Năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội đạt 136 triệu đồng trở lên

NDO -

NDĐT - Sáng 3-12, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa 15 khai mạc kỳ họp thứ 11. Tới dự có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Quang cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét, thảo luận và thông qua 14 báo cáo và sáu nghị quyết thường kỳ; sáu báo cáo và 16 nghị quyết chuyên đề. Đây là những chuyên đề rất quan trọng đối với quá trình điều hành của các cấp chính quyền và đáp ứng yêu cầu của cử tri như: kiện toàn sắp xếp thôn, tổ dân phố thuộc TP Hà Nội trên cơ sở Đề án của các quận, huyện, thị xã; Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hà Nội; một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề của thành phố; một số mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố...

Cũng tại kỳ họp này, HĐND sẽ dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn ba nhóm vấn đề: tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trên địa bàn.

Năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội đạt 136 triệu đồng trở lên ảnh 1

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc. Ảnh: DUY LINH

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây là một kỳ họp có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với thành phố, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra của thành phố.

Để kỳ họp đạt chất lượng cao, đồng chí đề nghị các đại biểu cần phát huy cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm trước cử tri, thảo luận kỹ lưỡng để làm rõ tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, từ đó chỉ ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, ý kiến, nguyện vọng của cử tri và dự báo tình hình trong thời gian tới, cần xem xét và quyết định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2020.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, để các Nghị quyết của HĐND sớm đi vào cuộc sống, HĐND thành phố cần thông qua đồng bộ và kịp thời các cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý. Chú ý đến các cơ chế, chính sách có tính đột phá góp phần khai thác nhanh và hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2026. Bên cạnh đó, cần tích cực phối hợp UBND thành phố báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Bộ Chính trị thông qua để thực hiện mô hình chính quyền đô thị của thành phố. Đồng thời, đề nghị HĐND thành phố tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp tích cực vào công tác chỉ đạo chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhất là công tác nhân sự chuẩn bị cho HĐND và UBND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại kỳ họp, báo cáo trước HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội đánh giá, kinh tế-xã hội năm 2019 đạt được kết quả toàn diện: GRDP tăng 7,46% -mức tăng cao nhất trong bốn năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra; thu ngân sách được bảo đảm. Đáng chú ý, có bảy chỉ tiêu trong số 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố dự kiến vượt kế hoạch. Đó là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm nghèo; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; nước sạch khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ ra một số hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy có xu hướng chậm lại từ đầu tháng 9, nhưng diễn biến vẫn phức tạp, đàn lợn giảm hơn 33% tổng đàn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ giao đất dịch vụ, giải ngân xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

Năm 2020, thành phố xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% trở lên. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 được thành phố đề ra là: thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 10,5% trở lên; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8% trở lên; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 90,1%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...