Luật Thống kê sửa đổi và những kỳ vọng mới

NDO -

NDĐT - Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thống kê năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê, tuy nhiên thực tiễn đang đòi hỏi cần hoàn thiện Luật Thống kê năm 2003 nhằm phù hợp bối cảnh mới và yêu cầu hội nhập. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 7 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, dự thảo sửa đổi Luật Thống kê năm 2003 (dưới đây gọi tắt là dự thảo) đang được chỉnh sửa để trình Quốc hội sớm thông qua với nhiều kỳ vọng mới.

Luật Thống kê sửa đổi và những kỳ vọng mới

Thống kê (TK) là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, có nhiệm vụ cung cấp một cách trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin thống kê phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài.

Sự cần thiết và nguyên tắc sửa đổi Luật Thống kê

Luật Thống kê năm 2003 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TK; khẳng định vai trò quan trọng của công tác TK; địa vị pháp lý của cơ quan TK, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê. Sự phối hợp giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành có tiến bộ đáng kể. Công nghệ thông tin - truyền thông đã được áp dụng khá phổ biến trong công tác TK. Thông tin TK đã góp phần giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Dựa trên kết quả tổng kết việc thi hành Luật Thống kê năm 2003 và các văn bản có liên quan; bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả với số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao, phù hợp với thực tiễn TK Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động TK chính thức của Ủy ban Thống kê Liên Hợp quốc; bảo đảm sự phân cấp trong quản lý nhà nước về TK; tăng cường các quy định nhằm bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao vai trò điều phối của Cơ quan TK Trung ương; tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về TK ở trung ương và địa phương; tăng cường các quy định về sử dụng dữ liệu hành chính, cơ sở dữ liệu hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác TK; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động và thông tin TK; đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thống kê, nhu cầu thông tin thống kê của xã hội, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, của Luật Thống kê mẫu quốc tế và Luật Thống kê của các nước có nền TK phát triển.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu Luật Thống kê

Dự thảo được sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn diện, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn có hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động TK hiện nay và bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định. Chính vì vậy, về tên gọi của Luật sẽ là Luật Thống kê (sửa đổi) thay thế Luật Thống kê năm 2003.

Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động TK và sử dụng thông tin TK trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam; tập trung vào hoạt động TK và sử dụng thông tin TK do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện. Đối với hoạt động TK của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức TK nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, phạm vi, nguyên tắc và yêu cầu, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập và phổ biến thông tin TK (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).

Dự thảo làm rõ các hệ thống thông tin TK ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin TK quốc gia; hệ thống thông tin TK bộ, ngành; hệ thống thông tin TK cấp tỉnh; hệ thống thông tin TK cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin TK và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin TK. Qua đó cụ thể hóa các nội dung: Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia, hệ thống chỉ tiêu TK bộ, ngành, Hệ thống Chỉ tiêu TK cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động TK nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin TK nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.

Dự thảo cụ thể hóa danh mục Hệ thống Chỉ tiêu TK quốc gia, quy định phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành, địa phương. Bổ sung hình thức thu thập thông tin TK từ sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động TK nhà nước; khẳng định và luật hóa vị trí pháp lý của Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Cơ quan Thống kê Trung ương và Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh; bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê, quy định áp dụng phương pháp thống kê tiên tiến và hợp tác quốc tế để bảo đảm tính so sánh và chất lượng thông tin TK phù hợp với chuẩn thế giới; cụ thể hóa lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại vào hoạt động thu thập và phổ biến thông tin TK.

Đặc biệt, Dự thảo cụ thể hóa quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu TK quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của Cơ quan Thống kê Trung ương, thì Cơ quan Thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ (khoản 5 Điều 53).

Dự thảo cũng quy định lịch công bố thông tin TK là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin TK, đồng thời, đây cũng là cam kết của cơ quan TK trong việc cung cấp kịp thời các thông tin TK và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin TK nhà nước chủ động tiếp cận, sử dụng.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập một số nội dung liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ thống kê nhằm nâng cao chất lượng thông tin TK, như: Quy định tên chỉ tiêu hoặc nhóm chỉ tiêu TK quốc gia; Bổ sung quy định về phân loại TK quốc gia, nêu rõ danh sách các phân loại thống kê quốc gia dùng chung trong hoạt động thống kê; Bổ sung quy định các cuộc tổng điều tra TK quốc gia, nêu rõ danh sách các cuộc tổng điều tra, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức; Bổ sung quy định về dữ liệu hành chính cho hoạt động TK nhà nước, nêu rõ danh sách cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành mà dữ liệu từ đó được cung cấp cho Cơ quan Thống kê Trung ương để sử dụng trong hoạt động TK nhà nước; Bổ sung quy định về chế độ báo cáo TK cấp quốc gia, nêu rõ tên chế độ báo cáo TK cấp quốc gia và đối tượng thực hiện; Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TK và sử dụng thông tin TK; Bổ sung tăng quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của điều tra viên TK và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo TK; Bổ sung một số điều, khoản nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong lĩnh vực TK nhà nước, trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động TK của bộ, ngành, cũng như trong quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính cung cấp cho hoạt động TK nhà nước. Đồng thời, bổ sung các mức độ của số liệu TK được công bố, nhằm minh bạch hóa việc công bố thông tin TK của cơ quan thuộc hệ thống tổ chức TK nhà nước.

Hy vọng rằng, dự thảo lần này khi được thông qua và triển khai, sẽ có tác động tích cực nhất cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân, phù hợp và đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hoạt động TK trong thời kỳ mới.