai triệu thành viên, 45.000 HTX với tám triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60 đến 70% trong tổng số HTX cả nước; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học ít nhất 25%; khoảng 80% số giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX;...

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, nhiều nhóm giải pháp cũng đã được đưa ra trong chiến lược. Theo đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX;... Các nhóm giải pháp này được kỳ vọng sẽ "đánh thức" các bộ, ngành, địa phương đặt sự quan tâm hơn nữa đến khu vực kinh tế tập thể, HTX; ban hành và thực thi nhiều chính sách hỗ trợ HTX trong thời gian tới. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, Liên minh HTX tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh và Tỉnh ủy. Ngay sau đó, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư (là cơ quan tham mưu nhà nước về kinh tế tập thể) chủ trì, phối hợp Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành chức năng liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tiếp tục tập trung đổi mới công nghệ, hỗ trợ khoa học - công nghệ, dây chuyền sản xuất cho các HTX, các doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ cán bộ nguồn cho HTX.

Có thể nói, hỗ trợ cán bộ nguồn cho HTX đang là một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay. Số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, hiện cả nước chỉ có khoảng 22% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng hoặc đại học; tỷ lệ lao động trong HTX tốt nghiệp phổ thông trung học rất thấp (dưới 30%). "HTX cần thu hút tri thức trẻ về công tác. Tuy nhiên, một cán bộ trình độ đại học công tác tại HTX Bình Định hiện nhận lương hệ số 2,35, thêm 500.000 đồng tham gia thành viên Ban Kiểm soát thì tổng thu nhập chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi họ hoàn toàn có cơ hội tìm việc làm có thu nhập tốt hơn. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ thu hút nhân lực trẻ có trình độ về công tác tại HTX thông qua ưu đãi về tiền lương; tạo môi trường thông thoáng cho HTX hoạt động" - Giám đốc HTX Bình Định Trần Thanh Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, trong chiến lược có đề cập đến giải pháp các địa phương cân đối, bố trí cấp bổ sung vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ HTX vay vốn phát triển. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình Trương Thanh Sơn chia sẻ, hiện Thái Bình là một trong năm tỉnh trên cả nước chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, trong khi toàn tỉnh có 445 HTX, trong đó có 331 HTX dịch vụ nông nghiệp. Việc chưa có quỹ cũng khiến công tác hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh phần nào bị hạn chế, do chủ yếu mới dừng ở khâu tư vấn, tuyên truyền phổ biến chính sách.

Cuối cùng, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh và bền vững, cần tăng cường hợp tác quốc tế để nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệp tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường; kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ HTX và thực hiện các dự án về hỗ trợ HTX;...

Giai đoạn 2016 - 2020, Liên minh HTX Việt Nam đã huy động hơn ba triệu USD kinh phí từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; hơn 2.000 cán bộ HTX được đào tạo, tập huấn. Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ mở rộng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, hướng tới mục tiêu phát triển HTX bền vững. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; giúp các HTX từng bước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế và khu vực đã ký; thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng, phát triển HTX quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

PGS, TS PHẠM THỊ HỒNG YẾN Trưởng ban Hợp tác Quốc tế (Liên minh HTX Việt Nam)