Nỗ lực tìm giải pháp thu ngân sách nhà nước

Theo thống kê mới đây của Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tám tháng đầu năm chỉ đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2019. Ðáng lưu ý, số thu ngân sách trung ương ước chỉ đạt 54,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước chỉ đạt 62,7% dự toán, trong đó số thu nội địa tháng 8 ước giảm khoảng 25% so với số thu tháng 7. Tính tới giữa tháng 9, khả năng khó hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2020 đã thật sự hiện hữu.

Bài 1: Giảm mạnh cả số thu và tiến độ thu

Người dân làm các thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Ðình (TP Hà Nội). Ảnh: Quốc tuấn
Người dân làm các thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Ðình (TP Hà Nội). Ảnh: Quốc tuấn

Năm 2020, căn cứ điều kiện thực lực của nền kinh tế, Bộ Tài chính được giao dự toán thu NSNN là 1.512,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, dự toán thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô là 35,2 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 208 nghìn tỷ đồng và thu từ nguồn viện trợ của quốc tế là 5.000 tỷ đồng. Dự toán được giao là vậy, nhưng "cú sốc" dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ, các địa phương trong cả nước gặp khó, có ngành sụt giảm đến hơn 90% doanh thu. Chưa bao giờ công tác thu NSNN lại gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. 

Hai "đầu tàu" gồng mình tăng tốc

Tám tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình sản xuất - kinh doanh (SX-KD) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trên địa bàn TP Hà Nội, lũy kế số thu NSNN là 167.187 tỷ đồng, đạt 64,2% dự toán pháp lệnh (DTPL), tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2019. Nếu loại trừ số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn nộp thì Hà Nội đã thực thu được 147.042 tỷ đồng, đạt 56,5% DTPL và bằng 89,4% so cùng kỳ. Tổng thu nội địa của Hà Nội lũy kế tám tháng qua thực hiện được 135.312 tỷ đồng, đạt 52,4% DTPL nhưng cũng chỉ bằng 85,9% so cùng kỳ.

Phân tích kỹ hơn số thu theo khu vực kinh tế, có thể thấy, số thu từ khu vực SX-KD là 67.310 tỷ đồng, đạt 45,9% DTPL, bằng 77,1% so cùng kỳ; thu các khoản thu về nhà, đất đạt 17.517 tỷ đồng, đạt 65% DTPL, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2019. Số thu các khoản thuế phí khác đạt 50.485 tỷ đồng, đạt 59,7% DTPL, bằng 91,2% so cùng kỳ; số thu lợi nhuận sau thuế DNNN trung ương trên địa bàn đạt 9.853 tỷ đồng, tăng 123,6% so cùng kỳ năm 2019. Ðây là kết quả của việc Hà Nội linh hoạt chuyển hướng thu ngân sách ngay sau khi địa bàn phát hiện dịch Covid-19, tập trung tăng cường nguồn thu từ đất nhằm bù đắp hụt thu từ các lĩnh vực khác. Ðến nay, tất cả các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành dự toán cả năm về khoản thu này, còn khá nhiều dư địa để thời gian tới tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu đất đấu giá nhằm tăng nguồn thu trong những tháng còn lại của năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, ý thức được vai trò tiên phong của đầu tàu kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cả nước trông cậy rất lớn vào nguồn thu của thành phố, cho nên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu, đồng thời phấn đấu tăng 5% dự toán. TP Hồ Chí Minh đóng góp gần 30% ngân sách trung ương. Có những năm số thu của TP Hồ Chí Minh bằng số thu của 55/63 địa phương cộng lại. Do đó, nguồn thu NSNN của cả nước dựa chủ yếu vào nguồn thu ở hai thành phố lớn nhất nước là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều địa phương hiện nay. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Duy Minh cho biết, hiện có hơn 21 nghìn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã giải thể, tạm ngừng hoạt động, tác động trực tiếp đến công tác thu ngân sách. Theo dự báo của Cục Thuế thành phố, rất có thể TP Hồ Chí Minh chỉ hoàn thành 83% dự toán thu được giao trong năm nay, nếu không có nhiều nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.

Tại tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, số thu từ khối SX-KD tám tháng đầu năm nay đạt khá thấp, khi số thu từ DNNN trung ương được 880 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán, bằng 74,1% so cùng kỳ năm 2019. Số thu từ DNNN địa phương đạt 62 tỷ đồng; từ DN FDI 2.017 tỷ đồng, đạt 45% dự toán, bằng 80% so cùng kỳ năm 2019. Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 1.057 tỷ đồng, đạt 50,3% dự toán, bằng 83,5% so cùng kỳ năm 2019. Ðây là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất về tình trạng giảm doanh thu, giảm số thuế phát sinh. Thuế thu nhập cá nhân đạt 603 tỷ đồng, đạt 77,3% dự toán, nhưng tăng 11,9% so cùng kỳ.

Trong số này, số thu ngân sách của hộ kinh doanh không nhiều: kết quả duyệt bộ thuế hộ kinh doanh toàn tỉnh tám tháng đầu năm cho thấy, có 140 nghìn lượt hộ có số thuế phải nộp là 85,4 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm 54 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân chỉ có 27,4 tỷ đồng, còn lại là các loại thuế khác. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có 315 nghìn lượt hộ, số thuế phải nộp là 123 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng là 76 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là hơn 41 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Ngô Ðình Hùng cho biết, đến nay, đối với các lĩnh vực, sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 52,3% tổng dự toán năm 2020) mà Thanh Hóa được giao dự toán là 9.800 tỷ đồng, nhưng dự báo chỉ thu đạt 32,7% dự toán. Ngay cả số thu từ nhà, đất cũng không đủ để bù đắp cho số hụt thu từ khu vực DN và các lĩnh vực còn lại.

Mỗi tháng bình quân phải thu 10% dự toán

Bộ Tài chính cho biết, trên phạm vi cả nước, công tác thu NSNN trong năm nay thật sự khó khăn. Ðây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây, tiến độ thu NSNN và công tác quản lý, điều hành thu NSNN gặp biến cố. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu cân đối NSNN tám tháng đạt 881,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số thu ngân sách trung ương ước đạt 54,9% dự toán; số thu ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán. Riêng số thu nội địa tháng 8 ước đạt 74,7 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 25% so với số thu tháng 7, bằng 87,2% mức thu cùng kỳ năm 2019. Lũy kế tám tháng ước đạt 733,98 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán, giảm 9,7% so cùng kỳ năm 2019. Ðó là chưa tính số tiền thuế được gia hạn theo quy định của 128.679 DN và 56.227 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 66,4 nghìn tỷ đồng.

Về tiến độ, Bộ Tài chính cho biết, ước chỉ có 28 trong tổng số 63 địa phương thu nội địa bảo đảm tiến độ dự toán (đạt hơn 67%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước, còn nếu không kể thu tiền sử dụng đất thì chỉ có tám địa phương thu nội địa đạt trên 67% dự toán. Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng gần 700 tỷ đồng so với tháng 7; hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định 9,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tám tháng, cả nước ước đạt 121,5 nghìn tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020 không chỉ là năm có tiến độ thu ngân sách so với dự toán đạt thấp nhất kể từ năm 2013 mà còn là năm có sự suy giảm so cùng kỳ ở cả ba lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, tám tháng đầu năm, thu từ khu vực DNNN đạt 51,3% dự toán, khoảng 91,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,5% so cùng kỳ năm 2019; thu từ khu vực DN FDI đạt khoảng 126 nghìn tỷ đồng, đạt 55% dự toán, bằng 90,2% so cùng kỳ năm 2019; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh khoảng 130 nghìn tỷ đồng, đạt 48% dự toán, bằng 81,2% so cùng kỳ năm 2019. Ðiều này phản ánh thực chất thực trạng khó khăn của nền kinh tế.

Như vậy, trong bốn tháng cuối năm, chia bình quân mỗi tháng cần phải thu xấp xỉ 10% chỉ tiêu thu thì mới thu đủ DTPL. Thế nhưng DN, cá nhân, hộ kinh doanh trên khắp cả nước đâu đâu cũng gặp tình trạng kinh doanh sụt giảm, thua lỗ, phá sản... Rõ ràng, năm 2020, công tác thu NSNN sẽ không thể đi theo những lộ trình được hoạch định sẵn như những năm trước, buộc cơ quan điều hành NSNN phải có biện pháp mới, và những biện pháp này cần phải được cả hệ thống chính trị và DN đồng tình, ủng hộ.

(Còn nữa)