Những đồng vốn nhỏ tạo sinh kế

Từ một huyện miền núi nghèo, Xuân Lộc (Đồng Nai) đã từng bước “thay da, đổi thịt” và trở thành một trong những huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đồng thời, cũng là một trong bốn huyện được chọn là điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của cả nước với chủ đạo là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập theo hướng hiện đại và bền vững. Trong bức tranh xây dựng NTM này, vai trò của tín dụng chính sách cũng được thể hiện rất đậm nét.

Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình bà Hoàng Thị Thu Ba (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có điều kiện đầu tư làm nón lá.
Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình bà Hoàng Thị Thu Ba (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có điều kiện đầu tư làm nón lá.

Đòn bẩy phát triển sản xuất

Thực hiện mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, huyện Xuân Lộc tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, với mục tiêu mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất... Đến nay, huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng xuất khẩu đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1,4 nghìn ha, hồ tiêu 2,2 nghìn ha,...

Như bao gia đình, hộ anh Hồ Văn Phước (ấp 1A, xã Xuân Hưng) cũng trông chờ “hái quả” từ những vườn xoài. Nhưng trước đây, với cây xoài giống cũ, hiệu quả kinh tế thu được chẳng là bao khi giá bán thấp và không được thị trường ưa chuộng. Cách đây hai năm, anh Phước mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn của chương trình giải quyết việc làm từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Xuân Lộc, cùng nguồn vốn tích lũy của gia đình để cải tạo đất và chuyển đổi sang trồng giống xoài Đài Loan cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, gia đình anh đã có 2 ha xoài giống Đài Loan bắt đầu cho thu hoạch, ước chừng 15 tấn/ha. “Vụ năm nay mới bắt đầu thu bán, nhưng tôi rất tin vào triển vọng của giống xoài mới này bởi thực tế, cây năm nay đã bắt đầu cho trái và gia đình cũng đã tham gia chuỗi liên kết cánh đồng mẫu lớn nên được bảo đảm về đầu ra cho sản phẩm” - anh Phước cho biết.

Hiện nay, cùng với các hộ gia đình trồng xoài, trên địa bàn xã Xuân Hưng đang có sự hoạt động khá hiệu quả của Hợp tác xã Suối Lớn, một địa chỉ được biết đến như là nơi có những trái xoài Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Những năm này, chính quyền, hợp tác xã và người dân nơi đây đã xây dựng một vùng trồng xoài ngày càng năng suất hơn, chất lượng hơn với tổng diện tích trồng xoài trên toàn xã ước khoảng 700 ha.

Không chỉ là trợ lực giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM, dòng vốn tín dụng chính sách ưu đãi còn góp phần trong việc cùng địa phương vượt các mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật có tiêu chí phấn đấu để các xã NTM kiểu mẫu trong tỉnh Đồng Nai hầu như không còn hộ nghèo. Nhờ đồng vốn chính sách tạo kế sinh nhai, mới đây, hộ gia đình ông Trần Xuân Kim và bà Hoàng Thị Thu Ba (xã Xuân Hưng) đã thoát nghèo. “Gia đình tôi được vay vốn tín dụng chính sách với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Tôi sử dụng số tiền này để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và làm nón lá để có thêm thu nhập. Với lãi suất thấp, thời gian vay lâu nên tôi không bị áp lực trả nợ và có thời gian để hoàn trả vốn, lãi đúng hạn” - bà Hoàng Thị Thu Ba chia sẻ. 

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở xã Xuân Hưng là gần 37,1 tỷ đồng với 1.811 lượt hộ vay, tập trung chủ yếu ở các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên. Đánh giá từ chính quyền địa phương cũng cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn

Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Xuân Lộc Trần Xuân Mạnh, trong năm 2020, đơn vị đã giải quyết cho vay hơn 99,3 tỷ đồng với 3.634  hộ vay vốn, bằng 108,7% so với năm 2019. Trong đó, một số chương trình cho vay chiếm tỷ lệ cao như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… Chất lượng tín dụng được bảo đảm với kết quả thu nợ tốt, tạo được nguồn vốn cho vay quay vòng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho vay. Tổng dư nợ đến 31-12-2020 đạt 312,2 tỷ đồng với 14.442 khách hàng vay vốn, dư nợ tăng hơn 26,5 tỷ đồng so với 31-12-2019, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng dư nợ do chi nhánh NHCSXH tỉnh giao. 

Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Xuân Lộc cũng thực hiện tốt công tác quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động, nên chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được duy trì. Đến ngày 31-12-2020, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,21%. Công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. 

Năm 2020, hoạt động tín dụng chính sách của Phòng giao dịch NHCSXH huyện cũng đã giải quyết nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho 492 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho  689 lao động, góp phần lắp đặt và xây dựng  2.276 công trình nước sạch, công trình vệ sinh, giúp cho 172 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm, xây dựng mới năm căn nhà từ nguồn vốn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Cũng theo ông Trần Xuân Mạnh, bên cạnh việc tham mưu UBND huyện xem xét, hỗ trợ cấp bổ sung vốn ủy thác theo kế hoạch, năm 2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Xuân Lộc đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm dần nợ quá hạn theo từng tháng, đến cuối năm 2021 tỷ lệ nợ quá hạn 0,15%, tỷ lệ thu lãi các chương trình tín dụng đạt từ 99% trở lên, không để phát sinh nợ bị chiếm dụng và có từ hơn 96% số tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm đều hằng tháng. Cùng với việc hoàn thành vượt chỉ tiêu huy động tiết kiệm thông qua tổ được giao, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Xuân Lộc đặt mục tiêu tăng cường tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư, nhất là huy động tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã.