Những sai phạm nghiêm trọng tại Tổng cục Dự trữ nhà nước

Bộ Tài chính vừa công bố những sai phạm nghiêm trọng trong việc mua gạo dự trữ quốc gia bốn tháng năm 2020 tại Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) và 22 Cục DTNN khu vực.

Vận chuyển gạo vào Kho dự trữ thuộc Chi cục Dự trữ nhà nước Tân Hiệp (Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc).
Vận chuyển gạo vào Kho dự trữ thuộc Chi cục Dự trữ nhà nước Tân Hiệp (Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc).

Bộ đã tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, làm rõ đối với các Cục trưởng, Chi cục trưởng DTNN; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân của Cục DTNN và Chi cục DTNN có liên quan; kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Tổng cục DTNN và các vụ chức năng của Tổng cục vì thiếu kiểm tra, giám sát,... Ðồng thời, giao Thanh tra Bộ chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra (Bộ Công an) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Gửi nhờ" hơn 11 nghìn tấn gạo

Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra thực tế tại 22 Cục DTNN khu vực trên toàn quốc, đã phát hiện sáu Cục DTNN khu vực (gồm Hà Bắc, Ðông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh và Bình Trị Thiên) có số lượng gạo thực tế tại kho lớn hơn số gạo trên sổ sách kế toán và thẻ kho là 11.239 tấn. Cụ thể: tại Cục DTNN khu vực Hà Bắc, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán 5.963 tấn. Trong đó, có năm nhà thầu (Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH Thủy Long - Hà Nam, Công ty CPTM Minh Khai - Hải Phòng) gửi 5.963 tấn gạo trong kho tại các Chi cục DTNN Lạng Giang, Tân Hiệp, Gia Lương, Tiên Sơn. Tại Chi cục DTNN Tân Hiệp, có tới 303 tấn gạo dự trữ thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh gửi từ năm 2019.

Tại Cục DTNN khu vực Ðông Bắc, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán là 1.100 tấn, là hàng của Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai gửi trong kho DTNN theo văn bản đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy số gạo gửi này không có hợp đồng gửi, bảo quản giữa Chi cục và doanh nghiệp (DN), không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu thể hiện việc giao nhận về số lượng gạo, cũng không có xác nhận chủng loại, chất lượng gạo. Tại Cục DTNN khu vực Bắc Thái, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán là 588 tấn, trong đó riêng Công ty TNHH Thủy Long (tỉnh Hà Nam) gửi 368 tấn. Ðây cũng là đơn vị tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt tháng 3-2020, tại thời điểm kiểm tra chưa có hợp đồng gửi gạo giữa Chi cục và DN, không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. 220 tấn gạo còn lại là của tư nhân gửi vào kho của Chi cục, không có hợp đồng và hồ sơ chứng minh nguồn gốc.

Tại Cục DTNN khu vực Hà Nội, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán 1.474 tấn, do Công ty TNHH Minh Thu gửi tại kho dự trữ. Tại thời điểm kiểm tra, các bên liên quan không xuất trình được hồ sơ, tài liệu liên quan, cũng chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo báo cáo của Cục DTNN khu vực Hà Nội, số lượng gạo này có liên quan tới Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh và Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh là hai DN tham gia đấu thầu và trúng thầu tháng 3 nhưng không ký hợp đồng; số gạo đang gửi tại kho DTNN vừa đúng số gạo trúng thầu là 900 tấn. Tại Cục DTNN khu vực Hà Nam Ninh, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán 1.629 tấn. Tại Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, số gạo thực tế cao hơn sổ sách kế toán 485 tấn, trong đó 180 tấn là của cơ sở xay xát Hoành Huệ không có hợp đồng, hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có phiếu nhập kho, không có biên bản giao nhận.

Sai phạm khó chấp nhận

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính Ðặng Ngọc Tuyến, năm 2020, Tổng cục DTNN được giao mua 190 nghìn tấn gạo dự trữ. Kết quả mở thầu tháng 3 vừa qua, có 28 DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 năm 2020 với số lượng 178 nghìn tấn. Trong đó, có hai DN là Công ty TNHH Tự Lực và Công ty TNHH Phước Hồng trúng thầu tại Cục DTNN khu vực Ðông Bắc và Cục DTNN khu vực Ðông Nam Bộ, đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn. Hai DN trúng thầu tại Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh và Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên là Công ty cổ phần XNK tổng hợp An Thịnh trúng thầu 1.000 tấn, Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh trúng thầu 800 tấn, đã ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu. Còn lại là 24 DN từ chối ký hợp đồng, với tổng số gạo là 170.300 tấn, trong đó có một số DN "gửi gạo" nhờ kho nhà nước nêu trên. Ðối với số lượng gạo nhà thầu từ chối ký hợp đồng, Bộ Tài chính đã thu gần 28 tỷ đồng bảo đảm dự thầu của nhà thầu vào ngân sách nhà nước.

Hiện nay, Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực đang triển khai thủ tục thực hiện đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 2 để bảo đảm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch dự trữ năm 2020 đã được Thủ tướng giao. Tuy nhiên, qua kiểm tra lần này cho thấy, các đơn vị dự trữ để xảy ra rất nhiều sai phạm. Việc có tới 6 trong số 22 Cục DTNN khu vực cho các DN, cá nhân sử dụng kho DTNN để giữ hộ hàng hóa là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dự trữ quốc gia và Danh mục bí mật nhà nước (mức độ Mật) của ngành tài chính cũng như vi phạm quy định về thẩm quyền quyết định việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; về quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia. Ðáng lưu ý, trong số các đơn vị gửi hàng hóa tại Kho DTNN, nhiều đơn vị đã trúng thầu đợt đấu thầu tháng 3-2020 nhưng hủy kết quả đấu thầu, không ký thực hiện hợp đồng nhưng lại có số lượng lớn gạo đưa vào kho DTNN cùng thời điểm đã được phát hiện như: Công ty cổ phần Lương thực Hà Tĩnh (1.205 tấn), Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh (2.563 tấn), Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai (1.940 tấn), Công ty TNHH Phát Tài (1.098 tấn), Công ty TNHH Thủy Long - Hà Nam (983 tấn), Công ty cổ phần Lương thực Cao Lạng (1.490 tấn),... "Việc các DN chạy theo lợi nhuận cá nhân, bỏ rơi nghĩa vụ đối với Nhà nước, tìm cách móc nối sử dụng tài sản nhà nước là sai phạm rất đáng lên án, còn các cơ quan DTNN lại đồng lõa, tiếp tay sai phạm, cho phép doanh nghiệp gửi hàng hóa là sai phạm nghiêm trọng, cần phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm", Phó Chánh thanh tra Ðặng Ngọc Tuyến đánh giá.

Trước kết quả thanh tra này, Bộ Tài chính đã yêu cầu Thanh tra Bộ chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang cơ quan điều tra (Bộ Công an) để điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ yêu cầu Tổng cục trưởng DTNN chỉ đạo và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra các sai phạm đã nêu. Theo đó, lãnh đạo Tổng cục DTNN và các vụ chức năng của Tổng cục kiểm điểm trách nhiệm đã thiếu kiểm tra giám sát, để xảy ra các sai phạm hy hữu như trên. Bộ Tài chính cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với những Cục trưởng cho phép tư nhân gửi hàng vào kho DTNN trái quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân khác có liên quan sai phạm. Bộ Tài chính cũng yêu cầu cấp tốc rà soát các quy trình, quy chế quản lý kho DTNN để bổ sung bảo đảm công tác giám sát, quản lý tập trung, hiện đại hóa; xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống ca-mê-ra tại tất cả các điểm kho DTNN; công khai danh sách các DN đã trúng thầu đợt tháng 3-2020 nhưng không ký hợp đồng cung cấp gạo DTNN để có giải pháp xử lý tiếp theo.

Nhận định về sai phạm hy hữu này, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, nhiều DN xuất khẩu gạo không thực hiện hợp đồng với Nhà nước để lấy gạo xuất khẩu, dẫn đến tình trạng không có gạo trong kho dự trữ là hành vi hám lợi nhỏ, không thực thi đúng trách nhiệm với Nhà nước, khiến dư luận bức xúc, rất đáng chê trách. Tuy nhiên, các đơn vị DTNN cố tình buông lỏng quản lý, làm sai chức trách, nhiệm vụ được giao đã thể hiện đạo đức công vụ yếu kém, không thể tha thứ. Trong bối cảnh Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân cả nước vừa phải dồn sức "chống dịch như chống giặc", những sai phạm được thanh tra phát hiện vừa qua là không thể chấp nhận. Tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính đã thống nhất quan điểm chủ động kiểm tra công tác quản lý và mua gạo dự trữ quốc gia, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai kiểm tra kể cả ngày lễ, ngày nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ sớm. Khi phát hiện các trường hợp sai phạm, Bộ Tài chính sẽ kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh, không có "vùng cấm" và công bố công khai, đầy đủ tới dư luận xã hội. Ðây cũng là phương thức lãnh đạo ngành đã và sẽ áp dụng trong các lĩnh vực khác, nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính nhà nước.