Lưới điện truyền tải gặp khó, tư nhân đầu tư không dễ

NDO -

NDĐT- Hiện, công tác đầu tư lưới điện truyền tải đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư kéo dài. Cùng với tác động của dịch Covid-19, nhiều dự án truyền tải đang ở tình trạng “cảnh báo đỏ” do chậm tiến độ. Song, để tư nhân bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này dường như không phải là điều dễ dàng.

Tập đoàn Trung Nam Group quyết tâm phấn đầu hoàn thành xây dựng góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.
Tập đoàn Trung Nam Group quyết tâm phấn đầu hoàn thành xây dựng góp phần quan trọng giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ.

Nhiều dự án chậm tiến độ, vướng thủ tục

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I, EVN và các đơn vị đã khởi công 18 công trình, hoàn thành 22 công trình lưới điện 110 kV đến 500kV (gồm hai công trình 500kV, bốn công trình 220 kV và 16 công trình 110 kV). Ước tính năm 2020, tổng đầu tư lưới điện của EVN năm 2020 vào khoảng hơn 48,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so 2019, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường dây 500kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2; các công trình trọng điểm cấp điện cho miền nam, giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Trong đó, Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực về quy hoạch điện VII điều chỉnh ngày 7-4 cho thấy, các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT đang được tích cực triển khai. Theo đó, đối với các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa các dự án NLTT được Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tháng 12-2018, EVN đã giao Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) hoàn thành vượt tiến độ hai dự án lắp máy hai trạm biến áp (TBA) 220 kV Hàm Tân và nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm.

Ngoài ra, các dự án lưới điện khác ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng đang gấp rút triển khai. Trong đó, nâng công suất các TBA 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh; TBA 220 kV Phan Ri (250 MVA) và các đường dây 220-110 kV đấu nối; TBA 220 kV Ninh Phước khởi công ngày 27-12-2019. Hiện EVN đang khẩn trương thi công phấn đấu hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 vào quý II-2020 và và hoàn chỉnh dự án vào quý IV-2020.

Lưới điện truyền tải gặp khó, tư nhân đầu tư không dễ ảnh 1

Nhiều dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đang nằm chờ giải tỏa công suất.

Song, do dịch Covid-19 đang khiến cho tiến độ nhiều dự án truyền tải bị ảnh hưởng. Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) có 21 dự án bị ảnh hưởng, trong đó phải kể đến 12 dự án đường dây và TBA 220-500 kV và chín dự án cải tạo TBA. Một số dự án trọng điểm như đường dây 500 kV mạch 3 đã được EVN báo cáo Thủ tướng cho phép giãn tiến độ hoàn thành vào tháng 12-2020 thay vì tháng 6-2020, trong đó có nguyên nhân một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc được đánh giá có rủi ro cấp hàng chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, các dự án lưới truyền tải đang phải đối mặt khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng do thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Điều này khiến nguy cơ chậm tiến độ trở nên hiện hữu, nhất là các dự án giải tỏa công suất điện mặt trời (ĐMT), điện gió.

Cụ thể, một số dự án quan trọng mới được bổ sung quy hoạch với yêu cầu hoàn thành gấp để giải tỏa công suất dự án NLTT gặp khó khăn trong triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư sẽ mất rất nhiều thời gian, khó có thể đáp ứng tiến độ hoàn thành các dự án. Đơn cử, TBA 220 kV Vĩnh Hảo và Phước Thái phấn đấu hoàn thành đầu năm 2021; đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm đã khởi công ngày 25-12-2017 nhưng việc thi công bị ảnh hưởng do vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên địa bàn Khánh Hòa và Ninh Thuận…

Đối với các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải 500 kV, đáng chú ý là đường dây 500 kV Vũng Áng, Dốc Sỏi, Pleiku 2, mặc dù dự án đã bàn giao móng 1.368/1.606. Hiện, dự án đang tập trung thi công và giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để phấn đấu hoàn thành công trình cuối năm 2020. Thế nhưng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị bị đẩy lùi, tiến độ giao hàng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Vẫn còn rào cản thu hút tư nhân

Hiện nay những dự án truyền tải do EVN đầu tư đang gặp khó về thủ tục, giải phóng mặt bằng và cả vốn. Nhưng việc huy động tư nhân đầu tư vào lưới truyền tải không phải là điều dễ dàng. Việc mới đây Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) được chấp thuận đầu tư dự án ĐMT 450 MW kết hợp TBA 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5 km được nhiều ý kiến coi là “chưa có tiền lệ”.

Tại lễ phát động Chiến dịch thi đua 102 ngày/đêm dự án này, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam chia sẻ: Trung Nam Group quyết tâm phấn đầu hoàn thành xây dựng và đưa dự án nói trên vào hoạt động vào tháng 9-2020. Sau khi đầu tư, Trung Nam dự kiến bàn giao cho EVN vận hành, quản lý với chi phí 0 đồng.

Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam công suất 450 MW, kết hợp TBA 500 kV và hơn 17 km đường dây truyền tải điện 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) đến xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.

“Ngoài việc khai thác hơn một tỷ kWh điện từ nguồn NLTT, dự án này sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ, giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung Bộ…”, ông Tiến khẳng định.

Lưới điện truyền tải gặp khó, tư nhân đầu tư không dễ ảnh 2

Cần có cơ chế thu hút tư nhân vào đầu tư lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất cho năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đến nay việc tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải vẫn sẽ phải đối mặt không ít vấn đề nan giải. Ngay cả với dự án truyền tải của Trung Nam Group đang đầu tư, theo một cán bộ của EVN chia sẻ, việc tiếp nhận bàn giao đường dây sau khi Trung Nam Group hoàn thành vẫn còn chưa thống nhất. Bởi việc coi đường dây truyền tải của Trung Nam Group đầu tư là đường dây truyền tải quốc gia hay đơn giản là trạm đấu nối nhà máy ĐMT với hệ thống đường dây truyền tải quốc gia hiện vẫn còn chưa ngã ngũ.

Mặt khác, những vướng mắc pháp lý đang bó buộc nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Bởi theo Luật Điện lực, Nhà nước độc quyền truyền tải. Do đó việc tư nhân tham gia vào khâu nào vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì thế, cuối tháng 3 năm nay, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, trong thời gian Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang xây dựng, chưa ban hành để có thể cho tư nhân đầu tư dự án truyền tải, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền Nhà nước trong hoạt động truyền tải theo hướng “Nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Cách giải thích này nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm về mặt pháp lý khi xây dựng đường dây truyền tải như cách Tập đoàn Trung Nam đang làm. Mặt khác, vấn đề an ninh năng lượng cũng được đặt ra nghiêm túc khi tư nhân đầu tư lưới truyền tải.

Giống như Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia đã cảnh báo, đây là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống này đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối… và bảo đảm sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành.

Vì thế, đối với Hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước có cần độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành như lâu nay hay không là vấn đề rất cần bàn thảo nghiêm túc và kỹ lưỡng.

Thực tế, việc thu hút tư nhân để làm đường dây truyền tải không phải là điều dễ dàng, dù tiến độ chắc chắn sẽ nhanh hơn nhiều so Nhà nước đầu tư. Với mức phí truyền tải chỉ chiếm khoảng 7% trong giá bán điện (khoảng 100 đồng), rất khó để nhà đầu tư bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để thu tiền từ việc làm đường dây nếu không phải là gắn với chính dự án nguồn điện nhà đầu tư đang tiến hành. Việc Trung Nam Group sẵn sàng đầu tư đường dây và TBA 500 kV cũng bởi vì đường dây này sẽ góp phần giúp họ giải tỏa công suất của nhà máy ĐMT 450 MW đang được đầu tư.

Để tạo thuận lợi kêu gọi tư nhân đầu tư đường dây truyền tải, cơ quan chức năng cần tháo gỡ được các nút thắt kể trên. Nếu không, việc tư nhân làm đường dây truyền tải sẽ chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu mà thôi.