Nhiều cơ hội cho vải thiều sang Nhật Bản

NDO -

NDĐT – Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vải thiều đứng trước nguy cơ khó xuất sang Nhật Bản theo kế hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi mùa thu hoạch vải đã bắt đầu, có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy vải thiều Việt Nam sẽ vẫn được xuất Nhật theo đúng kế hoạch.

Vải thiều nhiều cơ hội được xuất khẩu sang Nhật Bản theo đúng kế hoạch. (Ảnh: PHÚC HUY)
Vải thiều nhiều cơ hội được xuất khẩu sang Nhật Bản theo đúng kế hoạch. (Ảnh: PHÚC HUY)

Lô vải xuất sang Nhật Bản đầu tiên sẽ sớm được kiểm dịch

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tuần sau, chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản. Đây là thông tin vui đối với những người dân trồng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản nói riêng và người dân trồng vải nói chung.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam trong thời điểm hiện tại tối thiểu là 14 ngày. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải thiều xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn, ngày 28-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 3562/BNN-BVTV gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt. Không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của hai tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo.

Nhiều cơ hội cho vải thiều sang Nhật Bản ảnh 1

Một vườn vải thiều được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất sang thị trường Nhật Bản tại Bắc Giang. (Ảnh: TUỆ LÂM)

Đã hoàn tất các yêu cầu kỹ thuật để vải xuất sang Nhật Bản

Theo yêu cầu của Bộ Nông lâm ngư nghiệp (MAFF), vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m³ trong thời gian hai giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, các vườn vải trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản đã được quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản và dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ kỹ thuật.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện tất cả các vấn đề kỹ thuật để đưa quả vải thiều sang Nhật Bản đã hoàn tất, từ vấn đề cấp mã số vùng trồng cho đến cấp mã số cho các cơ sở đóng gói, đặc biệt là thiết lập hệ thống xử lý theo yêu cầu của Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giải quyết hàng rào kỹ thuật để mở cửa cho trái vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Trong suốt bốn năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) để làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật.

Đến ngày 15-12-2019, MAFF đã đồng ý với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo quy định, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra để đăng ký cho các cơ sở khử trùng đủ điều kiện thực hiện công tác khử trùng vải xuất khẩu. Đối với hoạt động này, vào tháng 3-2020, MAFF đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho ba cơ sở xử lý. Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra và gửi báo cáo cho MAFF vào tháng 4-2020. Hai cơ quan kỹ thuật của hai bộ liên tục trao đổi, giải đáp các vấn đề về kỹ thuật khử trùng, kiểm dịch thực vật.