Ðội vốn đầu tư và câu chuyện niềm tin

Một trong những vấn đề làm nóng hội trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra là câu chuyện các dự án (DA) sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đội vốn gấp nhiều lần so với phê duyệt đầu tư ban đầu và thi công chậm tiến độ, khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ.

DA đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng nhưng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng.
DA đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng nhưng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng.

Vấn đề này được chỉ rõ trong báo cáo kiểm toán chuyên đề do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện. Theo quy định, hầu hết các DA sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đều được các nhà tài trợ đánh giá hiệu quả sau khi hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy hiệu quả sử dụng của nhiều DA chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thật sự tiên tiến, chưa tương xứng nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các định mức, đơn giá vật tư đặc thù cho DA quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần và giải ngân chậm.

Ðáng lưu ý, các DA trọng điểm quốc gia lại đứng đầu danh sách đội vốn và chậm tiến độ. Ðơn cử, DA đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng nhưng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 205% khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xin chủ trương Quốc hội về việc điều chỉnh DA đầu tư. Tiến độ DA cũng liên tục bị điều chỉnh kéo dài cùng với những quan ngại về chất lượng công trình.

Tương tự, DA tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng thẩm quyền, tăng hơn 29 nghìn tỷ đồng, tương đương 172,2% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Ðội vốn và chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan, do đường sắt đô thị là lĩnh vực mới, thiếu kinh nghiệm cho nên các tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa sát thực tế, dẫn tới việc DA phải điều chỉnh nhiều nội dung không phù hợp với thiết kế cơ bản ban đầu. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân từ sự bất cập của cơ chế thực hiện DA như kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ; thiếu vốn đối ứng kéo dài; quy trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh DA quy mô lớn mất nhiều thời gian; do năng lực của chủ đầu tư, tư vấn thực hiện DA…

Qua kiểm toán 9 chương trình, 23 DA sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 21.700 tỷ đồng. Trong khi ODA đang trở thành nguồn vốn đắt dần lên, sử dụng vốn ODA có xu hướng ngày càng bất lợi thì hạn chế của những DA nêu trên tác động tiêu cực đến niềm tin của xã hội vào câu chuyện vay vốn đầu tư và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Không thể phủ nhận các chương trình, DA sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã mang lại những kết quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Với nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của đất nước còn lớn trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, nguồn lực trong nước chưa đáp ứng đủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài sẽ tiếp tục là một nguồn lực cần thiết, quan trọng đối với Việt Nam trong thời gian tới. Do đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA nói riêng và vốn vay ưu đãi nói chung là vấn đề cấp thiết. Trong đó, cần đánh giá sát thực về tình hình quản lý, sử dụng vốn ODA cũng như thực hiện giải ngân và hiệu quả của các DA sử dụng vốn ODA theo Luật Ðầu tư công. Ðồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan khi để xảy ra sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.