Phát triển bền vững thương hiệu chè Phú Thọ

Ðược coi là "cái nôi" của ngành chè Việt Nam, những năm qua, tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thương hiệu chè Phú Thọ từng bước được xây dựng, góp phần đưa chè trở thành cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp...

Các hộ dân thuộc HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn thu hái chè búp tươi.
Các hộ dân thuộc HTX chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn thu hái chè búp tươi.

Những kết quả bước đầu

Phú Thọ là vùng đất trung du với nhiều đồi lớn phù hợp để cây chè phát triển. Ðây là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Trước đây, người dân chủ yếu trồng những giống chè cũ phục vụ sản xuất chè đen xuất khẩu. Thu nhập thấp khiến người dân không mặn mà nên diện tích chè giảm mạnh. Trước thực trạng đó, những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, trồng giống chè có năng suất, chất lượng, góp phần đưa chè trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Sau một thời gian triển khai, đến nay, Phú Thọ vươn lên đứng thứ tư về diện tích và thứ ba về sản lượng chè của toàn quốc. Tại đây, đã hình thành nhiều làng nghề, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đen, chè xanh bảo đảm chất lượng được thị trường chấp nhận.

HTX chè Phú Thịnh, xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) là một trong những điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè. Ðến nay, HTX đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc HTX chè Phú Thịnh chia sẻ, trước đây người dân sản xuất chè tự phát, mạnh ai người ấy làm, người dân trồng những giống cũ, sản phẩm là chè búp tươi bán cho các thương lái nên thu nhập thấp, diện tích ngày càng bị thu hẹp. Ðến năm 2017, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, HTX chè Phú Thịnh được thành lập với 13 thành viên. Sau khi được thành lập, HTX đã tổ chức cho các hộ học tập kinh nghiệm tại một số đơn vị sản xuất chè có uy tín trong nước; liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía bắc cung ứng những giống chè mới có năng suất, chất lượng thay thế giống chè cũ; đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện sản phẩm chè xanh của HTX chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các thành viên được nâng lên. Người dân đã coi chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Ðược cấp nhãn hiệu tập thể từ giữa năm 2016, trải qua bao thăng trầm, đến nay sản phẩm chè xanh Chùa Tà của làng nghề chè Chùa Tà (xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh) được nhiều người tiêu dùng biết đến. Toàn xã Tiên Phú có khoảng 200 hộ trồng và chế biến chè với diện tích gần
170 ha. Riêng làng nghề chè Chùa Tà có khoảng 100 hộ làm nghề. Ðể nâng cao hiệu quả, người dân làng nghề tích cực phát triển diện tích cây chè, thay thế các giống chè cũ, cằn cỗi, kém hiệu quả bằng các giống có chất lượng cao như: chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDP1, LDP2, PH8, PH9. Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể chè xanh Chùa Tà, các thành viên trong làng nghề luôn nhận thức muốn có thương hiệu bền vững thì việc thực hiện đúng quy trình sản xuất chè sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Các hộ ngày càng chú trọng quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được thay đổi đáng kể thông qua việc sử dụng sổ ghi chép hằng ngày, cắm biển cảnh báo trong vùng chè để theo dõi chặt chẽ, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ đó, giá trị và hiệu quả kinh tế của cây chè được nâng lên rõ rệt.

Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành chuỗi sản xuất liên kết giá trị thông qua việc hỗ trợ các cơ sở chế biến kinh doanh chè xanh, các HTX, làng nghề về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, thiết kế tem, bao bì, nhãn mác, đăng ký mã số, mã vạch và kết nối thị trường tiêu thụ tại siêu thị, hội chợ, các địa phương. Hiện nay, tại Phú Thọ có hơn 3.300 ha chè được sản xuất theo quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở chế biến chè búp tươi có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu, đủ cho chế biến chè xanh.

Ðể cây chè phát triển bền vững

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 16.000 ha chè, năng suất chè đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185 nghìn tấn/năm; tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%, trong đó, cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Ðây là loại cây trồng ổn định, đem lại thu nhập bình quân từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ðức, Anh..., tại Phú Thọ bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Ðoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè được thành lập mới nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ đạt 60 đến 70% công suất. Nhận thức của một số người dân về sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Công tác tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn bất cập, nhãn mác sản phẩm chè chưa phù hợp, chưa trở thành công cụ tiếp cận thị trường hiệu quả...

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản suất. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 55 doanh nghiệp chế biến chè có công suất hơn một tấn búp tươi/ngày. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 HTX, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Thực hiện Nghị quyết 05/2019 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng vùng sản xuất chè an toàn, xây dựng mô hình HTX, làng nghề chế biến chè gắn với thương hiệu chè xanh Phú Thọ. Mỗi năm cung ứng ra thị trường 10 đến 12 tấn chè xanh thành phẩm chất lượng cao.

Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp" (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng.

Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng hiệu quả, phát triển bền vững mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho phát triển ngành chè khoảng 118 tỷ đồng. Tiếp tục sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị cao, nâng thu nhập người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.