Đại biểu TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân:

Nỗ lực đáng trân trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động

NDO -

NDĐT – Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, chúng ta vẫn đạt được 12 chỉ tiêu Quốc hội giao, giữ kinh tế phát triển ổn định là một nỗ lực đáng trân trọng của cả hệ thống chính trị, với sự lãnh đạo của Đảng, và quyết tâm của Chính phủ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp tổ chiều 22-10.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp tổ chiều 22-10.

Chiều 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nghe báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về tình hình kinh tế - xã hội, chúng ta đều có niềm vui chung.

Với bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, những tác động của nó không chỉ dừng lại ở năm nay mà còn tác động đến các năm sau. Và từ đầu năm đến nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã liên tục đưa ra điều chỉnh về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3.6% xuống 3.3, 3.2 và cách đây vài ngày hạ xuống còn 3.0%. Một trong những tác nhân là do vấn đề cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Brexit, căng thẳng vùng vịnh... Các nước đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đều sụt giảm về chỉ tiêu tăng trưởng.

“Nói lên điều đó để thấy với nỗ lực của hệ thống chính trị, với sự lãnh đạo của Đảng, và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được 12 chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Đó là nỗ lực đáng trân trọng”, đại biểu Ngân nói.

Giải thích về việc vì sao kinh tế Việt Nam đứng được như vậy giữa bối cảnh có nhiều rung lắc, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chúng ta vừa chịu thách thức nhưng chúng ta có những cơ hội lớn. Chúng ta hội nhập và ký rất nhiều dự án FDA với thế giới. Chúng ta được miễn những chính sách ưu đãi thuế quan nên kim ngạch xuất khẩu các nước giảm nhưng riêng Việt Nam tăng. Và chúng ta giữ được xuất siêu, cán cân thương mại giữ được thăng dư trong bốn năm qua. “Đạt được điều đó rất khó trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Nhờ vậy trong suốt nhiều năm chúng ta duy trì được nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong 5 năm qua lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá ổn định. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cao và người dân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Từ đó ngân hàng có vốn để cấp tín dụng cho nền kinh tế, vì yếu tố về vốn quyết định 45% vào tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến tháng 7, huy động vốn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay lên đến 8.249 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi của dân là 4.700 nghìn tỷ đồng.

Vì thế, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, nếu không, những lỗ hổng ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

“Sự phát triển của chúng ta khá ổn định, nhưng làm sao để tăng tốc trên sự ổn định đó?”, đại biểu Ngân băn khoăn.

Theo ông, có một số tồn tại phải giải quyết. Để nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ được thì phải phát triển kinh tế tư nhân cùng kinh tế nhà nước. Nghị quyết số 10 NQ/TW về kinh tế tư nhân đã xác định đây là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng thì thực tế kinh tế tư nhân vẫn đang gặp khó khăn. Cơ cấu kinh tế Việt Nam khu vực Nhà nước đóng góp 30% GDP, khu vực kinh tế tư nhân cá thể đóng góp 40% GDP, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 20%, và 10% thuế. Con số này đã đứng trong nhiềunăm và có khả năng khu vực kinh tế tư nhân giảm. , nên chúng ta có nghị quyết đúng nhưng làm sao phát triển được kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu Ngân, vừa qua chúng ta thấy kinh tế tư nhân có phát triển nhưng phát triển hướng ngắn hạn nhiều hơn, thiếu đi các doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư dài hạn. Để có những tập đoàn tư nhân lớn, chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ bơm sức cho khu vực kinh tế này.

“Tôi nghĩ một trong những rào cản cần có giải pháp đột phá hơn đó là về mặt thể chế. Kinh tế tư nhân hiện nay chưa dám đầu tư dài hạn vì họ thấy có những rủi ro về hệ thống luật pháp do chúng ta sửa luật liên tục”, đại biểu Ngân thẳng thắn.

“Chúng ta sửa luật nhiều nên luật pháp không ổn định, không có tính an toàn, bền vững của luật. Đây là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Cá nhân tôi cũng thấy rằng mình đã cố gắng hết sức nhưng chưa làm tròn trách nhiệm. Khi ban hành xong luật, chính mình bấm nút nhưng vào tháng sau, vài năm sau lại bắt đầu phải điều chỉnh”.

Theo ông Ngân, Quốc hội nên tăng đại biểu chuyên trách để khâu làm luật có bề dày ổn định hơn, hạn chế sửa đổi vì nhà đầu tư rất sợ rủi ro thể chế.

Một điểm nghẽn nữa là kết cấu hạ tầng mà quan trọng là hạ tầng giao thông tắc nghẽn nên chi phí logistic rất cao. Nhà đầu tư rất ngán khâu lưu thông, vì thế chúng ta phải giải quyết điểm nghẽn về giao thông cả đường bộ, đường thủy và hàng không.