Những ứng viên tiềm năng cho vị trí tân Tổng Giám đốc WTO

NDO -

NDĐT - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo mới đây tuyên bố sẽ rời cương vị vào ngày 31-8 tới, sớm hơn một năm so với nhiệm kỳ đã đề ra. Ông cho rằng việc thông báo sớm quyết định của mình sẽ cho phép các thành viên lựa chọn người kế nhiệm trong những tháng tới mà không ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Tổng Giám đốc Azevedo tham dự hội nghị của Đại hội đồng WTO tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva, ngày 10-12-2019. (Ảnh: Reuters)
Tổng Giám đốc Azevedo tham dự hội nghị của Đại hội đồng WTO tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva, ngày 10-12-2019. (Ảnh: Reuters)

Ông Azevedo đưa ra tuyên bố nêu trên trong một giai đoạn được đánh giá là vô cùng quan trọng của cả WTO và nền kinh tế toàn cầu. Quá trình lựa chọn Tổng Giám đốc mới của WTO sẽ phần nào phản ánh phương hướng hoạt động và phát triển của WTO trong tương lai gần.

Quy trình lựa chọn Tổng Giám đốc WTO diễn ra như thế nào?

Ngày 10-12-2002, Đại hội đồng WTO đã nhất trí quy trình lựa chọn Tổng Giám đốc WTO, theo đó người đảm nhiệm cương vị này cần được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận thay vì được lựa chọn thông qua bỏ phiếu. Thông thường, quá trình hình thành danh sách ứng viên sẽ kéo dài chín tháng trước khi nhiệm kỳ bốn năm của Tổng Giám đốc đương nhiệm kết thúc. Trong tháng đầu tiên, các nước thành viên sẽ đề cử các ứng viên. Mới đây, WTO thông báo, việc đề cử sẽ khởi động từ ngày 8-6 và kết thúc vào 8-7-2020.

Sau khi danh sách ứng viên được hoàn tất, các ứng viên sẽ có cơ hội trình diện trước Đại hội đồng WTO, trả lời các câu hỏi và trình bày quan điểm của họ trên cương vị người đứng đầu WTO. Chủ tịch Đại hội đồng WTO cùng các chủ tịch thuộc Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (TPRB) sau đó sẽ xúc tiến nhiều vòng thảo luận giữa các nước thành viên WTO với mục tiêu đạt được sự đồng thuận về người kế nhiệm ông Azevedo.

Một số ứng viên tiềm năng hiện nay

Dù WTO chưa công bố danh sách các ứng viên chính thức, nhưng đến nay, đã có một số ứng viên tiềm năng cho vị trí “thuyền trưởng” của tổ chức này.

Ông Hamid Mamdouh hiện là cố vấn cao cấp tại hãng luật danh tiếng của Mỹ King&Spalding LLP. Ông Mamdouh cũng từng nắm giữ các chức vụ quan trọng tại WTO. Trong vòng đàm phán Uruguay góp phần kiến tạo WTO, ông đóng vai trò thư ký giúp soạn thảo Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Ông còn là trợ lý của Phó Tổng giám đốc GATT và cố vấn pháp lý cho cơ quan giải quyết tranh chấp của GATT. Ông Mamdouh từng đóng vai trò đàm phán viên về thương mại của Ai Cập. Ông Mamdouh đã công khai ý định tranh cử Tổng Giám đốc WTO và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Ai Cập. Ngoài kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Mamdouh nhấn mạnh “tầm nhìn từ góc độ châu Phi” trong nỗ lực tranh cử Tổng Giám đốc WTO. Ông mong muốn thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi, bảo đảm thương mại toàn cầu sẽ đóng góp tích cực cho lợi ích của các quốc gia châu Phi đang phát triển hoặc kém phát triển nhất, cũng như duy trì hệ thống dựa trên các nguyên tắc hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên WTO tại “lục địa đen”. Ông Mamdouh cho rằng, quyền lợi mà các nước châu Phi được hưởng tại WTO hiện nay chưa đạt kỳ vọng và WTO cần tiến hành cải cách. Ông nhấn mạnh, quá trình cải cách là nhiệm vụ phức tạp, cần kết hợp nhiều yếu tố bao gồm chuyên môn kỹ thuật, quan điểm chính trị và sự công nhận tầm quan trọng của châu Phi trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Một ứng viên sáng giá khác là Phó Tổng Giám đốc WTO Yonov Frederick Agah. Trước khi trở thành Phó Tổng Giám đốc WTO từ tháng 10-2013, ông Agah từng là Đại sứ của Nigeria tại WTO. Hiện nay, ông phụ trách Khối Rà soát chính sách thương mại, Khối Phát triển và Trung tâm Đào tạo và Hợp tác kỹ thuật của WTO. Có thể điểm lại một số quan điểm về chính sách của ông Agah trên cương vị Phó Tổng Giám đốc WTO như kiểm soát tình trạng các nước trợ cấp thủy sản, ủng hộ tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc tế để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu...

Với hơn 30 năm công tác trong ngành ngoại giao Cộng hòa Benin, ông Eloi Laourou hiện là Đại sứ và Đại diện thường trực của quốc gia Tây Phi này tại Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức khác tại Geneva, trong đó có WTO. Quan điểm rõ nét nhất của ông Laourou hiện nay tập trung vào hoạt động thương mại điện tử, ông hối thúc các nước kém phát triển nhất tham gia các cuộc đàm phán về lĩnh vực này.

Một ứng viên “nặng ký” khác của châu Phi là Tiến sĩ Amina Mohamed. Bà từng giữ một số vị trí tại LHQ và WTO. Bà là Đại sứ và Đại diện thường trực của phái đoàn ngoại giao Kenya tại Geneva trong giai đoạn 2000-2006. Tại WTO, bà Mohamed từng điều hành TPRB vào năm 2003 và Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO vào năm 2004. Năm 2005, bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử WTO trở thành Chủ tịch Đại hội đồng WTO. Trong chính quyền Kenya, bà đã trải qua các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao (năm 2013) và Bộ trưởng Giáo dục (năm2018). Năm 2015, bà Mohamed chủ trì MC10 của WTO tại Nairobi, từ đó hình thành “Gói giải pháp Nairobi” gồm hàng loạt cam kết của WTO nhằm thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển. Bà Mohamed đang giữ cương vị Bộ trưởng Thể thao, Di sản và Văn hóa Kenya. Bà từng được đề cử cho vị trí Tổng Giám đốc WTO vào năm 2013. Bà kêu gọi nỗ lực cải tổ WTO và cho rằng các nỗ lực này cần phải bao trùm và không nên chỉ được quyết định bởi nhóm các nước phát triển.

Là chính trị gia giàu kinh nghiệm của Anh, ông Lord Peter Mandelson từng trải qua các vị trí: Bộ trưởng Thương mại và Tài chính, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland, Bộ trưởng Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng dưới thời các cựu Thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown. Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Mandelson từng là ủy viên thương mại châu Âu giai đoạn 2004-2008, giám sát các cuộc đàm phán thương mại của Liên hiệp châu Âu (EU) và dẫn dắt các cuộc đàm phán của WTO tại Doha.

Việc tìm ra Tổng Giám đốc WTO phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng, đó là năng lực và chính trị. Các nước thành viên sẽ đánh giá một ứng viên có đủ năng lực hay không dựa trên kinh nghiệm ứng viên đó đã có trong lĩnh vực điều hành thương mại quốc tế và những kinh nghiệm này cần phù hợp nhiệm vụ của WTO đặt ra trong thời gian tới. WTO đồng thời sẽ đánh giá các tiêu chí về giới tính, quốc tịch và xếp loại của nền kinh tế đề cử ứng viên ấy.

Trong thời gian qua, hoạt động và tính thống nhất trong các quốc gia thành viên WTO đã chịu ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu các quốc gia thành viên thể hiện quan điểm thống nhất và đồng thuận cao khi chọn lựa Tổng Giám đốc mới, WTO sẽ có thêm động lực để thúc đẩy giải quyết các xung đột và mâu thuẫn thương mại còn tồn tại.

* Tổng giám đốc WTO bất ngờ thông báo từ chức