Loại bỏ lợi ích nhóm trong đầu tư dự án công - tư

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ công, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) là một xu thế tất yếu ở nước ta. Vì vậy, việc dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, gọi tắt là Luật PPP lần đầu tiên trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo cử tri.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng, trong những năm qua, các dự án PPP đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải… kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân. Các yếu tố này đã góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai vẫn còn một số bất cập như: Quy trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kéo dài; hạn chế trong khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị dự án; việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai... Mặt trái nảy sinh từ các dự án PPP này gây bức xúc dư luận, có nơi tạo thành những điểm nóng; nhiều dự án bị thất thoát tài sản, đất đai của Nhà nước. Nổi lên là những dự án BOT giao thông, làm đường một đằng, đặt trạm thu phí một nẻo; hay như hiện tượng tuyến đường công đã có, nhà đầu tư trúng thầu chỉ sửa chữa, nâng cấp nhỏ, rải lớp thảm nhựa, biến thành đường tư để thu phí. Nhiều dự án BOT thời gian qua gây tai tiếng ở nhiều địa phương như BOT Cai Lậy; Nam Hải Vân; BOT Phú Gia - Phước Tượng; Pháp Vân - Cầu Giẽ; trạm thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn cho quốc lộ 5B; BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài...

Đó còn là những dự án BT đổi đất lấy hạ tầng (kê khai tăng giá trị công trình trong khi hạ giá đất công một cách rẻ mạt) khiến Nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều dự án BT. Thí dụ như vụ việc liên quan bốn con đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm được mệnh danh là “những con đường dát vàng” khi nhà đầu tư “thổi giá” lên tới cả nghìn tỷ đồng cho mỗi ki-lô-mét để qua đó đổi được nhiều lô đất Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã kết luận có nhiều sai phạm, phải đình chỉ các dự án này. Dư luận không ít lần đề cập đến chuyện doanh nghiệp yếu kém, chia nhỏ dự án BT, bán lại cho nhà thầu kiếm chênh lệch. Hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án BT gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Vì vậy, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, được đưa ra thảo luận trước Quốc hội tại kỳ họp thứ tám đang nhận được sự mong chờ, kỳ vọng rất lớn của đông đảo nhà đầu tư. Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có 11 chương 102 điều với những điểm mới đáng chú ý: Đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi cạnh tranh, rút ngắn thủ tục đấu thầu; việc lựa chọn dự án được thực hiện kỹ lưỡng thông qua cơ chế thành lập hội đồng thẩm định dự án PPP; đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin tại tất cả các bước như chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng. Một trong những quy định quan trọng được nhấn mạnh là chỉ lựa chọn áp dụng loại hợp đồng có cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP đầu tư, xây dựng mới và người dân có hơn một sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ.

Những quy định rõ ràng trong dự thảo luật, có thể tạo ra bước tiến pháp lý quan trọng, mở rộng đường cho phương thức đầu tư PPP phát triển lành mạnh, hài hòa và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên. Điều đó cho thấy, phương thức đầu tư PPP đang có rất nhiều tiềm năng và tạo ra cơ hội cho tất cả các bên.

Một môi trường pháp lý minh bạch là điều kiện tiên quyết để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư chân chính, các nhà đầu tư lớn tham gia tiến trình phát triển, trong các công trình, dự án lớn phục vụ dân sinh, xây dựng hạ tầng hiện đại, loại bỏ những doanh nghiệp chỉ đầu tư cơ hội, những doanh nghiệp “sân trước, sân sau” hình thành nhóm lợi ích tham nhũng, gây thất thoát ngân quỹ, đất công, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Nguyễn Linh Giang
(Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)