Nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm chè (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tìm giải pháp phát triển bền vững

Mặc dù năng suất và sản lượng chè liên tục tăng trong những năm gần đây, nhưng quá trình phát triển ngành chè ở nước ta vẫn còn một số bất cập, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm hạn chế khả năng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm chè Việt Nam trên thị trường thế giới.

Giới thiệu sản phẩm chè shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: THANH SƠN
Giới thiệu sản phẩm chè shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: THANH SƠN

Chưa khai thác tốt tiềm năng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến nay, về cơ bản sản xuất chè của nước ta vẫn là sản xuất nông hộ nhỏ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng trung bình. Cụ thể, sản xuất chè trong nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô sản xuất nhỏ bình quân khoảng 0,2 ha/hộ. Ðiều này khiến chất lượng sản phẩm chè không đồng đều và khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Trong khi nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp, khâu chế biến, tiêu thụ chè còn nhiều bất cập. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường vẫn rất khiêm tốn. Hiện cả nước có 370 tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu chè, nhưng chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị thấp. Trong khi đó, việc tổ chức sản xuất chè và giá trị sản xuất chè giữa các tỉnh có sự chênh lệch lớn, có nơi một ha chè đạt giá trị từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có nơi đạt chưa đến 100 triệu đồng/ha/năm.

Điều đáng nói là việc liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, thậm chí làm rối loạn thị trường xuất khẩu, không kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm. Tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian không những làm tăng giá đầu vào, mà còn kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư, nhân công trong khâu chế biến, giảm chất lượng chè thành phẩm. Công tác quảng bá thương hiệu của ngành chè chưa tốt. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản lớn để chè Việt Nam tiếp cận được các thị trường cao cấp tiềm năng. Vì thế, thị trường xuất khẩu chè của nước ta được đánh giá còn khá nghèo nàn về chủng loại sản phẩm và chất lượng cũng chưa cao. Hiện nay, tuy đang đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, song phần lớn sản lượng chè xuất khẩu của chúng ta chỉ chủ yếu là xuất sang các thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên trước hết là do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu chè còn hạn chế. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy, hiện tại việc phát triển vùng chè nguyên liệu ở Lào Cai đang gặp khó khăn do công tác quản lý quy hoạch hạn chế; người dân một số địa phương tự ý thay thế trồng cây lâm nghiệp hoặc bỏ không chăm sóc, cho nên diện tích chè bị thu hẹp. Việc quản lý chất lượng giống chè một số nơi còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng sử dụng chè hạt gieo trồng trong vùng chè thâm canh. Tình hình cũng tương tự ở tỉnh Yên Bái. Do quy hoạch vùng của tỉnh thiếu đồng bộ, trong khi nông dân chủ động về quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nên thấy cây gì bán được giá là sẵn sàng phá bỏ cây cũ trồng giống mới, khiến cho diện tích cây chè giảm gần 5.000 ha trong những năm qua. Cũng do công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè ở tỉnh Phú Thọ được thành lập mới, nhưng việc đầu tư vùng nguyên liệu không được mở rộng, dẫn đến tình trạng nhà máy thiếu nguyên liệu, sản xuất chỉ đạt 60 đến 70% công suất.

Ở các tỉnh miền núi phía bắc, phần lớn các hộ trồng chè là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, trình độ kiến thức hạn chế, vì thế cơ bản vẫn thực hiện quy trình đầu tư thâm canh, chăm sóc theo phương pháp truyền thống, chưa có nguồn lực đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chè. Tại một số vùng trồng chè, người trồng chưa quan tâm đầu tư thâm canh chăm sóc chè, hầu hết diện tích chè kinh doanh chưa được bón phân đầy đủ, đúng quy trình. Việc liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, một số nơi chưa thành lập được các hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến, sản phẩm chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Trong khi đó, thủ tục đăng ký chứng nhận duy trì và mở rộng diện tích sản xuất chè theo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn; hỗ trợ lãi suất vốn vay còn rất hạn chế. Chẳng hạn như ở Lào Cai mới có hai dự án được hỗ trợ và chỉ áp dụng đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các cá nhân tổ chức có nhu cầu đầu tư sản xuất chè hàng hóa, theo hướng liên kết gắn tiêu thụ sản phẩm ở các địa bàn khác trên địa bàn toàn tỉnh thì không được thụ hưởng chính sách này.

Nhân lực cho ngành chè cũng là vấn đề nổi cộm hiện nay. Tỉnh Thái Nguyên có 91 nghìn hộ trồng chè, nhưng hiện đang diễn ra tình trạng thiếu nhân lực thu hái, bởi các khu công nghiệp, các ngành nghề khác đã thu hút phần lớn lao động trong độ tuổi lao động. Để giữ uy tín, chất lượng chè, một số nơi đã buộc phải phá bỏ diện tích chè quá lứa.

Còn ở một số vùng có lợi thế về độ cao để sản xuất các loại chè chất lượng cao, chè đặc sản, thì điều kiện hạ tầng khó khăn, chưa đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến tiên tiến, cho nên chưa khai thác tốt lợi thế đó. Như ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, chè shan tuyết chủ yếu sống trên những triền núi cao 1.000 m so với mặt nước biển, rải rác ở nhiều vùng, nên rất khó khăn cho các địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường, điện. Người dân phải đi bộ để thu hái mất rất nhiều công sức và ảnh hưởng đến chất lượng chè búp tươi. Anh Đặng Văn Quang, Bí thư Chi bộ thôn Lùng Tao (xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nơi có 200 cây chè shan tuyết cổ thụ được cấp giấy chứng nhận cây chè di sản, có chất lượng ngon nhất tỉnh cho biết, để có được sản phẩm chè ngon thì thời gian từ khi thu hái đến khi vào nhà xưởng sản xuất phải nhanh. Nhưng thực tế, người dân trong thôn mất mấy tiếng đồng hồ đi bộ mới lên đến rừng chè thu hái và cũng từng đó thời gian để gùi chè về trung tâm thôn giao cho các cơ sở chế biến. Do đó, nhiều khi chè về đến xưởng bị úa, không còn tươi nên chất lượng và giá trị sản phẩm bị ảnh hưởng.

Xây dựng ngành chè theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường

Về định hướng phát triển cây chè bền vững trong thời gian tới, Thứ trưởng NN và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, xây dựng ngành chè phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, đa dạng, trên cơ sở nhu cầu của thị trường gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đẩy mạnh thâm canh và sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, nguồn nước, lao động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Phát triển sản xuất chè phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến chè, hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi các vùng sản xuất chè hàng hóa tập trung quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, trên cơ sở huy động được mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững ngành chè trong thời gian tới, Bộ NN và PTNT đề ra tám nhóm giải pháp đồng bộ từ tổ chức vùng sản xuất, khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống gắn với định hướng sản phẩm chè…, đến phân vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Về phía các địa phương, cho đến thời điểm này, nhiều tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc đều ban hành chương trình, đề án đi kèm các chính sách ưu tiên phát triển cây chè và sản phẩm chè phù hợp tình hình địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, Nguyễn Thế Phước cho biết: Đến nay Yên Bái đã hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè shan tuyết đặc sản theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt chia sẻ thêm, tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ diện tích chè nguyên liệu, bảo đảm giữ ổn định diện tích chè hiện có, không để xảy ra tình trạng tự chuyển đổi diện tích đất trồng chè.

Hay để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chè là cây trồng hàng đầu để tăng thu nhập, làm giàu cho người dân. Khắc phục hạn chế, đạt mục tiêu đề ra, tỉnh hạn chế mở rộng diện tích, đẩy mạnh thay thế giống chè cũ bằng những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của chè. Giải pháp mà tỉnh đưa ra là chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; chế biến, bảo quản sản phẩm và đặc biệt chú trọng hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Còn tỉnh Phú Thọ triển khai Đề án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Thọ với mục tiêu đưa cây chè Đất Tổ thăng hạng trên bản đồ chè Việt Nam cả về sản lượng và chất lượng. HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 05 về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ với mức hỗ trợ 1,2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mức hỗ trợ cao nhất ba tỷ đồng/dự án.

Tỉnh Lào Cai trong những năm tới sẽ tập trung triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị chè. Tỉnh tiếp tục duy trì diện tích gần 500 ha chè chất lượng cao; thực hiện trồng mới nâng tổng diện tích chè ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh đến hết năm 2025 đạt hơn 1.000 ha; giá trị thu nhập cao hơn so với thu nhập bình quân chung trong sản xuất chè khoảng 25%. Đồng thời thực hiện việc thâm canh, tăng năng suất, diện tích chè kinh doanh lên 1.205 ha; nâng tổng diện tích chè VietGAP trên toàn tỉnh đạt 3.505 ha, năng suất đạt khoảng 8 đến 10 tấn, áp dụng một trong các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP, HACCP, ICM, chè hữu cơ để giúp quản lý chặt chẽ nguồn chè nguyên liệu, ổn định chất lượng sản phẩm tại các vùng nguyên liệu đặc sản chè của tỉnh.

Ngoài ra để gắn sản xuất chè với du lịch, Phú Thọ xây dựng các tuyến du lịch, các điểm dừng chân tham quan đồi chè như đồi chè Long Cốc, Địch Quả, Vườn quốc gia Xuân Sơn. Tỉnh Yên Bái gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển khu du lịch sinh thái của cộng đồng dân tộc H’Mông…

Hy vọng với sự quyết liệt của ngành chủ quản, sự chủ động của các địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ nêu trên, những bất cập, trở ngại trong phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, đưa ngành chè nước ta phát triển tương xứng tiềm năng, đưa kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cao, mang lại giá trị gia tăng, thu nhập cao và bền vững hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp.

Bài 1: Phát triển theo chuỗi giá trị

------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 8-4-2021.