Nhìn lại năm 2019

Nhiều biến động trên thị trường xuất khẩu nông sản

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta sẽ đạt khoảng 41,3 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu 43 tỷ USD đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, đây cũng được coi là kết quả khả quan trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nông sản toàn cầu năm 2019 có nhiều biến động và cạnh tranh vô cùng gay gắt.

Dây chuyền phân loại hoa quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: UÔNG SƠN
Dây chuyền phân loại hoa quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: UÔNG SƠN

Những gam màu đối lập

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2019 ước đạt 37,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2018. Với kết quả này, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã vượt xa kết quả của cả năm 2018 và sớm về đích so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Hiện xuất khẩu lâm sản chiếm tỷ trọng 27,5% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,64 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ 2018; lâm sản ngoài gỗ đạt 600 triệu USD, tăng 37% so cùng kỳ. Trong nhóm lâm sản ngoài gỗ, nhiều sản phẩm tăng trưởng rất ấn tượng: Quế đạt 163 triệu USD, tăng 31%; mây tre, cói đạt 437 triệu USD, tăng 44,4%... Trong 11 tháng 2019, lâm sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.

Trong khi xuất khẩu lâm sản có sự tăng trưởng vượt bậc, trở thành điểm sáng của toàn ngành nông nghiệp năm 2019 thì các mặt hàng nông sản chính, thủy sản đều có sự sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ. 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông sản chính ước đạt 17 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm, gồm: Trái cây đạt 2,6 tỷ USD, giảm 5,5%, hạt điều đạt 3 tỷ USD, giảm 1,8% về giá trị, nhưng lượng tăng 23,6%; gạo đạt 2,6 tỷ USD, giảm 9,4% về giá trị, lượng tăng 4,8%; hạt tiêu đạt 677 triệu USD, giảm 5,8% nhưng lượng tăng 23,3%; riêng cà-phê, giá trị xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2%, lượng giảm 22,7%. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Mỹ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%. Cùng đà giảm của nông sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng cũng ước đạt 7,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm nêu trên là do biến động của thị trường xuất khẩu nông sản năm 2019, rõ nhất là nhìn từ mặt hàng gạo, rau quả và thủy sản. Trong đó, mặt hàng gạo và rau quả chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ những thay đổi của thị trường Trung Quốc - vốn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm tới 66,7% so với cùng kỳ; rau quả giảm 14,5% so với cùng kỳ. Lý do là vì Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng hạn chế thương mại tiểu ngạch, yêu cầu xuất khẩu chính ngạch; đồng thời siết chặt các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các quy định kỹ thuật khác như tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng. Theo đó, từ tháng 10-2019, mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói. Trước đó, từ tháng 4-2019, Trung Quốc yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu. Ngoài ra, siết chặt quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm nhập khẩu quản lý danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc (có chứng thư xuất khẩu)… Những yêu cầu chặt chẽ đó đã khiến gạo và rau quả nước ta gặp nhiều khó khăn khi duy trì chứ chưa nói đến đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Ðối với thủy sản - ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, kim ngạch giảm phần lớn là do hai mặt hàng chính là tôm và cá tra đều chịu sự thụt lùi về giá trị so với năm 2018. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra giảm 9%; xuất khẩu tôm giảm 6,4% so với cùng kỳ. Dự báo, xuất khẩu tôm cả năm 2019 chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tôm sang thị trường EU - thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam tăng trưởng dương duy nhất trong tháng 7-2019, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm. Trong 10 tháng năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt 580,8 triệu USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bài toán nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường

Nhìn từ "bức tranh" xuất khẩu nông sản năm 2019 có thể thấy hai vấn đề lớn đặt ra đối với lĩnh vực này chính là nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường. Trước hết, về chất lượng, nếu như lâu nay, chúng ta vẫn mặc định các thị trường khó tính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a …, còn Trung Quốc là thị trường dễ tính, thì với sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 2019 đã chứng minh cho những đòi hỏi gắt gao về chất lượng của thị trường này. Chính vì vậy, đến thời điểm này, nước ta mới có chín loại quả được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Chất lượng là yếu tố sống - còn, nếu Việt Nam muốn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường tiềm năng và rộng lớn này. Chất lượng sẽ được đo lường một cách cụ thể, chi tiết thông qua việc thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu của phía đối tác về rất nhiều yếu tố như: Nhãn mác, bao bì, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Ðây là điều không dễ dàng đối với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, bởi lâu nay chúng ta sản xuất thiên về số lượng và xuất khẩu thô là chủ yếu. Chính vì vậy, những biến động trong thị trường xuất khẩu năm 2019 như một hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc phải quyết liệt thay đổi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững trên cơ sở các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… hay các tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường nhập khẩu.

Thứ hai là tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao để tránh tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường truyền thống; đồng thời cũng là để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Thực tế, bài toán thị trường này cũng có rất nhiều hướng giải quyết khác nhau thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao. Cụ thể, trong năm 2019, lô xoài đầu tiên của nước ta đã được xuất khẩu sang Mỹ. Cũng trong năm, lô nhãn Việt đầu tiên được xuất hiện tại thị trường Ô-xtrây-li-a, thu hút đông đảo người tiêu dùng… Hay như sản phẩm cá tra Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ có bước nhảy vọt về kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác sau khi Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện tương đương với Mỹ.

Tuy nhiên, lượng nông sản được phép gia nhập vào các thị trường khó tính này còn rất ít và luôn trong tình trạng khó đáp ứng được các đơn hàng ổn định về dài hạn. Trước vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho rằng: Ðể có thể tiếp tục thâm nhập sâu và mở rộng thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, cần tiếp tục hoàn thiện các hoạt động như: Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý và công tác kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; xây dựng và triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh trên động vật và thực vật (với các sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm hiện đang được xuất khẩu và có triển vọng xuất khẩu vào các thị trường này); giám sát kiểm tra nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản phẩm (thủy hải sản khai thác trên biển, gỗ và nguyên liệu trong chế biến lâm sản); xây dựng và phát triển các mô hình trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt có chứng nhận theo yêu cầu (GlobalGAP, FSC, ASC). Trên cơ sở đó đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm cũng như các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn tới, khi Việt Nam triển khai thực hiện hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu và tiến tới là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra nhiều cơ hội về thị trường cho xuất khẩu nông sản, lâm sản và thủy sản của nước ta, nhưng các hàng rào về kỹ thuật, an toàn thực phẩm chắc chắn cũng sẽ được dựng lên ngày càng nhiều và khắt khe hơn. Chính vì vậy, các nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, nắm bắt đầy đủ thông tin về yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm sữa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tháng 10-2019, lô sản phẩm sữa chính ngạch đầu tiên đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam theo thứ tự ưu tiên: (1) Sầu riêng, (2) chanh leo, (3) bơ, (4) bưởi, (5) dừa, (6) na, (7) roi; và sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen… Ðối với lĩnh vực thủy sản, đã có tổng số 701 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chú trọng phát triển sản xuất, liên kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô hàng hóa, cấp mã số vùng trồng, nuôi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm cho hơn 1.400 mã số vùng trồng và hơn 1.400 mã nhà máy đóng gói.