Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng

Trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ngành nông nghiệp Thủ đô đã phân hạng được 301 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ba sao, bốn sao, năm sao; được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, hài lòng về chất lượng. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP.

Sản phẩm của Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì được xếp hạng bốn sao. Ảnh: Khuất Duyên
Sản phẩm của Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì được xếp hạng bốn sao. Ảnh: Khuất Duyên

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ, Chương trình OCOP đã tạo ra "sân chơi" bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, phát huy những giá trị tiềm năng của các làng nghề, đặc sản vùng miền, thông qua đó đưa được nhiều sản phẩm chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, góp phần thiết thực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ thêm về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm OCOP là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Hà Nội, có nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận theo các tiêu chuẩn sản xuất, đem lại giá trị kinh tế lớn. Tiêu biểu như: Bún gạo của Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Ðức); Gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tam Hưng (Thanh Oai); Gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Ðồng Phú (Chương Mỹ); Ðậu Hà Lan Baby Leaf, Rau mầm củ cải đỏ của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín); Sữa chua Phù Ðổng có đường của HTX chế biến sữa bò Phù Ðổng (Gia Lâm); Nấm kim châm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (Mỹ Ðức); Trứng gà của Công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội (Phúc Thọ); Thịt lợn sinh học của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Ðồng Tâm (Quốc Oai)...

Ðầu tháng 8 vừa qua, tại huyện Ba Vì đã tổ chức hội nghị thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020, kết quả có 38 sản phẩm chấm điểm đạt từ ba đến bốn sao. Trong đó, một số sản phẩm được đánh giá bốn sao, đạt số điểm cao là: Bánh sữa non Con bò vàng, Con dê vàng, sữa tươi thanh trùng của Công ty cổ phần Bánh sữa Ba Vì; Rượu mơ Núi Tản của Công ty cổ phần rượu Núi Tản; Giò nấm đông trùng hạ thảo, Chả cốm chay, Giò nấm hầu Vương của hộ kinh doanh Tố Tâm Chay… Theo đánh giá của đại diện Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới TP Hà Nội, Ba Vì là huyện có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, Chương trình OCOP chính là động lực để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Thực tế cho thấy, các chủ thể OCOP bước đầu tham gia rất nhiệt tình; có cơ hội tìm hiểu, củng cố, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cởi mở trao đổi, chia sẻ với đối tác và cơ quan quản lý nhà nước. Ðây là "thời cơ vàng" để các làng nghề, cơ sở sản xuất nông nghiệp phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Ðồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ở nông thôn cũng như nhiều đối tượng lao động trên địa bàn. Trong số hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận, nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thành phố hiện có 1.138 HTX nông nghiệp, 2.912 trang trại; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp; hơn 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code.

Bên cạnh những thuận lợi, theo Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, việc phát triển các sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Sản phẩm còn sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ; một số mặt hàng chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sơ, hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm thấp, giá trị gia tăng khi đưa ra thị trường chưa cao. Nhiều sản phẩm trước khi tham gia dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng chưa đầy đủ theo yêu cầu. Thí dụ như: Thiếu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ; hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, trang website; nhãn hiệu, bao bì chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng. Trong đó, đáng lưu ý là sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương. Các cấp chính quyền từ thành phố, quận, huyện, thị xã và các đơn vị tư vấn mới chỉ tập trung hỗ trợ các chủ thể về hoàn thiện thủ tục hồ sơ minh chứng, nâng cấp chất lượng sản phẩm, chưa có chính sách hỗ trợ động viên các chủ thể có sản phẩm đạt sao sau khi dự thi. Chưa có hướng dẫn chung sử dụng nhãn mác in trên bao bì sản phẩm OCOP, cho nên người tiêu dùng vẫn khó nhận diện nhãn hiệu...

Do vậy, để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Tiếp tục thúc đẩy việc tuyên truyền, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển lợi thế từng địa phương để có sản phẩm tham gia OCOP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng. Xây dựng đề án thực hiện mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội. Nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm sản của thành phố (hn.check.net.vn), trang điện tử "nongthonmoihanoi.gov.vn" phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội. Ban hành Hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP, thứ hạng sao trên tem, bao bì, nhãn mác các sản phẩm được công nhận đạt từ ba sao trở lên của TP Hà Nội để thuận lợi trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm OCOP.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội đề nghị Bộ NN và PTNT phối hợp các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp thực tiễn trên cơ sở động viên kịp thời các chủ thể, đơn vị quản lý nhà nước, tư vấn và khảo sát sản phẩm và các bộ phận liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo. Sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước khảo sát, đánh giá tổng thể sáu nhóm sản phẩm OCOP trong năm nay để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.