Phát triển giao thông nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố, dân số hơn 17 triệu người, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch nông thôn. Nhưng giao thông nông thôn ở đây luôn là vấn đề nan giải. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với việc xác định phát triển hạ tầng giao thông là một tiêu chí quan trọng có tính nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ mặt nông thôn tại ĐBSCL đang dần thay đổi…

Đường nông thôn mới ở vùng sông nước Cà Mau.
Đường nông thôn mới ở vùng sông nước Cà Mau.

Bài 1: Điểm tựa cho xây dựng nông thôn mới 

Trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố tại khu vực ÐBSCL với cách làm hay và sáng tạo, đã xây dựng được hệ thống đường giao thông nông thôn tương đối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh, khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương và đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Những con đường nông thôn mới

Bí thư Ðảng ủy xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) Ðào Văn Hội được xem như một chuyên gia về xây dựng NTM với những cách làm hay, sáng tạo. Trên cương vị Bí thư Ðảng ủy xã, đồng chí Hội đã đưa hai xã hoàn thành xây dựng NTM, được người dân địa phương quen gọi là ông "Bí thư NTM". Năm 2010, khi đang là Bí thư Ðảng ủy xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm), đồng chí cùng lãnh đạo chính quyền địa phương bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều lần tổ chức các cuộc họp, xuống tận các ấp để tìm ra hướng đi, giải pháp phù hợp. Nhận thấy rằng, phải tạo sự đồng thuận trong nhân dân là mấu chốt quyết định sự thành công nên ông lãnh đạo phát động phong trào thi đua rộng khắp trong nhân dân. Qua đó, từng hộ gia đình, tổ, ấp trong xã tích cực thi đua để hoàn thành từng tiêu chí một trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn. Ở các ấp Bình Ðông, Bình Ðông B, đường giao thông nông thôn được bà con nhân dân tích cực đóng góp xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ðồng chí Hội tâm sự: "Khi xây dựng đường giao thông nông thôn, cán bộ, lãnh đạo noi gương đóng góp trước thì nhân dân hai bên đường sẽ đồng thuận, đóng góp theo". Nhiều con đường ở nông thôn trước đây ban đêm tối đen, lầy lội thì giờ sáng choang, xe ô-tô chạy đến tận cửa; nhà văn hóa nhiều người đến tập dưỡng sinh, thể dục. Ðồng chí dẫn chúng tôi tham quan con đường từ UBND xã Bình Thành đến ấp Bình Ðông, được đổ bê-tông rộng 3 m, hai bên lề mỗi bên 1m được trồng hoa, cây cảnh rất đẹp mắt. Ghé thăm nhà của ông Nguyễn Văn Bé cách mặt đường hơn 10 m, phía trước trồng hoa, được cắt tỉa gọn gàng. Ông Bé tâm sự: "Ngày trước con đường này đi lại rất khó khăn vì sình lầy và chỉ có xe máy chạy được. Giờ thì đường thông thoáng, xe tải chạy bon bon phục vụ vận chuyển hàng hóa. Sau khi làm đường xong, Chi hội cựu chiến binh đăng ký xây dựng đường "sáng, xanh, sạch đẹp" đã vận động bà con đóng góp 40 bóng đèn thắp sáng để giữ gìn an ninh trật tự, giúp người dân đi lại ban đêm thuận tiện; vận động trồng hoa hai bên đường góp phần tạo cảnh quan...

Sau gần 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Kiên Giang cũng đã đạt được những kết quả rất ấn tượng trong xây dựng tiêu chí "xương sống" là giao thông nông thôn khi địa phương này ưu tiên đầu tư phát triển, với tất cả các xã trong đất liền có đường ô-tô đến trung tâm, đường ấp - liên ấp được nhựa hóa, bê-tông hóa. Ðến nay, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt hơn 81% km đường nội xã, liên ấp đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Những con đường nông thôn mới đã xóa đi những chiếc "cầu khỉ" khó đi, đường đất lầy lội vào mùa mưa, phục vụ việc đi lại của nhân dân thuận tiện, dễ dàng trong hai mùa mưa nắng, góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

Huy động nhiều nguồn lực

Tỉnh Cà Mau với đặc thù là vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt đi lại rất khó khăn nên xuất phát điểm của tiêu chí giao thông nông thôn rất thấp. Tuy nhiên, với quyết tâm lớn để huy động được nhiều nguồn lực từ Nhà nước đến doanh nghiệp, nhân dân trong việc hiến đất, góp tiền làm đường sau 10 năm xây dựng NTM (2010-2020), tổng nguồn lực đầu tư cho chương trình trên địa bàn tỉnh đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Nhờ các nguồn vốn nêu trên, Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới được gần 3.800 km đường nông thôn đạt tiêu chuẩn của Bộ Giao thông vận tải (gồm hơn 2.800 km đường trục ấp, liên ấp; khoảng 1.000 km đường xóm, nhánh) và gần 2.300 cầu giao thông nông thôn. Ðến nay, tất cả 82 xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đường ô-tô về đến trung tâm xã. Trong 10 năm, đã bố trí nguồn vốn ngân sách và huy động nhân dân đóng góp đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao; có 35 trong tổng số 82 xã đạt tiêu chí giao thông, chiếm tỷ lệ 42,7% (tăng 19,5% so với năm 2015, tăng 40,2% so với năm 2010). Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn hai lần so với năm 2010. Ðiển hình như xã Tân Dân, vốn là vùng quê nghèo ở huyện Ðầm Dơi. Với điểm xuất phát thấp, kinh tế khó khăn nhưng từ khi được tỉnh chọn là một trong bốn xã điểm về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, Ðảng bộ, chính quyền và người dân đã quyết tâm vượt khó, dồn sức xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất... Hơn 90 km đường nhựa nông thôn được làm mới, tất cả đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, góp phần đưa Tân Dân từ địa phương có sông rạch chằng chịt, đi lại phải nhờ đò, vỏ lãi, trở thành xã có đường xe chạy về tận nông thôn. Kinh tế phát triển, đời sống người dân cải thiện không ngừng, thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,66%... Xã đã đạt chuẩn NTM và đang phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Nhìn một cách tổng thể, trong gần 10 năm, tổng số vốn đầu tư cho giao thông nông thôn tại ÐBSCL vào khoảng 48.735 tỷ đồng, với hàng trăm công trình lớn nhỏ khác nhau, đáng kể nhất là đã xây dựng mới được 13.562 km đường giao thông các loại, bao gồm: đường huyện 1.151 km; đường xã 10.269 km; đường thôn xóm, nội đồng 2.142 km. Cùng với đó, các địa phương trong khu vực đã nâng cấp, cải tạo được 7.790 km đường, trong đó đường huyện 1.529 km; đường xã 4.101 km; đường thôn xóm, nội đồng 2.160 km. Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng mới được 5.369 cây cầu và nhiều công trình cống…

Những kết quả nêu trên đã góp phần đáng kể tạo nên một diện mạo khang trang, hiện đại cho bộ mặt nông thôn tại ÐBSCL hiện nay. Báo cáo 10 năm xây dựng NTM tại khu vực ÐBSCL đã chỉ rõ điều này: Hiện, 97% số xã vùng ÐBSCL có đường đến huyện, hơn 96% số đường trục xã được bê-tông, nhựa hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn; đồng thời thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa, góp phần làm cho "mảnh đất chín rồng" thay đổi, ngày càng trù phú và giàu đẹp. Ðặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập nhờ vậy cũng đạt được những kết quả ấn tượng: Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 của ÐBSCL là khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016), cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).

Quan trọng hơn, giao thông nông thôn là một trong những động lực để khu vực ÐBSCL thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, đến cuối năm 2019, toàn vùng đã có 563 xã/1.286 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 30,88% so với cuối năm 2015; bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã (tăng 10,33 tiêu chí so với năm 2010 và tăng 1,53 tiêu chí so với năm 2015); dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt 51%, hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

(Còn nữa)