Minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng

Tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Các công ty tài chính (CTTC) ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Tuy nhiên, để hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, đòi hỏi các đơn vị cung ứng sản phẩm vẫn phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, nhất là công tác thông tin tuyên truyền.

Nhân viên Công ty tài chính TNHH HD Saison hướng dẫn người dân làm thủ tục vay tiền. Ảnh: DŨNG MINH
Nhân viên Công ty tài chính TNHH HD Saison hướng dẫn người dân làm thủ tục vay tiền. Ảnh: DŨNG MINH

Tăng cường đầu tư công nghệ

Hiện nay, tài chính tiêu dùng có thể được coi là kênh vay tiêu dùng an toàn, hiệu quả và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao cơ hội tiếp cận, đáp ứng nhu cầu tài chính cho người dân, nhất là nhóm khách hàng dưới chuẩn cho vay của các tổ chức tín dụng. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở nước ta đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.

Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng, bên cạnh các ngân hàng thương mại còn có sự cạnh tranh rất lớn của gần 20 CTTC. Tuy nhiên thực tế, dư nợ cho vay của các CTTC hiện vẫn chưa nhiều. Thời gian gần đây, sự cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần tài chính tiêu dùng càng trở nên quyết liệt. Và để giành thị phần, nhiều CTTC chú ý tới việc đầu tư công nghệ nhằm thu hút khách hàng, nhất là những khách hàng tiềm năng đang chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế số.

Theo một số chuyên gia, công nghệ đang tạo ra một xu hướng mới trong kinh doanh, tiêu dùng trên toàn cầu. Sự đơn giản, nhanh chóng trong mua sắm trực tuyến đang là một trong những nguyên nhân thu hút nhiều hơn người mua hàng và thanh toán trực tuyến. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao càng tạo thêm mảnh đất màu mỡ cho tín dụng tiêu dùng phát triển. Và cũng trong bối cảnh cách mạng 4.0, xu hướng chung các CTTC lựa chọn là hiện đại hóa hệ thống bằng cách ứng dụng Big Data, sử dụng các công nghệ Fintech và vận dụng trí tuệ nhân tuệ (AI) để định vị khách hàng, tinh giản các quy trình, tối ưu hóa hoạt động và giảm tới mức thấp nhất chi phí vận hành.

Việc các CTTC đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới là cơ sở để tạo sự khác biệt và tăng độ nhận biết trong mắt khách hàng. Ðây cũng chính là các giải pháp giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ nhằm rút ngắn khoảng cách khi đưa dịch vụ tài chính tới khách hàng nhanh hơn, thuận tiện và hiệu quả hơn; giảm tới mức thấp nhất hoặc loại bỏ sai sót do yếu tố con người, thất thoát dữ liệu và tăng cường hiệu quả của toàn bộ hệ thống cho vay; từ đó cũng sẽ giúp CTTC gia tăng sức cạnh tranh.

Ðại diện Công ty FE Credit cho biết, việc áp dụng công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi ích như quản trị rủi ro và thay đổi khách hàng tốt hơn. "Công nghệ số hóa đã giúp rút ngắn toàn bộ quy trình một khoản vay FE Credit hiện nay rút xuống còn một ngày thay vì bốn đến năm ngày như trước đây. Doanh thu cho vay tiêu dùng thông qua kênh số hóa trong 5 năm qua đã tăng 28%", Tổng Giám đốc FE Credit Kalidas Ghose chia sẻ. FE Credit hiện cũng là CTTC tiêu dùng áp dụng nhiều giải pháp số hóa để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Cùng với FE Credit, thương hiệu cho vay tiêu dùng Easy Credit của Công ty tài chính Ðiện lực (EVN Finance) trong tháng 9 vừa qua cũng chính thức công bố mở rộng địa bàn cho vay ra cả nước sau một năm thử nghiệm ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Ðông Nam Bộ, với việc hợp tác với ViettelPay để triển khai sản phẩm Easy Vay và giải ngân trực tuyến qua ứng dụng này. Theo Giám đốc điều hành Easy Credit Nguyễn Mai Long, khách hàng mà Easy Vay nhắm đến là những người có điện thoại thông minh và có nhu cầu vay khoản vay nhỏ, tức thời như các hộ buôn bán nhỏ lẻ có doanh số hằng ngày khoảng 500 đến 600 nghìn đồng. Hay những người công nhân cần mua sắm vật dụng cho nhà trọ sau mỗi lần chuyển nhà thuê cũng tìm đến những khoản vay một đến hai triệu đồng để vay trong ba tháng với lãi suất chấp nhận được với đời sống của họ…

Chuẩn hóa quy trình cho vay

Có thể thấy, tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, hiệu quả sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Song để thị trường này phát triển lành mạnh, thời gian qua NHNN cũng đã không ngừng nghiên cứu, bổ sung các văn bản pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo môi trường phát triển bền vững cho các CTTC.

Cụ thể mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của CTTC. Theo Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, thông tư mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, là yêu cầu về tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Theo đó, NHNN đề ra lộ trình 5 năm để giảm tỷ lệ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các CTTC, đến cuối năm 2023 chỉ còn 30%. Hiện tại tỷ lệ này đang ở mức hơn 70%. Thứ hai, là về văn hóa đòi nợ, thu nợ của các CTTC. "Thời gian qua trong xã hội còn nhiều CTTC có cách thu hồi nợ gây nhiều phản cảm cho dư luận, xã hội. Vì vậy, thông tư mới sẽ điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ của các CTTC này khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong đó, CTTC chỉ được nhắc nợ với người nợ thay vì thông tin đến cả những người liên quan cá nhân vay nợ như thời gian qua", ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết. Và cuối cùng, là quy định yêu cầu hoạt động của các CTTC phải công khai, minh bạch. Trong đó, lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi sẽ được công khai.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, với những điểm mới trong Thông tư số 18, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hoạt động theo hướng tích cực, thuận lợi, an toàn, minh bạch hơn, nhất là trong xu hướng số hóa. Hiện nay, trong số các CTTC có thị phần lớn, FE Credit là đơn vị có cơ cấu sản phẩm cho vay tiền mặt lớn nhất. Theo số liệu của Công ty chứng khoán SSI, tỷ lệ cho vay tiền mặt của FE Credit hiện ở mức 76%, 24% còn lại là dành cho các khoản cho vay mua xe, mua điện thoại và cho vay thẻ tín dụng. Với các CTTC khác như HDSaison và MCredit, tỷ lệ cho vay tiền mặt thấp hơn, song cũng vẫn khá cao. Cụ thể, đến cuối tháng 9-2019, cơ cấu cho vay tiền mặt của HDSaison ở mức 33%; trong khi MCredit có tỷ lệ này ở mức 70%. "Như vậy, việc NHNN quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Việc này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ làm hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng", chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng tại nhiều quốc gia đều cho thấy, với sự hiện diện của CTTC sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển tích cực và lành mạnh hơn, hướng khách hàng đến một kênh tài chính chính thống có sự quản lý của Nhà nước. Nếu không có kênh vay vốn này, nhiều người trong số những khách hàng vay của CTTC do không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng sẽ phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi, không được pháp luật bảo hộ, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội.

PGS, TS NGUYỄN THỊ MÙI Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính