Nước mặn bủa vây, nhà nông Bến Tre lo thiệt hại cây hoa

NDO -

NDĐT - Mấy ngày nay, nước mặn xâm nhập sâu vào các tuyến sông, kênh nội đồng tại tỉnh Bến Tre đã trực tiếp uy hiếp hàng nghìn héc-ta hoa màu, cây ăn quả của bà con nông dân. Trong đó, vườn cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách có thể bị thiệt hại nặng khi nước mặn xâm nhập bất ngờ, nhiều người không kịp trở tay.

Cây giống rất mẫn cảm với nước mặn nên nguy cơ thiệt hại rất lớn.
Cây giống rất mẫn cảm với nước mặn nên nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện tại nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông trên địa bàn. Cụ thể, độ mặn bốn phần nghìn xâm nhập sâu nhất đến xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60 km; độ mặn một phần nghìn đã xâm nhập sâu nhất đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 76 km. Hiện tại, nước mặn đã xâm nhập hầu như toàn bộ các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trong đó, vùng sâu nhất trong đất liền ở huyện Chợ Lách cũng bị nước mặn bủa vây gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, năm nay nước mặn sẽ xâm nhập sâu, có nguy cơ gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Nước mặn xâm nhập sâu vào các tuyến sông tại huyện Chợ Lách khiến nhiều nông dân không kịp trữ nước ngọt để tưới cây. Nguyên nhân, do gần đây bất ngờ có gió chướng thổi mạnh nên đã đẩy nước mặn từ biển tiến sâu vào đất liền. Ông Nguyễn Văn Nhiên ngụ xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết: “Bình thường mọi năm, sau Tết Nguyên đán nước mặn mới xâm nhập đến các tuyến sông, nhưng năm nay bất ngờ đến sớm nên bà con không kịp đề phòng đóng các cống hay trữ nước ngọt trong mương vườn để sử dụng. Vì vậy, hiện nay nhiều hộ dân trồng cây giống, hoa kiểng ở địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nước ngọt tưới cho cây”.

Theo thống kê, tại xã Tân Thiềng có tám tuyến sông dùng để trữ nước ngọt đã bị nhiễm mặn do không kịp đóng cống. Hiện tại, toàn xã có 1.538 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 80% là cây giống, cây ăn quả và hoa kiểng đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất trắng do nước mặn. Trong đó, diện tích hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất do rất mẫn cảm với nước mặn và nhu cầu nước tưới lớn, phải tưới mỗi ngày.

Nước mặn bủa vây, nhà nông Bến Tre lo thiệt hại cây hoa ảnh 1

Người dân huyện Chợ Lách mua dụng cụ đo độ mặn để tìm nguồn nước ngọt tưới cây giống, hoa kiểng.

Ông Phan Thành Lai, ngụ ấp Tân Thanh (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) lo lắng: “Gia đình tôi trồng 500 giỏ hoa vạn thọ, 200 giỏ quất (tắc) bán Tết nhưng mấy ngày nay không có nước tưới do nước dưới sông đã bị nhiễm mặn. Để ứng phó, gia đình phải sử dụng nước từ bồn nhựa dùng trong sinh hoạt và tưới tiết kiệm theo kiểu cầm cự. Tuy nhiên, lượng nước ngọt khá ít nên tình hình này kéo dài, người dân trồng hoa ở đây sẽ bị thiệt hại nặng nề”.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Lan, ngụ xã Long Thới (huyện Chợ Lách) cũng lấy nước từ bồn nhựa dùng trong sinh hoạt để tưới 1.500 giỏ cúc mâm xôi bán Tết. Tuy nhiên, lượng nước chỉ đủ tưới trong vài ngày nên nguy cơ thiệt hại rất lớn. Hiện tại, nhiều hộ dân đã liên hệ với các tàu chở vật liệu xây dựng để hợp đồng thuê vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn về tưới cho hoa kiểng.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Hiện tại, nước mặn đã xâm nhập gần như toàn bộ huyện Chợ Lách, chỉ trừ một phần xã Vĩnh Bình và xã Phú Phụng ở đầu nguồn. Nguy cơ năm nay nước mặn sẽ xâm nhập toàn bộ địa bàn huyện nên sẽ đe dọa trực tiếp đến 8.575 héc-ta cây ăn quả và 1.300 héc-ta cây giống, hoa kiểng. Trong đó, khoảng 11 triệu sản phẩm hoa, kiểng phục vụ Tết có nguy cơ thiệt hại cao nhất. Đồng thời khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi... cũng nguy cơ thiệt hại cao do mẫn cảm với nước mặn".

Nước mặn bủa vây, nhà nông Bến Tre lo thiệt hại cây hoa ảnh 2

Ngành nông nghiệp thường xuyên đo độ mặn để khuyến cáo người dân sử dụng nước tưới hợp lý.

Tìm mọi giải pháp để ứng phó

Hiện tại, người dân và chính quyền địa phương tìm mọi giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn. Cách đây mấy ngày, gia đình bà Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) phải mua dụng cụ đo độ mặn nhằm cứu vườn cây giống sầu riêng của gia đình mình. Mỗi ngày gia đình bà Bé đều đo độ mặn nhiều lần, khi nào độ mặn ở mức cho phép mới bơm lên tưới cây.

Bà Bé cho biết: “Gia đình tôi đang trồng 40 nghìn cây giống sầu riêng còn nhỏ đang cần nước tưới. Tuy nhiên, loại cây con này chỉ chịu độ mặn dưới 0,4 phần nghìn nên ngoài sông nước mặn là không tưới được. Vì vậy, mỗi ngày phải canh nước ròng sát đáy, khi độ mặn giảm ở mức cho phép mới bơm lên tưới cho cây giống chứ tưới nước mặn vài ngày là cây rụng lá, chết dần dần”.

Gia đình bà Bé còn dự định mua túi ni-lông về lót ở mương vườn để trữ nước ngọt phục vụ tưới cây. Đây là điều mà trước đây người dân chưa bao giờ nghĩ tới vì vùng đất này nước ngọt quanh năm.

Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng Nguyễn Văn Chang thông tin, do nước mặn lên bất ngờ, sớm hơn mọi năm nên người dân không kịp xử lý. Các tuyến sông trên địa bàn xã hiện đã bị nhiễm mặn trên một phần nghìn không thể tưới cây giống, hoa kiểng nên chính quyền địa phương túc trực đo độ mặn hàng ngày để đợi khi nước ngọt sẽ xả cống vào để trữ phục vụ sản xuất.

Nước mặn bủa vây, nhà nông Bến Tre lo thiệt hại cây hoa ảnh 3

Diện tích hoa kiểng phục vụ Tết có nguy cơ thiệt hại nặng do nước mặn bủa vây.

Hiện tại, chính quyền địa phương đã vận động bà con đã trữ nước ngọt trong mương vườn, ao, hồ... chia sẻ với những hộ thiếu nước nhằm cứu diện tích hoa kiểng. Đồng thời, làm việc với các chủ phương tiện thủy để kêu gọi họ đến vùng chưa bị nhiễm mặn ở khu vực phà Cổ Chiên chở nước ngọt về bán lại cho dân với mức giá hợp lý nhằm phục vụ tưới cây giống, hoa kiểng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đưa ra nhiều giải pháp cấp bách để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất như: kỹ thuật như bón phân, chăn sóc và tưới nước tiết kiệm. Trong đó, tại huyện Chợ Lách khuyến cáo người dân trữ nước trong mương vườn, sử dụng các dụng cụ trữ nước ngọt và chở nước từ nơi khác về để sử dụng. Vùng nước ngọt quanh năm chuyên trồng cây ăn quả, hoa kiểng, cây giống lớn nhất tỉnh trong những năm gần đây bắt đầu bị ảnh hưởng trực tiếp do xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.