Góc nhìn

Minh bạch nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thời gian qua, vấn đề quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhiều lần được nêu tại các diễn đàn kinh tế. Đây cũng là vấn đề được đưa ra thảo luận trong phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Về cơ bản, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN liên tục được hoàn thiện trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước theo từng thời kỳ. Hệ thống các văn bản pháp luật về vấn đề này được ban hành tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN và kịp thời cân đối cho ngân sách nhà nước (NSNN) để chi cho đầu tư công. Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu này bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của luật.

Cụ thể, Luật NSNN năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc T.Ư hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách T.Ư hoặc ngân sách địa phương. Thế nhưng, trong thực tế, tiền thu từ CPH, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn đến tình trạng một số địa phương, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị “treo” số tiền thu từ sắp xếp, CPH DNNN trên tài khoản tạm thu hàng nghìn tỷ đồng, lẽ ra thuộc ngân sách địa phương nhưng không chi được trong bối cảnh nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN còn nhiều bất cập như chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, DN thực hiện nghiêm việc nộp tiền về quỹ, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài. Việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ, đối tượng nợ bao gồm cả cá nhân là người nghèo mua cổ phần trả chậm theo quy định trước đây; nhiều đối tượng nợ là DN lâm vào tình trạng phá sản hoặc tình hình tài chính khó khăn nên chậm trả nợ... Qua hoạt động giám sát, kiểm toán đã phát hiện có trường hợp tập đoàn, tổng công ty cố tình chậm nộp tiền CPH để chiếm dụng vốn, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp, phát triển DN sai mục đích.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, tổng số thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN đạt 257.497 tỷ đồng. Tổng chi là 221.643 tỷ đồng, trong đó, nộp 155.000 tỷ đồng vào NSNN, phần còn lại thực hiện chi hỗ trợ lao động dôi dư, chi bổ sung vốn điều lệ cho DN nhà nước, chi đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại DN. Số dư tại thời điểm ngày 31-12-2018 là 52.067 tỷ đồng. Dự kiến, số thu từ CPH, thoái vốn trong thời gian tới sẽ tăng cao do các DN thuộc đối tượng CPH, thoái vốn đều có quy mô lớn. Đây là nguồn thu không nhỏ từ tài sản của thế hệ trước để lại, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng một cách có hiệu quả trong bối cảnh NSNN còn khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiền thu từ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN phải nộp NSNN. Các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, cơ cấu lại DN nhà nước, bổ sung vốn nhà nước tại DN sẽ do NSNN bố trí. Trên tinh thần này, Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật NSNN năm 2015, bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn lực này.