Lào Cai tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh Lào Cai luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 11,6%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ ngày càng tăng; thu ngân sách nhà nước hằng năm trên địa bàn tăng. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37, Lào Cai tập trung vào các giải pháp, đó là: Tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; khai thác, sử dụng tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường; phát triển khoa học - công nghệ và các trung tâm khoa học - kỹ thuật phục vụ trực tiếp vùng và địa phương; xây dựng thể chế, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận vững mạnh; củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển…

Mục tiêu của tỉnh là phát triển kinh tế bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam và vùng tây nam Trung Quốc; trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, trung tâm công nghiệp luyện kim, phát triển nông nghiệp đặc hữu cho vùng và cả nước; phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển thuộc tốp đầu của khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ.

* Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như: Xây dựng con người phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; coi trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, ban hành các đề án bảo tồn, phát triển không gian văn hóa cồng chiêng; bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển làm nghề truyền thống.

Lâm Đồng đang có nhiều giải pháp phát huy giá trị của 36 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nhiều di tích đang được các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phục vụ du lịch hiệu quả như Thung lũng tình yêu, thác Đatanla, thác Prenn, hồ Tuyền Lâm. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc giữ gìn, tôn tạo cảnh quan và những công trình kiến trúc có giá trị; tiếp tục động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm có giá trị; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa…

Thời gian tới, Lâm Đồng tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; tiếp tục củng cố và phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật địa phương; phát huy, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở. Tỉnh cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đến du khách và doanh nghiệp du lịch trong nước và ngoài nước…