Nỗ lực kiên cố hóa kênh, mương ở Tuyên Quang

Trong bốn năm (2016 - 2019), tỉnh Tuyên Quang hoàn thành xây 784,84 km kênh, mương bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn, đạt 100,6% kế hoạch, sớm hơn một năm so với mục tiêu Đề án kiên cố hóa kênh, mương giai đoạn 1 (2016 - 2020) đề ra. Kết quả đạt được đã nâng tổng số kênh, mương được kiên cố hóa toàn tỉnh lên 2.691,8 km.

Giao thông nội đồng, kiên cố kênh, mương gắn với quy hoạch đồng ruộng ở xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.
Giao thông nội đồng, kiên cố kênh, mương gắn với quy hoạch đồng ruộng ở xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.

Trước năm 2015, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh, mương áp dụng kết cấu kênh bằng đá xây, gạch xây, bê-tông và bê-tông cốt thép đổ tại chỗ. Tỉnh hỗ trợ xi-măng, ống cống, nhân dân đóng góp cát, sỏi, ngày công, hiến đất để kiên cố hóa hệ thống kênh, mương các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Do đó, đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 2.105,47 km kênh, mương các loại. Tuy nhiên, còn có nhiều bất cập về chất lượng công trình như: vật liệu đá, cát, sỏi, cốp-pha... nhiều địa phương lấy tại chỗ chất lượng kém không bảo đảm tiêu chuẩn bê-tông cho nên ảnh hưởng tới độ bền; việc quản lý chất lượng trong quá trình thi công còn khó khăn, hạn chế, nhiều công trình thi công sai quy trình kỹ thuật dẫn đến không bảo đảm yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật, chất lượng. Công tác sửa chữa các hư hỏng, rò rỉ phức tạp, tốn kém và khó khắc phục; khi quy hoạch đồng ruộng thay đổi hoặc điều chỉnh tuyến kênh thì phải phá bỏ không tận dụng lại được...

Triển khai chương trình kiên cố hóa kênh, mương giai đoạn 2016 - 2025, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm cứng hóa kênh, mương bằng cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng đúc sẵn mặt cắt parabol tại xã Ðại Phú, huyện Sơn Dương và xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm và tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh, mương giai đoạn 2016-2025 trên toàn tỉnh. Qua thí điểm, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về kiên cố hóa kênh, mương, bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên, trong đó xác định rõ quan điểm thực hiện kiên cố hóa kênh, mương theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ". UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Ðề án kiên cố hóa kênh, mương giai đoạn 2016 - 2025 với nội dung: thực hiện kiên cố hóa kênh, mương bằng cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng đúc sẵn lắp ghép ở tỉnh Tuyên Quang, trong đó đề ra kế hoạch: giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến 2020): kiên cố hóa 780 km và giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến 2025): kiên cố hóa 734 km kênh, mương. Trong đó, tỉnh hỗ trợ cấu kiện bê-tông đến chân công trình. Hằng năm, chỉ đạo các ngành phối hợp UBND các huyện, thành phố, căn cứ khối lượng kênh, mương dự kiến đầu tư theo từng giai đoạn trong Ðề án được phê duyệt và nhu cầu thực tế cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hằng tháng, tổ chức kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện tại cơ sở và họp kiểm điểm, đánh giá việc triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung ứng cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng mặt cắt parabol cốt sợi thép phân tán mác 500 theo quy định, đồng thời phối hợp UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cung ứng, tiếp nhận cấu kiện đến các xã, phường, thị trấn và chỉ đạo nhà thầu cung ứng cấu kiện theo kế hoạch đã xây dựng, bảo đảm tiến độ UBND tỉnh giao hằng năm. Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện kiên cố hóa kênh, mương gắn với Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2016 - 2020. Các xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ kiên cố hóa kênh, mương và mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện đề án kiên cố hóa kênh, mương được phê duyệt; đồng thời, lựa chọn đầu điểm công trình kiên cố hóa kênh, mương để đưa vào kế hoạch xây dựng của huyện, thành phố. Từ đó, lập hồ sơ thiết kế kiên cố hóa kênh, mương, tổ chức thẩm định, phê duyệt để tổ chức họp nhân dân thống nhất huy động nhân dân triển khai thi công lắp đặt bảo đảm tiến độ. Khi công trình kiên cố hóa kênh, mương hoàn thành, thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng theo quy định; công khai kết quả huy động đóng góp, kết quả đầu tư kiên cố hóa kênh, mương để nhân dân biết, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân cùng tham gia quản lý, giám sát theo quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nỗ lực kiên cố hóa kênh, mương ở Tuyên Quang ảnh 1

Người dân xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên xây dựng kênh, mương bền chắc.

Chính sách hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp khả năng huy động nguồn lực cho nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các quy định phân cấp tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của các cấp, các ngành, nhất là cấp xã (chủ đầu tư); các hướng dẫn của ngành, liên ngành bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ðể bảo đảm nguồn cung cấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành chỉ tiêu kỹ thuật và tổ chức đấu thầu công khai để mua sản phẩm bê-tông đúc sẵn parabol thành mỏng chất lượng cao cốt sợi thép phân tán mác 500. Qua đó, lựa chọn nhà thầu Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng, là thành viên của Hiệp hội bê-tông Việt Nam. Ðây là đơn vị có kinh nghiệm xây dựng công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Ðồng thời, đã tiếp cận được các sản phẩm bê-tông cường độ cao sử dụng vật liệu địa phương do Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, (Bộ Xây dựng) chuyển giao để sản xuất các sản phẩm mương parabol thành mỏng chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác 500. Ðể đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mương parabol thành mỏng chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác 500, Công ty TNHH Thành Hưng đã đầu tư 118 tỷ đồng trong giai đoạn 1 để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị sản xuất đại trà sản phẩm mương parabol phục vụ công trình thủy lợi và các cấu kiện bê-tông đúc sẵn như cống, rãnh thoát nước phục vụ công trình giao thông nhằm cung cấp cho thị trường. Trong quá trình thực hiện, công ty luôn tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành của Viện Khoa học Công nghệ xây dựng. Công ty đã sản xuất thành công mương parabol thành mỏng, chất lượng cao, cốt sợi thép phân tán mác từ 500 đến mác 550 bằng các vật liệu địa phương, đã tạo ra sản phẩm được các chủ đầu tư, các ban, ngành và nông dân đánh giá cao về chất lượng, sự tiện lợi trong lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, tiết kiệm nước và thời gian lấy nước… cho nên được ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh.

Do vậy, trong bốn năm (từ năm 2016 đến 2019), toàn tỉnh cung ứng hoàn thành 784,84 km kênh, mương bằng cấu kiện kênh bê-tông đúc sẵn, đạt 100,6% mục tiêu Ðề án kiên cố hóa kênh, mương giai đoạn 1 (2016-2020) đề ra, sớm hơn một năm so với mục tiêu của Ðề án. Nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàntỉnh lên 2.691,8 km trong số 3.608,3 km kênh, mương hiện có của tỉnh, góp phần đưa tổng số xã đạt tiêu chí thủy lợi lên 128 trong số 129 xã, đạt 99,22%, tăng 42 xã so với năm 2015; nâng tỷ lệ kênh, mương được kiên cố hóa toàn tỉnh từ 58,5% (năm 2015) lên 74,6% năm 2019.

Các công trình kiên cố kênh, mương bằng bê-tông đúc sẵn hoàn thành đưa vào sử dụng là cơ sở hạ tầng, kỹ thuật quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau khi đưa vào quản lý, sử dụng, hầu hết các công trình đã phát huy hiệu quả tốt, khắc phục được hầu hết các bất cập, hạn chế của giai đoạn trước, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của các địa phương trong tỉnh. Cấu kiện kênh bê-tông thành mỏng đúc sẵn mặt cắt parabol là sản phẩm mới ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ trong thi công xây dựng các công trình thủy lợi góp phần tiết kiệm thời gian và nhân công thi công. Mặt cắt parabol cấu tạo lòng máng với bề mặt kênh trơn nhẵn cho nên đã tăng lưu lượng dẫn nước khoảng 10 - 12%, ít xảy ra hiện tượng rò rỉ, thất thoát nước trong kênh, dễ nạo vét bùn đất bồi lắng lòng kênh hơn các loại kênh có mặt cắt khác; quá trình quản lý khai thác thuận tiện, khi quy hoạch lại đồng ruộng hoặc điều chỉnh thay đổi tuyến kênh có thể tháo ra, di chuyển và lắp đặt lại vị trí khác thuận lợi dễ dàng.

Từ kết quả thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh, mương những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã rút ra những bài học kinh nghiệm là: Ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp khả năng huy động nguồn lực và theo tinh thần dân chủ, tự nguyện. Trong đó, cần quy định phân cấp tổ chức thực hiện phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của các cấp, các ngành; đồng thời, hướng dẫn của ngành, liên ngành phải bảo đảm kịp thời, thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nội dung hướng dẫn phải phù hợp điều kiện và năng lực thực tế của địa phương, nhất là trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng tại cơ sở phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện từ bước lập kế hoạch đến khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt, quy trình kỹ thuật thi công, giám sát công trình, nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thông báo rộng rãi cho nhân dân để nhân dân nắm được chủ trương, mục đích, hiệu quả của chương trình và phương thức thực hiện, nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Ðồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm triển khai thực hiện qua tham quan học tập thực tế tại các địa phương, tổ chức tuyên truyền việc thực hiện với lồng ghép triển khai các nội dung của chương trình mục tiêu khác có liên quan để làm cơ sở nhân rộng.

Quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong công tác tham mưu, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và khắc phục các bất cập ở cơ sở. Ðặc biệt, phải công khai kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư để nhân dân biết, dân bàn..., tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia quản lý, giám sát theo quy chế dân chủ ở cơ sở. Ðồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra tình hình, tiến độ thực hiện tại cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực tế nhằm kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng.